Khi ông Park không dám mạo hiểm với cầu thủ trẻ…
HLV Park Hang-seo than thở bóng đá Việt Nam suốt hơn bốn năm qua không còn sản sinh ra tiền đạo giỏi và tiềm năng trong khi bản thân ông cũng không táo bạo sử dụng cầu thủ trẻ.
Tân binh dưới 23 tuổi Thanh Bình vào sân từ giữa hiệp 2 trong trận thua Trung Quốc 2-3 và gặp sai sót trong kèm người khiến ông thầy người Hàn Quốc dường như không còn dám cho cầu thủ trẻ ra sân nữa. Như trong trận mới nhất thua Nhật 0-1, ông Park thà đưa Phan Văn Đức từng sa sút ở nhiều trận đấu trước đó vào sân hơn nửa tiếng rồi lại rút ra, còn hơn tạo cơ hội cho gương mặt trẻ tiềm năng khác.
Nói ông Park sợ thua nặng hơn nên quyết định sử dụng toàn học trò cũ, dù phong độ giảm sút là đúng, mà nói ông thiếu niềm tin vào lớp đàn em cũng không sai.
Các cầu thủ trẻ lên tuyển rất nhiều nhưng ngoài Hoàng Đức, có ai trụ được dưới mắt thầy Park? Ảnh: VFF
Thầy Park đang nắm cả hai đội tuyển quốc gia và lứa U-23 Việt Nam nên không khó nhìn ra cầu thủ nào đủ sức chơi ở sân chơi nào, với đối tượng nào. Và dẫu rất quyết tâm có điểm số đầu tiên ở trận thứ năm vòng loại cuối cùng World Cup 2022 nhưng ông thầy người Hàn vẫn bất lực với câu nói: “Cả đời tôi làm bóng đá chưa bao giờ kiếm 1 điểm khó thế”.
Đằng sau lời tự thú không thể làm gì hơn để giúp các học trò chia điểm với Nhật là phán xét bóng đá Việt Nam bốn năm qua dưới thời ông đã không sản sinh ra chân sút giỏi như Anh Đức, Đức Chinh… Đấy cũng là nguyên do ông Park luôn sử dụng duy nhất Tiến Linh đá chính ở vị trí tiền đạo và suất tiếp theo thường là Công Phượng khi cầu thủ này không bận việc riêng.
Nhìn lại nhân sự trên đội tuyển ở các tuyển trong suốt hơn bốn năm qua dưới tay ông Park cũng rất hiếm hoi có đất diễn cho cầu thủ trẻ và thời gian gần đây càng ít ỏi hơn. Ai cũng biết ông Park sợ thua đậm hơn, dễ gặp nhiều phản ứng hơn, trong bối cảnh người yêu bóng đá Việt Nam chỉ yêu những trận thắng hoặc thua nhẹ có thể chấp nhận được. Từ sức ép của dư luận cho đến sự thiếu tin tưởng và cầu thủ trẻ chưa đủ sức thuyết phục thầy Park, cơ hội của họ trên đội tuyển quốc gia gần bằng 0.
Ông Park hầu như chỉ dùng phương án 2 trong thế không còn lựa chọn, như khi Hùng Dũng, Trọng Hoàng, Văn Hậu, Đình Trọng, thủ môn Văn Lâm… chấn thương, còn không thì không có chỗ cho cầu thủ khác chen chân.
Thật ra ông Park cũng rất chịu khó tìm tòi và mở rộng cửa đội tuyển cho lứa trẻ nhưng chỉ để đông vui, đủ chia đội hình đá đối kháng mà rất ít sử dụng. Mới nhất, ông cho cả 10 cầu thủ U-23 lên tuyển quốc gia rồi loại chín, giữ lại mỗi Văn Xuân và để mài mòn ở ghế dự bị.
Cho nên có thể thấy dưới triều đại thầy Hàn, cầu thủ khoác áo các đội tuyển quốc gia rất nhiều nhưng trụ lại hoặc ra sân chẳng bao nhiêu. Cách sử dụng người của ông Park chỉ gói gọn trong một nhóm cầu thủ mà ông yêu thích, từng chơi chung với nhau bốn năm qua, thay cho lời muốn nói tuyển thủ quốc gia đông nhưng không tinh.
HLV Park Hang-seo không mạo hiểm dùng cầu thủ trẻ là muốn truyền đi thông điệp đó không phải trách nhiệm của ông.
Thầy Park chỉ ra thiếu sót của bóng đá Việt Nam HLV Park Hang-seo nói thẳng hệ thống đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam có vấn đề khi lực lượng kế thừa thiếu hụt trầm trọng, đặc biệt ở hàng tiền đạo: “Chúng ta không thấy tiền đạo nào tiềm năng cả, ngay trong đội U-23 Việt Nam cũng không có chân sút nào tốt. Bao giờ bóng đá Việt Nam giải quyết vấn đề đó thì thật sự khó nói”. Ông Park từng dẫn chứng ngoại binh đã chiếm hơn 80% suất đá tiền đạo ở V-League, cộng thêm các chân sút nội giàu kinh nghiệm hơn khiến cầu thủ trẻ mòn mỏi ngồi ngoài. Ông bày tỏ nỗi lo cầu thủ trẻ không chỉ một thời gian ngắn là giỏi lên và nếu không thi đấu thì năng lực đi xuống. Việc tìm ra những cầu thủ cho thế hệ thay thế lớp đàn anh tiếp theo là cực khó và ông chỉ còn trông chờ kế hoạch đào tạo bóng đá trẻ có bài bản theo từng giai đoạn để tránh sự hụt hẫng như ở thời điểm này. |
Hành trình đã qua của ĐT Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á không như ý muốn. Nhưng Tiến Linh vẫn ghi dấu...
Nguồn: [Link nguồn]