Khi làng bóng nội mất niềm tin
V-League từng sống trong cảnh các đội “biết điều” với trọng tài để bắt có lợi cho mình nên bây giờ nhiều lãnh đạo đội bóng thấy trọng tài thổi bất lợi cho đội mình là la làng.
V-League mới vào vòng 2 nhưng các trọng tài đã bị chĩa mũi dùi và bị hăm he khiếu nại. Thậm chí sân Pleiku trọng tài còn bị khán giả phản ứng ném cả giày dép xuống sân khiến lực lượng phải can thiệp sau trận đấu để đảm bảo an toàn cho trọng tài.
Trọng tài Phùng Đình Dũng xử phạt trong trận HA Gia Lai - SHB Đà Nẵng. Ảnh: TTVH
Khi những mối quan hệ dích dắc được đẩy lên bàn “nghị sự”
V-League từng có giai đoạn không biết điều với trọng tài thì không thể vô địch hoặc trụ hạng được. Thậm chí là còn phải nhờ đến trọng tài “ruột” tính đường.
Chẳng hạn có mùa giải trước trận Gạch - Gỗ, ban tổ chức (BTC) phân công trọng tài Võ Minh Trí thì bất ngờ có đơn gửi BTC tố trọng tài Trí có ông ngoại người Long An.
Thế là giờ chót BTC thay bằng trọng tài khác và kết quả là lợi thế nghiêng về phía đội làm đơn. Chính trưởng BTC giải đấy sau này thú nhận rằng mình bị lừa và việc đổi trọng tài đấy vô tình lại tiếp tay cho hậu trường làng bóng nội.
Hoặc ông Nguyễn Văn Mùi ở mùa giải 2011 từng bị tiếng oan là người Đà Nẵng bênh đội Đà Nẵng. Ông còn bị mang tiếng có con trai và con rể làm trọng tài nên cả hai đoạt cả còi vàng lẫn còi bạc.
Vì thế mà ông Mùi có lần bị ghét đến độ lãnh đạo VFF có vị khẳng khái tuyên bố không để ông ngồi ở vị trí trưởng ban trọng tài và tìm người khác lên thay. May cho ông Mùi là khi nhiệm kỳ VII VFF xếp ghế ban trọng tài thì lãnh đạo VFF vô tình đi cùng chuyến bay với một lãnh đạo cấp cao và vô tình vị này mở lời khen ông Mùi nghiêm minh. Thế là sau đó thì tự nhiên ông Mùi được phục chức.
Cũng mối quan hệ dích dắc nhưng có lần lại chịu tiếng oan là đội bóng HA Gia Lai. CLB của bầu Đức từng bị xem là đội của ông phó chủ tịch VFF nên được nhiều lợi thế. Đồn đại thế nhưng đâu có ngờ mùa 2015, đội HA Gia Lai của bầu Đức nhiều lần bị ép đủ kiểu.
Căn bệnh niềm tin vẫn nhắm vào trọng tài
V-League 2016 mới đi được hai vòng đấu nhưng trọng tài đã bị đưa vào tầm ngắm. Sân Cao Lãnh, HLV Nguyễn Đức Thắng của đội Hà Nội lên tiếng chỉ trích trọng tài Nguyễn Ngọc Châu cho bù giờ tám phút dù trọng tài thứ tư đưa bảng là năm phút.
Nặng hơn là sân Pleiku trọng tài Phùng Đình Dũng bị cả hai đội chỉ trích về cách cầm còi và thậm chí là bị đe dọa sẽ kiện lên BTC.
Cũng cần biết là cuối trận, trọng tài Dũng từng bị khán giả Pleiku ném cả vật lạ và giày dép xuống sân đến độ cầu thủ HA Gia Lai phải can ngăn, còn Văn Toàn thì đi nhặt rác lẫn giày dép bỏ ra ngoài sân để trận đấu được sớm tiếp tục.
Công bằng mà nói thì việc các đội quá đáng với trọng tài xuất phát từ căn bệnh niềm tin mà nhiều mùa trước chính các đội làm hư trọng tài qua việc “biết điều” để hưởng lợi.
Thế nên bây giờ chỉ mới vòng 2 mà nhiều đội cứ đặt dấu hỏi nghi kỵ trọng tài nhiều hơn là nhìn vào mặt khách quan về chuyên môn. Chẳng hạn HLV Đức Thắng không chịu trừ đi thời gian cầu thủ ông câu giờ thật lộ liễu khiến năm phút cộng thêm phải kéo sang đến phút thứ tám.
Hay HLV Huỳnh Đức nhìn nhận Văn Toàn ghi bàn trong thế việt vị theo góc nhìn của mình nhưng không chịu nhìn theo vị trí của trợ lý bám tình huống.
Hoặc cụ thể hơn là lãnh đạo đội HA Gia Lai cho rằng trọng tài xử ép tình huống dẫn đến bàn thua 1-2 dù cả hai tình huống phạt trực tiếp lẫn phạt góc trọng tài Dũng đều không sai.
Là những người làm bóng đá thì càng không thể giải thích rằng trợ lý chỉ hết biên còn trọng tài chính lại cho đá phạt góc bởi trọng tài chính khi quan sát tốt hơn và chắc chắn thì có quyền đè cờ.
Hoặc lấy lý do trọng tài Dũng là người Hà Nội mà đội SHB Đà Nẵng là của ông bầu người Hà Nội thì cũng khác gì đừng phân công trọng tài Trí do có ông ngoại người Long An.
Nỗi khổ của bóng đá Việt Nam và cũng là lực cản của sự phát triển bóng đá nước nhà là căn bệnh niềm tin khiến cứ làm khó nhau trong cuộc chơi ở sân khấu bốn mặt.