Khi đội tuyển Việt Nam chậm hơn, thấp hơn và yếu hơn
Trận thua thứ 6 của đội tuyển ở vòng loại World Cup cho thấy sự bất lực của bóng đá Việt Nam với đỉnh cao châu lục.
Bàn thắng của Saudi Arabia vào lưới ĐT Việt Nam (Bản quyền FPT):
Bàn thua duy nhất của đội tuyển trước Ả rập Xê út là từ một pha bóng bổng. Duy Mạnh đã nhìn thấy nguy cơ của pha bóng ấy rất sớm, khá khôn ngoan và đã sử dụng cả tiểu xảo.
Ả rập Xê út ghi chỉ 1 bàn nhưng đủ để đánh bại ĐT Việt Nam
Duy Mạnh đặt tay lên vai của đối thủ trước khi bóng tới tầm tranh chấp của cả hai. Nhưng đối thủ vẫn đủ khả năng bật lên dù không thật cao cũng đủ để chạm bóng, lái nó đi vào góc cao ở phía cột xa.
Cú treo bóng đó xuất phát từ việc đối thủ chiến thắng trong một cuộc thi bứt tốc ở đoạn ngắn, với sức rướn vượt trội đã đánh bại Hồng Duy để có quả bóng trong chân, rồi sau 2 pha đảo người đã tạo nên một cơ hội không thật sự rõ ràng.
Vẫn còn nữa, và cũng chỉ trong tình huống dẫn tới bàn thắng đó. Trung vệ Thanh Chung đá theo chức năng cổ điển trong sơ đồ 3 trung vệ đã băng lên để ốp từ sau lưng khi tiền đạo đối thủ giật về, quay lưng với khung thành Tấn Trường. Chung bị loại bỏ và hàng thủ chỉ còn 4 người.
Hoàng Đức thua trong nhiều pha tranh chấp trước các cầu thủ Saudi Arabia
Vẫn chưa hết. Đã không thể có cơ hội cho đối thủ nếu như Tuấn Anh và Hoàng Đức không thua trong các pha tranh chấp tay đôi. Hoàng Đức ở gần bóng hơn nhưng tiền vệ đối phương với sải chân dài hơn 1m đã chiến thắng. Tuấn Anh sau khi hụt hơi khống chế bóng trong 1 tích tắc trước đó áp sát ngay bị loại bỏ chỉ sau một động tác đổi hướng đơn giản.
Toàn bộ các diễn biến trên có thể gói gọn trong 3 tiêu chí của thể thao xưa nay nói chung và một phần nào đó của bóng đá nói riêng: Nhanh hơn, Cao hơn và Mạnh hơn.
Khi các cầu thủ tốt nhất của bóng đá Việt Nam được quy tụ dưới một BHL đông đảo và chuyên trách chưa từng có trong lịch sử bóng đá nước nhà vẫn thua cả 3 tiêu chí trên thì thất bại ở một sân chơi tầm cao, trước đối thủ thường xuyên tham dự World Cup như Ả rập Xê út quả là rất khó tránh khỏi.
Lợi thế thể hình, tốc độ và sức mạnh của Saudi Arabia khiến ĐT Việt Nam rất vất vả
Bàn thua trước tuyển Nhật Bản cũng ở Mỹ Đình mấy ngày trước cũng theo một cách tương tự. Quế Ngọc Hải băng lên ốp từ phía sau không kịp và lùi về cũng không kịp nên Minamino đã thoát xuống căng ngang. Hồng Duy thua tiền đạo Ito trong cuộc đua tốc độ ở cự ly 15m, đành nhìn đối thủ đệm bóng ghi bàn.
Chúng ta 4 năm qua đã thấy ông Park và ê kíp của mình đã nỗ lực để thay đổi dựa trên một nguyên tắc cốt lõi khác của bóng đá: Nếu có sự hợp lý trong lối chơi thì chúng ta có thể hạn chế được nhược điểm và phát huy ưu điểm.
Còn nhớ sau VCK U23 châu Á 2018, ông Park đã lý giải tại sao các cầu thủ của ông lúc đó lại giàu thể lực đến thế, dù cho giải đấu diễn ra trong điều kiện thời tiết cực kỳ khắc nghiệt (bão tuyết). Ông lý giải rằng cách chơi hợp lý dựa trên sơ đồ chiến thuật hợp lý nên các cầu thủ phân phối sức tốt hơn.
ĐT Việt Nam đã tiến bộ nhiều nhưng vẫn kém xa đối phương do xuất phát điểm thấp
Trận đấu với Ả rập Xê út có thể nói là màn trình diễn tốt nhất của tuyển Việt Nam từ đầu vòng loại thứ 3. Nó đúng với khẳng định của ông Park là đội càng chơi càng sửa sai.
Nhưng dường như chúng ta còn chưa thể có điểm đầu tiên không chỉ vì thể lực thể hình. Cách tổ chức lên bóng bằng những đường bóng dài từ các trung vệ và thủ môn đã khiến tuyển Việt Nam liên tục phải tranh chấp bóng bổng ở tuyến trên và thường xuyên khiến các tiền vệ tốn sức khi tranh chấp bóng hai (các đường bóng dội ra).
Vì các cầu thủ không đủ tự tin để phát triển lối chơi từ phần sân nhà (build up) theo xu thế bóng đá đương đại, hay vì đó là chủ trương của BHL ở một sân chơi đẳng cấp cao? Tôi sẽ dành câu hỏi này khi nào có dịp được phỏng vấn ông Park.
Thất bại trước Saudi Arabia khiến ĐT Việt Nam bật bãi khỏi top 100 trên bảng xếp hạng FIFA.
Nguồn: [Link nguồn]