Khi Công Phượng ghi bàn…
Bàn thắng vào lưới chủ nhà Yangon United giúp TP.HCM không thua trong trận ra quân ở đấu trường AFC Cup 2020.
Cầu thủ của bầu Đức lại nhận đầy đủ những lời chúc tụng ngọt ngào như ngày nào.
Đã có thống kê tính ra con số 386 ngày trôi qua, Công Phượng mới biết ghi bàn. Nó đánh dấu từ pha bóng solo lắt léo của Công Phượng qua hàng loạt hậu vệ Jordan ghi bàn cho tuyển Việt Nam ở vòng chung kết Asian Cup hồi tháng 1-2019.
Công Phượng ghi bàn và được các đồng đội mới chúc mừng sau bàn thắng cho TP.HCM. Ảnh: AFC
Suốt hơn một năm qua, Phượng tịt ngòi xuyên suốt từ màu áo Incheon (Hàn Quốc), Sint Truiden (Bỉ) cho đến đội tuyển quốc gia. Thậm chí cú sút luân lưu của Công Phượng trong trận chung kết King’s Cup 2019 tưởng dễ hạ thủ môn thế mà lại bay lên trời.
Nhưng chỉ với pha đánh đầu vào lưới Yangon United gỡ hòa 2-2 cho CLB TP.HCM ở sân chơi châu Á, cái tên Công Phượng 25 tuổi đã đánh dấu sự trở lại vui vẻ.
Nổi lên như một thần đồng của bóng đá Việt Nam sau thời của Văn Quyến, Công Vinh cùng gốc gác Nghệ An, chân sút Công Phượng lúc 19 tuổi đã không thiếu thứ gì. Thế mà định mệnh cứ như thử thách Công Phượng bởi sự phập phù, lúc tỏa sáng rực rỡ, cũng có khi chìm nghỉm trong nỗi thất vọng.
Điểm đặc biệt của Công Phượng dù rơi vào hoàn cảnh nào, chân sút trẻ này vẫn cứ “trơ trơ” như bất chấp với một nụ cười, ngạo nghễ hoặc chua chát. Khán giả từng lên đồng với pha độc diễn qua hàng thủ dày đặc của Úc ghi bàn ở giải U-19 quốc tế, rồi cũng sẵn sàng “ném đá” không thương tiếc lúc Công Phượng đá hỏng phạt đền trận thua Thái Lan tại vòng bảng SEA Games 2017. Cả hai lần đó, rất lạ Công Phượng đều nhoẻn miệng cười, ngạo nghễ và chua chát.
Cũng không nhiều người biết Công Phượng từng giành đá phạt đền với đồng đội, chỉ vì nếu lỡ sút hỏng, người ta… chửi thì Phượng chịu đựng quen rồi, còn bạn bè dễ suy sụp tinh thần hơn.
Công Phượng rất hiếm khi ghi bàn bằng đầu nhưng đã vừa đánh dấu sự tái xuất của mình với pha cắt mặt hàng phòng ngự Yangon đánh đầu điệu nghệ thành bàn. Có người nửa đùa nửa thật nói Công Phượng đã biết “đá bóng bằng đầu” vì thấy cái cách chơi thông minh hơn, hạn chế ôm bóng cắm đầu đi vào hàng thủ đối phương rồi bị chặn đứng, cứ như thiêu thân lao vào lửa.
Sớm lên tuyển quốc gia từ lứa tuổi đôi mươi, chưa bao giờ các ông thầy từ nội lẫn ngoại quên cái tên Công Phượng, bất chấp phong độ lẫn khả năng ghi bàn lúc thịnh lúc suy. HLV Miura cho đến ông Park Hang-seo cả khi Công Phượng mài mòn đũng quần trên ghế dự bị từ các CLB Nhật, Hàn, Bỉ vẫn gọi trở về chân sút không biết đá đấm ra sao, chỉ tin vào cái bản năng.
Khi Công Phượng đã biết ghi bàn, lại thấy một nụ cười ngạo nghễ.
Vượt qua chính mình Tuổi 19 của Công Phượng từng “không có 2 m đường để đi” như chia sẻ của thầy cũ Guillaume mỗi khi đội HA Gia Lai ra đường hoặc đến sân tập luyện, thi đấu trên khắp cả nước. Sự nổi tiếng giúp Công Phượng đổi đời nhưng cũng khiến anh phải đánh đổi nhiều thứ. Sau nhiều năm lận đận ở các đội bóng nước ngoài và chơi không nổi bật trên tuyển quốc gia, người ta hy vọng sẽ thấy một Công Phượng khác. Bầu Đức cố tình giải cứu Công Phượng từ ghế dự bị quen thuộc ở Sint Truiden về với TP.HCM mà không phải HA Gia Lai. Ông nói cho Công Phượng chơi trên sân Thống Nhất giúp bóng đá TP.HCM hấp dẫn nhiều khán giả hơn, không cần tiền bạc chuyển nhượng gì cả, chỉ là mỗi lần đụng độ đội bóng phố núi, Phượng phải ngồi ngoài. |
Nguồn: [Link nguồn]
Công Phượng không có cơ hội ra sân thi đấu nếu CLB TP.HCM gặp HAGL ở V-League 2020.