Khi Công Phượng đi quảng cáo bia...
Cựu tuyển thủ Nguyễn Hồng Sơn năm 1998 từng “mở hàng” đóng quảng cáo khi học mãi hai chữ “Thật đấy!” cho một hãng dầu gội.
Sau hiệu ứng bóng đá Việt Nam đoạt HCB SEA Games 1995 rồi HCĐ Tiger Cup 1996, HCĐ SEA Games 1997, các nhà sản xuất mặt hàng sản phẩm tiêu dùng bắt đầu tìm đến những cầu thủ nổi tiếng để mời làm quảng cáo. “Mở hàng” cho hoạt động này trong giới cầu thủ là tiền vệ Nguyễn Hồng Sơn. Hồi đó Hồng Sơn “đánh quả” một mình mà không báo cáo lên cấp trên (cơ quan chủ quản là đội Thể Công) nên cũng mệt mỏi không ít với án kỷ luật ngầm.
Hồng Sơn “biến mất” một ngày chỉ để quay một cảnh đánh đầu với mái tóc sạch bồng bềnh rồi thốt lên hai tiếng “Thật đấy!”. Chỉ một cảnh ngắn vài giây mà Hồng Sơn phải diễn đi diễn lại mấy chục lần đến mệt lả. Hồi đấy Sơn kể lại anh không ngờ đóng quảng cáo mệt như thế bởi nó khác xa với ra sân là “chiến” mà chẳng cần kịch bản hay phân cảnh nào. Chỉ riêng hai chữ “Thật đấy!” mà Hồng Sơn thoại thôi cũng mất rất nhiều thời gian.
Show đấy chỉ vài chục triệu đồng nhưng đó là show khó quên vì nó mở đầu cho phong trào cầu thủ nổi tiếng làm quảng cáo.
Văn Quyến từng nổi đình nổi đám với hợp đồng quảng cáo giá trị và làm đại sứ cho một thương hiệu giải khát
Sau Hồng Sơn, bốn tuyển thủ Việt Nam trong đó có Hữu Thắng bị “bắt” làm nghĩa vụ cho một hãng dầu nhớt liên quan đến hợp đồng của VFF với đối tác. Việc quảng cáo chỉ là hình ảnh các tuyển thủ mặc áo đội tuyển tay cầm bình dầu nhớt để hãng này mở chiến dịch đưa ảnh các tuyển thủ “bán dầu nhớt” đặt ở những cây xăng.
Hình ảnh đấy thật phản cảm trong đó có báo chụp được tấm ảnh Hữu Thắng ôm bình dầu nhớt bị đội tuần tra đô thị “hốt” lên xe dẹp lòng, lề đường. Lần ấy Hữu Thắng than thở: “Là tuyển thủ, chúng tôi bị buộc phải có nghĩa vụ với nhà tài trợ cho đội tuyển nhưng đâu biết hình ảnh mình đứng ở các cây xăng phản cảm như thế. Nhiều người cứ nói tôi là Hữu Thắng bán dầu nhớt như thế chắc nhiều tiền lắm nhưng thú thật là tôi cũng không biết “ai được” trong vụ cầu thủ bán dầu này”.
Nổi đình nổi đám với phi vụ quảng cáo cá nhân là Phạm Văn Quyến. Với tên tuổi và hình ảnh ấn tượng của Quyến ở SEA Games 2003, một công ty nước ngọt lớn đã tìm đến Quyến và ký kết một hợp đồng nhiều năm. Sau hợp đồng đó, Quyến đã trở nên thương hiệu độc quyền và là đại sứ của công ty nước giải khát đấy với hình ảnh được treo đầy ở các quán ăn và những trò chơi có thưởng của hãng này.
Tuy nhiên, hợp đồng trên tồn tại không lâu thì năm 2005 với vụ mua bán độ tại SEA Games 2005, tất cả thương hiệu có hình ảnh của Quyến đều bị lột bỏ và nhà tài trợ lập tức chấm dứt hợp đồng với “đại sứ” của mình.
Công Phượng vừa dấn thân vào lĩnh vực quảng cáo
Mới đây, nổi nhất là lứa U-19 đã xuất hiện trong sản phẩm phụ của một công ty dinh dưỡng. Nói như bầu Đức trong buổi họp báo là U-19 đã thành thương hiệu đến độ sau này mọi người sẽ nghe được điệp khúc quen thuộc: “Cho một chai U-19”.
Cũng từ lứa cầu thủ này, cầu thủ “hot” nhất và được “bảo vệ” nhất đã được ký hợp đồng tiền tỉ với một sản phẩm bia. Không biết tính hiệu quả như thế nào nhưng rõ ràng một cầu thủ trẻ mới nổi quảng cáo cho một sản phẩm bia nghe thấy cũng kỳ kỳ và có phần phản cảm nhưng điều đó lại được lý giải là “thương trường”.
Một nhà phân tích thị trường sau khi liệt kê nhiều show quảng cáo của cầu thủ đã chia sẻ rất thật: “Mời cầu thủ quảng cáo thì hiệu quả thật bởi sức hút của bóng đá gắn với ngôi sao rất lớn. Tuy nhiên, đấy cũng là con dao hai lưỡi bởi cầu thủ ngôi sao luôn gắn với phong độ, với sự trồi sụt và với sự chìm nổi qua hình ảnh trên sân lẫn ngoài đời của cầu thủ đó nữa. Điều mà một hãng giải khát từng bỏ dở hợp đồng sau khi tốn kém rất nhiều cho những sản phẩm và chiến dịch gắn với Phạm Văn Quyến - ngôi sao một thời”.