Khi Brazil “cắp sách” đi học đá bóng
Tự mãn, ngẫu hứng và cười vào những chuẩn mực mới là người Brazil, nhưng vào thời điểm này, họ sẵn sàng khiêm tốn hơn để đạt được mục đích cuối cùng: Chiến thắng.
Từ bài học của người Đức
Vào tháng Tư năm nay, trong một cuộc trao đổi với BBC về thành công của bóng đá Đức tại Champions League mùa này, huyền thoại của người Đức và hiện là đại sứ của CLB Bayern, Paul Breitner, đã “tiện thể” nhắc đến những người Brazil, thông qua một bài học mà người Đức đã thấm nhuần từ rất lâu: Sự khiêm tốn.
Đức, cũng như Brazil, đều đã từng coi chiến thắng là thói quen, thậm chí là bản năng của họ. Nhưng bản năng ấy cũng dễ khiến họ dễ rơi vào sự tự mãn, và từ đó đe dọa trở lại bản năng chiến thắng.
Breitner phân tích rằng bóng đá Đức đã “nuôi cấy” sự tự mãn ấy năm 1972 đến suốt thập niên 1990, trở nên trì trệ, lười biếng và bị đóng khung trong hệ thống sử dụng một hậu vệ quét, vốn đã lỗi thời so với hàng phòng ngự 4 người theo tuyến nghiêng.
Những chiến quả trong thập niên 1990 và đầu thế kỷ 21, như chức vô địch EURO 1996 và á quân World Cup 2002, không thể phủ nhận sự đi xuống của bóng đá Đức. Đó giống như những cú rướn cuối cùng của họ, và sau đó là sự sụp đổ.
Thảm họa ở EURO 2004 (bị loại ở vị trí áp chót, chỉ giành được 1 điểm) cuối cùng đã khiến người Đức tỉnh ngộ. Và phẩm chất giúp vượt qua giai đoạn khó khăn ấy để đạt được thành tựu hiện tại, thật đáng ngạc nhiên, lại là khả năng học hỏi.
Và muốn học hỏi thì phải gạt đi sự tự mãn. Klinsmann đem về cho bóng đá Đức cách đào tạo thể lực của người Mỹ. Hệ thống phòng ngự 4 người theo khu vực là sản phẩm của người Ý. Tinh thần cống hiến là của người Anh. Người Đức chỉ giữ lại tính tổ chức và đầu óc khoa học của họ, phẩm chất tinh túy nhất của họ, để tạo ra một cuộc cách mạng. Một cuộc cách mạng triệt để.
Đến bài học cho người Brazil
Thật khó tin một nền bóng đá trước đây có phần cứng nhắc và kiêu ngạo lại chấp nhận học hỏi một cách khiêm tốn đến thế. Tinh thần ấy vẫn tồn tại đến bây giờ: Bayern Munich thuê Pep Guardiola về làm HLV trưởng từ mùa sau, như một sự thừa nhận rằng thứ bóng đá họ chơi vẫn cần sự cầu thị từ những phong cách khác biệt.
Tương tự, bóng đá Brazil đã tự nhìn vào rốn của họ khá lâu, và bây giờ là lúc họ đứng trước một thách thức mà người Đức từng phải đối mặt: Học hỏi hay là “chết”?
Breitner từng phát biểu rằng người Brazil đang chơi thứ bóng đá “của quá khứ”: Bóng di động quá chậm, vì quá nhiều động tác thừa trong xử lý và tốc độ tư duy khoa học bị cản trở bởi những ý định ngẫu hứng và bản năng. Bóng đá hiện đại nằm trong tay người Đức và TBN vì họ chơi thứ bóng đá đơn giản và đẩy quả bóng chạy quanh với tốc độ nhanh nhất có thể, trong khi với người Brazil, họ bao giờ cũng dùng dằng giữa biểu diễn và sự hiệu quả.
Đã có thời người Brazil chỉ chơi bóng theo bản năng mà vẫn chiến thắng. Đó là thế hệ 1970 của Pele, Tostao, Gerson.v.v, những người đã khai sinh khái niệm “Joga Bonito”, tiếng BĐN nghĩa là “chơi đẹp”. Chơi đẹp mà vẫn chiến thắng. Chơi chỉ để... chơi, mà thắng thật!
Nhưng đó cũng là thế hệ độc nhất vô nhị, với một dàn cầu thủ mà ai cũng ở trình độ kỹ thuật vượt trội so với mặt bằng chung của thế giới. Một thế hệ có quyền tự mãn, vì họ là kết tinh hoàn hảo nhất từ những phẩm chất đặc trưng của bóng đá Brazil: Kỹ thuật, sáng tạo, sự ngẫu hứng lẫn óc tưởng tượng phi thường.
Brazil cần thay đổi tư duy chơi bóng để vươn tới thành công
Cuộc cách mạng từ sự khiêm tốn
Brazil không sản sinh ra những tài năng ở đẳng cấp như thế nữa. Các cầu thủ tấn công đã từng là “đặc sản” của họ, nhưng nhìn vào hàng công của những đội bóng hàng đầu ở 5 giải VĐQG tốt nhất châu Âu hiện nay, liệu có mấy người Brazil lãnh trách nhiệm dẫn dắt?
Neymar được coi là một trong những người Brazil biết nhảy Samba cuối cùng, nhưng không phải vì thế, mà anh được quyền kiêu ngạo trong đội tuyển Brazil hiện tại.
Thực ra, ngay từ năm 1994, Brazil đã bắt đầu “khiêm tốn” hơn: Họ chơi một thứ bóng đá tương đối thực dụng để lên ngôi. Bóng đá không còn là một trò chơi nữa: Một đội bóng kỷ luật và hợp lý hơn vẫn có thể đánh bại một tập thể tài năng, nhưng vì quá ngẫu hứng mà làm giảm sự gắn kết.
Năm 1998, Brazil càng thấm thía bài học ấy, sau thảm bại 0-3 trước đội tuyển Pháp, dù đội hình Brazil khi ấy khá hoàn hảo, với một Ronaldo “béo” đang ở độ chín. Từ đó, có lẽ họ hiểu rằng không thể vừa chơi đẹp vừa chiến thắng được nữa.
Chức vô địch World Cup 2002, cũng dưới sự dẫn dắt của Felipe Scolari, là kết quả của nhận thức ấy: Brazil vẫn sở hữu những nghệ sĩ (Ronaldinho, Rivaldo, Ronaldo “béo”), nhưng chơi như những đấu sĩ, và khi những thiên tài chuyển từ trạng thái amateur vốn có của nền bóng đá này sang thái độ thực sự nghiêm túc, họ đã trở nên nguy hiểm đến thế nào.
Brazil vẫn không được phép “quên” Samba
Siêu phẩm của Neymar vào lưới đội tuyển Nhật là một bàn thắng đẹp về thị giác, nhưng ta vẫn nhìn thấy sự thực dụng trong đó: Tiền đạo của Barcelona đã đơn giản hóa tối đa động tác của anh, với một cú đá bóng sống tức thì. Tất nhiên, không phải ai cũng đủ đẳng cấp để làm điều đó, nhưng rõ ràng là Neymar đã làm chúng ta quên đi hình ảnh một tiền đạo màu mè đến lắt nhắt ở giải VĐQG Brazil.
HLV Scolari cũng đã từng cho rằng Neymar là cầu thủ tấn công tốt nhất hiện nay của bóng đá Brazil, nhưng ông cũng khuyến cáo rằng “cậu ta sẽ chơi tốt hơn nếu học được cách chơi bóng tập thể hơn”.
Brazil đã đè bẹp đội Nhật ở lượt trận ra quân Confed Cup với sự kỷ luật và thực dụng đáng nể. Họ thậm chí chỉ cho phép một “nét” Samba được bộc lộ, ở bàn thắng đẹp nhất trận của Neymar.
Nhưng đó không hẳn là điều tốt. Người Đức học hỏi để thay đổi tinh thần bóng đá của họ, nhưng trong lối chơi tấn công hiện tại, chúng ta vẫn thấy phẩm chất tinh túy nhất của họ: Sự khoa học, chính xác dựa trên đầu óc tổ chức tuyệt vời. Họ học hỏi, nhưng vẫn giữ được cái cốt lõi đã làm nên “thương hiệu” của người Đức.
Óc tưởng tượng phi thường và ngẫu hứng của người Brazil đã tạo ra thương hiệu của họ, nhưng bây giờ, áp lực chiến thắng có vẻ đang đè bẹp nó một cách quá đáng.
Khiêm tốn để học hỏi là tốt, nhưng khiêm tốn đến mức bỏ qua những phẩm chất tốt nhất của mình, thì sự khiêm tốn ấy của người Brazil đang dần chuyển sang trạng thái tự ti.