Khi bóng đá Việt Nam kế thừa “di sản” của thầy Park
Sau chuỗi thành công của HLV Park Hang-seo cùng bóng đá Việt Nam, đến lượt những thế hệ kế cận bắt đầu thừa hưởng “di sản” mà ông đang xây dựng cho Đội tuyển quốc gia và U23.
Tính từ cột mốc 1995 khi bóng đá Việt Nam có thầy ngoại đầu tiên, chúng ta đã trải qua 8 huấn luyện viên ngoại khác nhau, trong đó Alfred Riedl có 3 lần đến rồi đi, Edson Tavares 2 lần và Caliso 2 lần. Còn lại, các thầy ngoại khác chỉ gắn bó trong khoảng thời gian chưa đầy 1 năm hoặc kết thúc 2 năm hợp đồng rồi ra đi.
Điểm đáng chú ý là mỗi ông thầy ngoại đến từ các nền bóng đá khác nhau khi đến Việt Nam làm việc đều mang đến những triết lý bóng đá khác nhau, điều này khiến cho đội ĐTQG và U23 Việt Nam ở mỗi thời điểm lại được xây dựng những lối chơi khác nhau.
Dưới thời HLV Calisto chúng ta từng thành công với chức vô địch AFF Cup 2008 với trường phái Latin, đá bóng ngắn, phối hợp phạm vi hẹp chỉ vì dựa theo tầm vóc con người Việt Nam. Thế nhưng đến thời HLV Miura, ông lại xây dựng một lối chơi thiên về sức mạnh với bóng dài, bóng bổng dựa trên những cầu thủ có thể lực, thể hình tốt. Chính điều này đã triệt tiêu lối chơi kỹ thuật vốn là sở trường của các cầu thủ Việt Nam.
HLV Park Hang-seo sẽ có 2 mục tiêu lớn cùng BĐVN năm 2019. Ảnh: MH
Thậm chí, thời điểm đó chúng ta xuất hiện một ngịch lý là ở tuyến trẻ, các cầu thủ U19 Việt Nam với nòng cốt là quân HAGL sở hữu một lối chơi kỹ thuật với bóng ngắn, phối hợp 1 chạm, nhưng khi lên đội tuyển U23 đã không thể bắt nhịp được lối chơi trái sở trường. Cũng chính vì thế mà dù quân HAGL có thời điểm được gọi đến 9 cầu thủ thì số được chọn cũng chỉ có 4-5 cầu thủ, số đá chính chỉ là 1-2 cầu thủ.
Đến thời HLV Park Hang-seo, ngay từ ngày nhậm chức HLV trưởng ĐT Việt Nam, ông đã tuyên bố sẽ xây dựng lối chơi theo triết lý của mình là: “Tôi hướng tới một lối chơi bóng ngắn. Lý thuyết cơ bản của tôi là lối chơi kiểm soát, chuyền bóng ngắn và nhanh. Nhấn mạnh tới cú chạm đầu tiên để tạo nên một đội tuyển mạnh ở Đông Nam Á và có thể cạnh tranh ở châu Á.Theo thông tin tôi đã tìm kiếm, tôi thấy đội tuyển có thể áp dụng lý thuyết mà tôi mong muốn là chơi bóng ngắn và nhanh. Đó là lối chơi tiêu chuẩn của nhiều nền bóng đá châu Á”.
Và thực tế, sau hơn hơn 1 năm làm việc tại Việt Nam, ông đã thành công với lối chơi mà mình đã xây dựng cho cả U23 và ĐTQG. Và đó cũng là điều mà ông hướng đến cho bóng đá Việt Nam để những người kế nhiệm sau này có thể phát huy “di sản” mà ông đã xây dựng. Muốn có được điều này, cả tuyến trẻ và các đội bóng tại V.League cũng cần phải xây dựng được lối chơi này.
HLV Park Hang-seo đã có đánh giá về V.League rằng: “Thứ nhất, phần lớn các tiền đạo trong giải đấu bao gồm các cầu thủ nước ngoài. Do đó, hầu hết các cầu thủ Việt Nam không thể có cơ hội chơi ở giải đấu, bao gồm cả Hà Đức Chinh trong câu lạc bộ của anh ấy. Thứ hai, phong cách bóng đá của các cầu thủ quốc tế thực sự khác biệt với người Việt Nam. Họ thường chơi bóng dài với điều kiện thể lực tốt hơn, điều này hoàn toàn khác với kiểu chơi bóng ngắn ở các cầu thủ Việt Nam.
Cá nhân tôi nghĩ rằng, để thành công hơn nữa trong một giải đấu quốc tế và tăng cường sức cạnh tranh của bóng đá Việt Nam trên thế giới, hạn ngạch của các cầu thủ quốc tế chỉ nên được xếp vị trí thứ hai thôi”.
Trong đợt tập trung mới đây của ĐT U18 Việt Nam chuẩn bị cho các giải đấu khu vực và châu lục, HLV Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Các cầu thủ lứa U18 vẫn trong quá trình đào tạo. Vì thế, tôi cùng ban huấn luyện sẽ cho các em thử sức với nhiều cách chơi, sơ đồ chiến thuật khác nhau. Tuy vậy, cách chơi của đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam đang áp dụng vẫn là chủ đạo, và ban huấn luyện sẽ dựa trên lối chơi đó để định hướng cho các em.
Mọi người đều biết 2 đội tuyển lớn đang thành công với lối chơi phối hợp kỹ thuật và triển khai bóng nhanh. Chiến thuật đó hợp lý, và U18 Việt Nam sẽ đi theo con đường này. Chúng tôi hy vọng từ đó các cầu thủ có sự chuẩn bị tốt và có thể thi đấu cho U23 Việt Nam cũng như đội tuyển quốc gia sau này".
Đây được xem là tính kế thừa cần thiết khi lực lượng cầu thủ trẻ này hứa hẹn là nguồn bổ sung lớn cho U23 và ĐTQG trong tương lai. Nhìn sang bài học của Thái Lan có thể thấy, họ cũng đang thành công trong việc xây dựng được triết lý cho cả nền bóng đá của mình. Thế nên, dù có thay thế huấn luyện viên ở các cấp độ đội tuyển thì bóng đá Thái Lan vẫn thành công. Họ đã vô địch AFF Cup và SEA Games trong 4 năm liền từ 2014 đến 2016 với những huấn luyện viên nội khác nhau. Đó là một thành tích ấn tượng mà được xây dựng bằng nguồn lực của cả nền bóng đá.
Trong bài trả lời phỏng vấn trên trang chủ AFC, khi được hỏi về triết lý huấn luyện của mình, HLV Park Hang-seo nói: “Tôi nghĩ đó là “tâm lý chiến thắng”. Tôi luôn chỉ đạo các cầu thủ phải thắng nhiều trận nhất có thể”. Hy vọng đó là điều mà mọi cầu thủ sẽ lĩnh hội và truyền lại cho những thế hệ tương lai.
LĐBĐVN (VFF) và HLV Park Hang Seo đang chạy đua với thời gian để chuẩn bị cho kế hoạch của các ĐTQG ở Vòng loại World Cup...