Khi bóng đá Việt Nam cần nhiều thứ hơn VAR
Vòng loại World Cup 2022 chuẩn bị trở lại guồng quay. Người hâm mộ lại bắt đầu với câu hỏi khi nào VAR mới ủng hộ đội tuyển Việt Nam sau nhiều lần ngoảnh mặt. Nhưng quả thực, vấn đề của đội tuyển Việt Nam hay bóng đá Việt Nam có thật sự nằm ở VAR?
Khi nào V.League có VAR?
Những thất bại liên tiếp ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 của đội tuyển Việt Nam chỉ ra rằng, trình độ của chúng ta hiện tại không thể cứ dựa vào ma thuật của HLV Park Hang Seo. Đồng ý rằng nhà cầm quân Hàn Quốc đã hiện thực hoá nhiều cột mốc không tưởng cho bóng đá Việt Nam ở tầm cỡ khu vực và châu lục.
VAR không phải là phao cứu sinh cho đội tuyển Việt Nam.
Nhưng ở đẳng cấp châu lục cỡ đội tuyển quốc gia, ông Park chưa bao giờ lạc quan tếu về giấc mơ World Cup ở thời điểm này. Bởi bên cạnh yếu tố khách quan là sức mạnh và sự tham vọng đến từ những quốc gia châu Á khác thì nội lực của bóng đá Việt Nam mà một trong số đó là V.League còn yếu và thiếu nhiều tiêu chí để làm nền tảng cho đội tuyển Việt Nam vươn ra tầm thế giới.
Quan điểm ấy càng được khẳng định tại vòng loại cuối cùng World Cup 2022 này khi trong 4 trận đấu đầu tiên, đội tuyển Việt Nam đều thất bại. Trang Global Football Ranking nhận định Việt Nam chỉ còn đúng 0,04% khả năng dự VCK World Cup 2022 bằng cách đá tranh vé vớt. 0,04%, con số nhỏ nhoi ấy đủ khiến người hâm mộ hiểu rằng giấc mơ World Cup chưa thể hiện diện với Việt Nam.
Có thể ở bề nổi, nhiều người sẽ đổ lỗi cho ông Park Hang Seo bảo thủ khi không có sự đổi mới. Có thể, nhiều người sẽ tiếc nuối cho chấn thương của các trụ cột Việt Nam. Cũng có thể, nhiều người sẽ chỉ trích vì trọng tài, vì VAR, vì phong độ xuống thấy rõ của nhiều tuyển thủ Việt Nam. Câu hỏi khi nào V.League mới có VAR xuất hiện liên tục trên báo giới và mạng xã hội gần đây. Nhưng thật sự đặt câu hỏi ngược lại, VAR có phải là cái phao cứu sinh để cứu rỗi cả V.League đầy rẫy những vấn đề tồn tại suốt 2 thập kỷ.
Tảng băng chìm của bóng đá Việt Nam
Thực tế, những nguyên nhân dẫn đến thất bại Việt Nam mà người hâm mộ liệt kê kể trên đến từ tảng băng chìm mang tên bất cập ở V.League nói riêng và bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói chung.
Đầu tiên hãy nói đến chấn thương. Đội tuyển Việt Nam bước vào vòng loại thứ 3 World Cup trong bối cảnh không có được lực lượng mạnh nhất. Nhưng ngoại trừ chấn thương vai của Văn Lâm hay thoát vị đĩa đệm của Trọng Hoàng thì hai chấn thương của Hùng Dũng và Văn Hậu xảy ra với các nguyên nhân bề nổi lẫn “tảng băng chìm” của bóng đá Việt Nam. Hùng Dũng gãy chân từ một pha bóng vào cả hai chân của Hoàng Thịnh. Đó không phải là một tình huống phát sinh hiếm hoi ở bóng đá Việt Nam. Đặc sản chơi bóng bạo lực, tiểu xảo, chửi mắng, đuổi đánh trọng tài từng là một thứ khó nuốt của V.League.
Sau chấn thương của Hùng Dũng bởi một pha bóng bạo lực, các tuyển thủ Việt Nam nhiều năm chơi bóng ở V.League cũng vô tình nhiễm thói hư ấy khi bước ra đấu trường châu Á. Cú vung tay vào mặt của Oman từ Tấn Tài, Duy Mạnh là điển hình cho điều đó. Những chiêu trò, tiểu xảo ấy vốn dĩ xuất hiện một cách hồn nhiên ở V.League bấy lâu nay mà các trọng tài không đủ sự cương quyết để răn đe với các cầu thủ.
Nếu như chấn thương của Hùng Dũng đến từ thói quen chơi bóng bạo lực thì việc Đoàn Văn Hậu liên tục vắng mặt vì chấn thương là tảng băng chìm cho tư duy bóng đá thiển cận với sự thiếu hiểu biết của khoa học bóng đá.
Ở góc độ tiếp theo liên quan đến phong độ và ít có sự đổi mới về lực lượng. Việc V.League dừng từ tháng 5/2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là một yếu tố khách quan tác động lớn. Số trận đấu bị giảm đi đáng kể khiến cho không nhiều cầu thủ duy trì được phong độ và cảm giác bóng. Nhiều gương mặt đang có phong độ cao ở V.League như Văn Toàn, Văn Đức cũng vì thế mà bị đuối dần.
Thêm vào đó, cũng vì V.League không thể diễn ra tiếp tục hoặc đan xen với các đợt FIFA Day dành cho ĐTQG nên ông Park không thể tuyển chọn được những cầu thủ tốt nhất ở thời điểm ấy hay tìm kiếm thêm gương mặt mới chất lượng cho đội tuyển Việt Nam. Thành thử, nhà cầm quân Hàn Quốc chỉ còn quanh quẩn với bản danh sách cũ kỹ với những gương mặt thân quen, thay vì tạo nên sự đột phá và đổi mới trong nhân sự như mong đợi.
Đáng nói ở chỗ, câu chuyện V.League lần đầu tiên huỷ bỏ trong lịch sử đến từ mâu thuẫn không tìm ra phương án của một phía là VFF, VPF và phía còn lại là các CLB. Nếu như VFF, VPF quá ưu tiên đến quyền lợi của ĐTQG để rồi đẩy phần còn lại dang dở của V.League 2021 sang đầu năm 2022 thì không ít các CLB dường như cũng chỉ chăm chăm muốn huỷ giải thay vì cùng VFF, VPF tìm ra một phương án để V.League trở lại sao cho thấu tình đạt lý. Giữa những vấn đề nằm trong khâu tổ chức, điều hành đến quyền lợi đã khiến cho tất cả để bị ảnh hưởng. Cầu thủ ở các CLB không được thi đấu.
Tuyển thủ quốc gia cũng chẳng có thêm các trận đấu có chất lượng để mài giũa thêm cảm giác bóng và phong độ. Còn HLV Park Hang Seo cũng chẳng thể nhận diện ai đang đá hay, ai đá dở để tuyển chọn luân phiên lên ĐTQG ở những đợt tập trung theo đúng lịch FIFA Day.
Hàng loạt những nguyên nhân cấu thành nên một tảng băng chìm tồn tại hết năm này qua năm khác. Và đó chính là vấn đề khiến trình độ của đội tuyển Việt Nam không thể nhảy vọt, cho dù ma thuật của Park Hang Seo đã có lúc khiến Việt Nam vượt qua giới hạn của năng lực và cản trở của nhiễu nhương.
VPF đã nghĩ đến VAR Thực tế, cách đây 2 năm, VPF đã nghĩ đến việc áp dụng VAR vào V.League. Họ thậm chí còn mời một đối tác về VAR của AFC và các đơn vị truyền hình để tìm cách hợp tác. Tuy nhiên, bên cạnh chi phí lên đến 30-40 tỷ đồng thì việc thực hiện lắp đặt VAR ở Việt Nam cũng không hề đơn giản. Cũng chính vì vậy mà cho đến hiện tại, VAR vẫn là ước mơ chưa thể hiện thực với V.League. Không có VAR, công tác trọng tài lại yếu kém, những nhức nhối xoay quanh cầu thủ phản ứng trọng tài quyết liệt, thậm chí là chửi mắng, đuổi đánh hay thường xuyên chơi tiểu xảo, đánh nguội xảy ra qua từng vòng của V.League. Vô hình trung, nó trở thành thói quen mà chính các tuyển thủ quốc gia cũng bị ảnh hưởng. Để rồi trong 4 trận đấu đã qua, chúng ta đã phải trả một cái giá không nhỏ từ những phản ứng xấu xí tại mặt trận châu Á, nơi các trọng tài khắt khe hơn và VAR xuất hiện thường trực như một “vũ khí” chống lại Việt Nam. |
Tờ Football-Zone (Nhật Bản) cảnh báo đội nhà cần chơi cẩn trọng trước tuyển Việt Nam và đặc biệt chú ý đến Quang...
Nguồn: [Link nguồn]