Khát vọng thầy ngoại!
Tân thuyền trưởng Đội tuyển Việt Nam Park Hang-seo đã có mặt ở Việt Nam, mang theo khát vọng cùng bóng đá Việt Nam tham dự Vòng chung kết Olympic 2020 tại Tokyo - Nhật Bản. Khát vọng của ông Park làm người ta nhớ lại khát vọng của các đời thầy ngoại trước đây.
Năm 1995, khi trở lại bóng đá Việt Nam, thầy Đức Weigang mang khát vọng đưa Đội tuyển Việt Nam vào bán kết SEA Games 18. Đấy là một khát vọng lớn đặt trong bối cảnh Đội tuyển Việt Nam bị loại khỏi vòng bảng môn bóng đá 2 kỳ SEA Games trước.
HLV Park Hang-seo (phải) thời còn làm trợ lý cho HLV danh tiếng Guss Hiddink.
Đấy cũng là một khát vọng bị đánh giá là cao hơn so với năng lực thật của Đội tuyển khi chúng ta rơi vào một bảng đấu rất nặng với chủ nhà Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Thế nhưng, cuối cùng khát vọng thành sự thực, Đội tuyển Việt Nam thắng Indonesia trong trận đấu quyết định để chính thức hoàn thành mục tiêu vào bán kết.
Ông Weigang từng bật mí: Điều quan trọng nhất để biến khát vọng thành sự thực là vấn đề tâm lý, khi cầu thủ Việt Nam khi ấy cứ gặp các đối thủ lớn trong khu vực là... run. Thế là ông Weigang mang đội sang Đức đá giao hữu với một loạt các đối thủ có thể hình thể lực vượt trội mình.
Nếu thầy Đức Weigang mang khát vọng bán kết SEA Games thì 6 năm sau, thầy Brazizl, Dido lại đặt khát vọng vô địch SEA Games. Ông Dido lý luận rằng: "Sau một giải đấu, người ta chỉ nhớ đến đội vô địch, chứ không nhớ đội về nhì".
SEA Games 2001, ông Dido mang U.23 Việt Nam sang đất Malaysia với khát vọng vô địch, nhưng nghiệt là chúng ta lại phải ra về ngay sau vòng bảng.
Cũng ở triều đại của mình, ông Dido bảo, ông mong muốn cùng Đội tuyển Việt Nam tham dự vòng chung kết World Cup - cái mong muốn mà nhiều khán giả Việt Nam khi đó nghe rất "sướng tai", nhưng sau khi Dido tẽn tò về nước thì ai cũng bảo nó chẳng khác gì "tán dóc".
Từ Weigang đến Dido, người ta nhận ra những mức độ khát vọng rất khác nhau và kết quả đạt được cũng hoàn toàn khác nhau. Cách mà một ông thầy đặt ra khát vọng đôi khi phụ thuộc rất nhiều vào cá tính của ông thầy ấy, chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực mà chúng ta có, và tương quan giữa chúng ta với các đối thủ của mình. Vì thật ra mới chỉ chân ướt chân ráo tới Việt Nam, các ông thầy ngoại cũng chưa thật hiểu bản chất của bóng đá Việt Nam.
Thế nên mới có chuyện khi mới đến Việt Nam, thầy ngoại Falko Goetz - người được quảng cáo là "thầy ngoại tốt nhất từ trước tới nay" cũng mơ mộng rất nhiều, nhưng sau thất bại tại SEA Games năm 2011 thì Goetz phải thừa nhận: "Sự thực là chúng ta không mạnh bằng đối thủ, như chúng ta vẫn tưởng".
Trở lại với khát vọng và những hiểu biết về bóng đá Việt Nam của tân thuyền trưởng Park Hang-seo. Trong những cuộc trả lời phỏng vấn báo giới Hàn Quốc, ông Park nói rất thật rằng, phải nhờ người đại diện tìm kiếm thông tin trên Internet, ông mới biết U.20 Việt Nam vừa tham dự vòng chung kết World Cup U.20 thế giới tại Hàn Quốc quê ông.
Và thế là ông nói chung chung theo kiểu: "Bóng đá trẻ Việt Nam đã có những bước phát triển thật đáng kể". Những ngày này, khi đã chính thức hiện diện ở Việt Nam, chắc chắn ông Park đã được nghe ngóng về bóng đá Việt Nam nhiều hơn. Và ngày 10 tháng 10 tới đây, khi ngồi trên ghế VIP sân Mỹ Đình xem Đội tuyển Việt Nam đá vòng loại Asian Cup 2019 với Đội tuyển Campuchia, ông sẽ lại có một cái nhìn chân thật về bóng đá Việt Nam hơn nữa.
Đời thầy ngoại gần nhất của Đội tuyển Việt Nam là Toshiya Miura, người ta nghe thấy rất nhiều phàn nàn của một ông thầy Nhật với một nền bóng đá mà nhìn chỗ nào cũng... thủng. Bây giờ là thầy Hàn Quốc với khát vọng Olympic 2020 - cái khát vọng mà cảm giác như mới chỉ được "vẽ" ra trên lý thuyết, như một cột mốc, một động lực để tất cả những người liên quan cùng phấn đấu.
Năm sau là AFF Cup - một giải đấu ở tầm "ao làng" Đông Nam Á, và chỉ sợ là nếu không qua nổi mặt trận AFF Cup thì khát vọng 2020 của ông Park cũng khó có cơ hội để triển khai. Thế nên sau một thời gian ở Việt Nam, có lẽ ông Park sẽ hiểu ở đây khát vọng AFF Cup thực tế hơn, và sống còn hơn khát vọng Olympic rất nhiều.
Mang theo một cộng sự đồng hương Cùng sang Việt Nam với ông Park Hang-seo là một trợ lý người Hàn Quốc của ông. Đây là một thay đổi đáng kể của VFF, bởi trước đó thầy Nhật Toshiya Miura cũng đặt ra yêu cầu mang theo một trợ lý người Nhật, nhưng bị VFF từ chối. Ngoại trừ một trợ lý đồng hương, ông Park sẽ được thoải mái chọn các trợ lý người Việt, thông qua sự giới thiệu của các ban chuyên môn VFF. Theo thông tin của chúng tôi, ông Park sẽ sớm có một buổi làm việc với Hội đồng HLV Quốc gia do ông Nguyễn Sĩ Hiển làm Chủ tịch, để lắng nghe Hội đồng tư vấn về các vấn đề của cầu thủ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. |
HLV người Hàn Quốc, Park Hang Seo cười tươi, chào báo chí và NHM Việt Nam.