Khai mạc V-League 2015: Giá trị cũ và hy vọng mới từ U-19
Cuộc chạy đua đến chức vô địch V-League quanh quẩn giữa B. Bình Dương và hai đội anh em Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng cùng dàn cầu thủ trẻ của bầu Đức.
Các cầu thủ trẻ của Học viện HA Gia Lai Arsenal JMG vừa bước sang lứa tuổi 20 nhưng giới hâm mộ vẫn quen gọi U-19 sau những sự kiện gây đình đám trên sân cỏ hơn một năm qua.
Chiến dịch “gặt lúa non” của bầu Đức đã diễn ra sớm hơn dự định bởi ban đầu ông luôn chê ỏng eo sân chơi V-League chưa sạch dễ làm cầu thủ dính bẩn. Tuy nhiên, nếu có sự thiệt hại về những va chạm như bạo lực sân cỏ lẫn thói ganh ghét, đố kỵ với tài năng như đã từng diễn ra tại V-League thì buộc HA Gia Lai phải chấp nhận và tìm cách miễn nhiễm.
Cái chính vẫn là một môi trường cho các cầu thủ học hành bóng đá bài bản ở học viện thử lửa bởi họ vừa tốt nghiệp trong khi khả năng xuất khẩu đi châu Âu đá bóng còn là những dấu hỏi.
B. Bình Dương và Hà Nội T&T sau thời gian thống trị V-League giờ bóng đá Việt Nam có thêm nhân tố mới ở tuổi 20 được đầu tư nhiều và muốn lấy V-League làm chiến trường mới. Ảnh: XUÂN HUY
Dẫu sao thì việc nhiều cầu thủ trẻ HA Gia Lai lên đá giải vô địch quốc gia đã gây ra một hiệu ứng thích thú cho giới hâm mộ khi họ từng chứng kiến phong cách chơi bóng đẹp đẽ lẫn thái độ ứng xử fair play. Bóng sắp lăn và người ta chờ đợi rất nhiều để xem lứa cầu thủ trẻ HA Gia Lai mở màn một trào lưu ưa nhìn gây sốt nhưng khó làm.
Vấn đề còn là khả năng tranh chấp ngôi vô địch của HA Gia Lai như một thước đo tính hiệu quả khi họ vừa học xong khóa đào tạo bóng đá hiện đại suốt bảy năm trời. Có thể thấy nỗ lực vượt bậc của bầu Đức “vỗ béo” gấp gáp các cầu thủ với nhiều trang thiết bị tập luyện nâng cao sức bền và sức mạnh cơ bắp cùng một chuyên gia thể lực người Pháp.
Tuy nhiên, giới chuyên môn dự báo HA Gia Lai mới chỉ là nhân tố bí ẩn gây thú vị mà chưa thể cạnh tranh với nhiều đối thủ bởi họ còn thiếu quá nhiều kinh nghiệm.
V-League 2015 quanh quẩn chỉ là cuộc chạy đua của ba đội bóng mạnh vì gạo B. Bình Dương, SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T. Vài mùa bóng gần đây, cả ba luôn nằm trong tốp đầu của V-League và những cuộc chạm trán giữa họ thường có chất lượng chuyên môn cao hơn nhờ dàn cầu thủ chín chắn.
Ở cuộc đua này, nhà đương kim vô địch B. Bình Dương nhỉnh hơn hẳn, bởi lực lượng đồng đều và có chiều sâu khi cùng là cựu hoặc tuyển thủ quốc gia. Trong khi đó, SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T sau nhiều mùa ở thế đại gia đã tạo cho mình một lối chơi có bản sắc riêng. Vấn đề của họ thường bị nghi kỵ chơi có toan tính phục vụ cho nhu cầu của một ông chủ bạo vì tiền và rất dễ xảy ra tình trạng “lợi ích nhóm” khi bên cạnh còn có QNK Quảng Nam.
Phận tân binh và miền Tây lo trụ hạng Hai tân binh Cần Thơ và Đồng Tháp biết mình biết ngời chỉ đặt chỉ tiêu trụ hạng. Nếu như Đồng Tháp giờ chót tìm ra cái phao tài trợ theo kiểu liệu cơm gắp mắm thì Cần Thơ chịu chi mạnh hơn nhưng vẫn rơi vào hoàn cảnh trâu chậm uống nước đục. Ngoài ra còn một đội bóng miền Tây khác là ĐT Long An chi li tính toán cầm chừng ở V-League hơn là đủ sức chen chân vào tốp giữa. Thêm một tân binh Khánh Hòa vừa đá vừa run khi đã từng xóa sổ một đội bóng ở V-League và mùa này vừa thăng hạng chơi bằng nhiều cầu thủ trẻ sẽ khó lòng trụ lại. Nhóm đội không có khả năng leo cao và cũng khó rớt hạng gồm Thanh Hóa, SL Nghệ An, Than Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai, QNK Quảng Nam. Trong số này, SL Nghệ An nổi bật hơn nhờ dàn cầu thủ trẻ trưởng thành tại địa phương vốn đam mê bóng đá nhưng kinh phí còn eo hẹp và Thanh Hóa lặng lẽ vẫn có một chất “nổi loạn” riêng có thể gây bất ngờ. |