Kết thúc V-League 2015: Sau tấm màn nhung V-League…
Một mùa giải kéo dài ròng rã hơn chín tháng không có nhiều niềm vui đọng lại, từ công tác tổ chức của VPF đến thi đấu của các CLB.
Không có giải đấu chuyên nghiệp nào trên thế giới phải bắt nghỉ ngơi liên tục có khi dài đến gần hai tháng trời chỉ để tập trung các đội tuyển quốc gia. Lịch thi đấu V-League thay đổi và ngưng nghỉ nhiều đợt dĩ nhiên kéo theo những khó khăn buộc các CLB gánh chịu hậu quả từ sự hao tổn ngân quỹ cho đến việc duy trì phong độ cho cầu thủ.
Mặc cho các CLB than thở và phải nai lưng ra trả lương cho cầu thủ, những nhà tổ chức vẫn xoa tay bởi họ chẳng mất mát gì lại còn ngồi mát hưởng chế độ theo một mùa giải diệu vợi nhưng chất lượng chuyên môn không có nhiều điểm nhấn.
Rất nhiều chuyên gia bóng đá chỉ ra rằng V-League có nhất thiết phải quy tụ 14 đội bóng cho đầy lượng mà thiếu chất. Câu hỏi bao nhiêu đội muốn vô địch và nội lực đủ lên ngôi có đếm đủ ngón của một bàn tay? Cứ nhìn vào cái cách B. Bình Dương bỏ hàng đống tiền mua cầu thủ giỏi của các đối thủ khác, bất chấp mảng trống đào tạo trẻ lẫn tính bản sắc địa phương của CLB, để một mình một ngựa đăng quang thì rõ.
Cái chân gãy của Anh Khoa và hành vi của Quế Ngọc Hải còn nóng hơn chức vô địch của B. Bình Dương. Ảnh: XUÂN HUY
Ngoài một Thanh Hóa có hai lần mon men soán ngôi đầu của B. Bình Dương thì rốt cuộc cũng lòi ra cái tâm thế và thực lực không thể là nhà vô địch. Có chăng là chút tiếc nuối cho Hà Nội T&T nếu đầu mùa họ cùng nhìn về một hướng thì cuộc đua đến ngôi vua có thể còn chút hấp dẫn hơn.
Trong khi đó, suất rớt hạng chỉ dành cho một đội cuối bảng nên chắc chắn tính cạnh tranh quá yếu ớt. Đồng Nai sau các vòng đấu nằm cuối bảng nhiều nhất và đặc biệt ở hai trận chung kết ngược đều thua Cần Thơ và HA Gia Lai nên cuối mùa rớt hạng thì không oan ức gì cả.
Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã bước sang tuổi 15 V-League vẫn như một đứa trẻ vị thành niên không chịu lớn. Ví như việc ông trưởng đoàn SL Nghệ An nói cầu thủ của mình vì thương người nên không đá hết sức mình và thua ở trận cầu có tính chất nâng đỡ HA Gia Lai trong cuộc đua trụ hạng thì VPF vẫn xem đấy là chuyện bình thường.
Càng bất bình thường hơn ở một vài trận đấu có dấu hiệu nhường nhịn điểm số cho nhau, như đội khách Hải Phòng “giấu” ngoại binh và đưa đội hình hai ra chơi thua Cần Thơ bị giới CĐV phản ứng dữ dội vẫn dễ dàng qua mặt các nhà làm giải.
Thật lạ lùng cho một giải đấu mà các CĐV ruột của SL Nghệ An (trận thua HA Gia Lai), Hải Phòng (trận thua Cần Thơ) hay Thanh Hóa (trận thua Đồng Nai) rơi nước mắt ấm ức rồi đòi tẩy chay đội nhà thì V-League có còn trung thực và cao thượng?
Tấm màn nhung V-League đã khép nhưng dư âm cái chân gãy của cầu thủ Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) sau khi bị đồng nghiệp Quế Ngọc Hải (SL Nghệ An) đạp vào cùng sự nương tay của trọng tài còn nóng hơn cả chức vô địch nguội của B. Bình Dương và suất rớt hạng của Đồng Nai.