Hy Lạp đủ sức gây sốc trước người Đức?
Vào Tứ kết Euro 2012 một cách thần kì, ĐT Hy Lạp đang khiến người Đức phải hết sức dè chừng.
2 ngày trước khi trận Hy Lạp – Đức diễn ra, HLV Joachim Loew đã phủ nhận đến sự liên quan của yếu tố chính trị trong trận gặp Hy Lạp. Ông nói: “Angela Merkel (Thủ tướng Đức) và chúng tôi có mối quan hệ tốt đẹp và có một thỏa thuận là bà ấy không tư vấn tôi về đội hình ra sân và tôi cũng không có lời khuyên nào với bà trong vấn đề chính trị”. Sở dĩ Loew đề cập tới vấn đề chính trị ở đây là bởi những người Hy Lạp cho rằng họ bị mất việc và phải nộp thuế do các biện pháp thắt lưng buộc bụng của Liên minh châu Âu (EU), trong đó Đức là đầu tàu.
Dư luận Hy Lạp không khỏi xôn xao và ngay cả đến những cầu thủ ở ĐTQG của họ cũng thừa nhận dành nhiều thời gian theo dõi kết quả cuộc bầu cử lập pháp ở trong nước hơn là tìm hiểu đối thủ của trận Tứ kết. Thế nhưng khi đối thủ chính là ĐT Đức, tinh thần chiến đấu của Hy Lạp có lẽ sẽ tăng gấp bội, và hứa hẹn tạo nên cú sốc lớn tại Euro lần này. Đi vào vấn đề chuyên môn, rằng “những đứa con của thần Zeus” có đủ sức chống trả lại sức mạnh của người Đức?
Hy Lạp đã viết một câu chuyện thần kì tại vòng bảng Euro lần này
Chẳng cần lan man, ai cũng thấy giữa ĐT Hy Lạp và ĐT Đức có một khoảng cách khá xa về trình độ. Tại Euro 2012, trong khi Hy Lạp đi tiếp bằng “cửa thoát hiểm” thì Đức đầy kiêu ngạo với 3 trận toàn thắng vòng bảng – điều mà ngay cả Tây Ban Nha cũng không thể làm được. HLV Fernando Santos chẳng có một ngôi sao nào, ngược lại HLV Joachim Loew luôn thừa sự lựa chọn cho mọi tuyến. Dù vậy đừng vì thế vội gạch tên Hy Lạp.
Lối chơi phòng ngự, vốn được nâng lên tầm nghệ thuật của Hy Lạp thực sự nguy hiểm, đặc biệt trước những đội bóng lớn. Với một bộ phận người hâm mộ, xem Hy Lạp đá chẳng khác nào ngủ gật. Quá khứ và vòng bảng Euro 2012 đã nói lên rằng để phòng ngự mà vẫn giành chiến thắng như Hy Lạp thì đâu phải ai cũng làm được. Tại Euro 2004, đội bóng khi đó được dẫn dắt bởi Otto Rehhagel đã lần lượt đánh bại Pháp, CH Séc, Bồ Đào Nha ở giai đoạn đấu loạt trực tiếp theo đúng một kịch bản: Phòng ngự tổng lực và kết liễu đối phương với đúng 1 bàn thắng.
ĐT Đức mạnh nhưng chưa thể khẳng định sẽ thắng Hy Lạp
Như vậy, có hai kĩ năng ĐT Hy Lạp “học” thuần thục: Khả năng chịu đòn hay nói cách khác là rình rập rồi khai thác sơ hở dù chỉ là nhỏ nhất của đối thủ. Hàng thủ Đức đương nhiên không như hàng thủ Ba Lan hay Nga để Hy Lạp chớp thời cơ nhưng trong một cuộc chơi kéo dài 90 phút, có thể 120 phút, chẳng ai dám chắc, sai lầm không diễn ra. Hàng phòng ngự Hy Lạp đã sẵn sàng phòng thủ với sự kỉ luật, chặt chẽ tối đa. “Đức được đánh giá cao hơn Hy Lạp rất nhiều nhưng chúng tôi sẽ không chơi với họ 10 trận để xem ai giành nhiều chiến thắng hơn”, Kostas Katsouranis nói.
Đức không luyện đá penalty: Xét về thành tích đối đầu, ĐT Đức chưa từng thất bại trước Hy Lạp (5 thắng, 3 hòa), vì thế đang có một sự tự tin nhất định với thầy trò Joachim Loew. Thậm chí, ông còn dửng dưng tới phương án phải đá luân lưu. Hy Lạp chờ “gián điệp” Bundesliga: Kyriakos Papadopoulos (Schalke) hay Kostas Fortounis (Kaiserslautern) đang là những người chơi bóng ở Đức. Và biết đâu sự hiểu biết về bóng đá Đức của hai cầu thủ này sẽ hữu ích cho Hy Lạp. |