Ronaldo Luis Nazario de Lima, tượng đài vẫn được biết đến với biệt danh “Người ngoài hành tinh”, là một trong những nỗi tiếc nuối lớn nhất của lịch sử bóng đá thế giới.
TỪ SAO MAI 17 TUỔI TỚI CẦU THỦ ĐẮT GIÁ NHẤT THẾ GIỚI
Ở tuổi 17, Ronaldo đã là một cầu thủ thành danh. Tài năng của anh được phát hiện ở CLB Cruzeiro của Brazil. Tại đây, chàng trai trẻ này ghi tới 44 bàn sau 47 trận và được đặt biệt danh “Il Fenomeno” (Hiện tượng). Năm 1994, anh góp mặt trong đội hình ĐT Brazil vô địch World Cup tại Mỹ dù không vào sân. Chú nhóc gầy còm với khuôn mặt bướng bỉnh sau đó chuyển tới châu Âu để chơi bóng cho PSV Eindhoven theo lời khuyên của đàn anh Romario.
Trong 2 mùa giải khoác áo PSV, Ronaldo tiếp tục thể hiện phong độ phi thường với 54 bàn sau 58 trận. Những kỹ năng làm nên thương hiệu của anh như tốc độ tia chớp, những pha đảo chân chóng mặt, khả năng dốc bóng nhanh hơn chạy chân không, đều được thể hiện rõ ràng ở đội bóng Hà Lan.
Phong độ tuyệt vời của Ronaldo đã lan nhanh đến thủ phủ của vùng Catalunya, Barcelona. Đội chủ sân Nou Camp khi đó vừa sa thải huyền thoại Johan Cruyff và đưa về tân HLV Bobby Robson từ Porto. Rất mau chóng, Ronaldo được nhắm để làm “quà ra mắt” của Robson với các culé, vừa là một bản hợp đồng bom tấn để xoa dịu CĐV của Chủ tịch Josep Lluis Nunez, sau khi ông này dứt tình với “Thánh” Johan.
Barca đã tốn nhiều thời gian để có được Ronaldo, với mức giá đàm phán với PSV tăng phi mã từ 10 triệu USD ban đầu lên tới kỷ lục thế giới lúc đó là 19,5 triệu USD, đắt nhất hành tinh. Bước ra một sâu khấu lớn, Ronaldo ngay lập tức chứng tỏ anh sinh ra để chơi thứ bóng đá vượt thời đại. Ngôi sao có chiếc răng thỏ khiến báo chí Tây Ban Nha và châu Âu rúng động với những màn trình diễn chỉ có thể thấy được từ Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo ở thế kỷ 21.
Ronaldo ghi một cú đúp ngay trận ra mắt gặp Atletico Madrid ở trận lượt đi Siêu Cúp Tây Ban Nha, khởi đầu cho những chuỗi ngày mê đắm của các CĐV Barca. Bàn thắng nổi tiếng nhất của anh trong màu áo của Barcelona diễn ra vào tháng 10/1996 trước Compostela: anh đón bóng từ giữa sân, thoát khỏi sự đeo bám của hai cầu thủ, dốc bóng một mạch tới vòng cấm địa, rồi đảo chân thanh thoát để loại bỏ một hậu vệ trước khi dứt điểm quyết đoán hạ gục thủ môn đối phương.
Một bàn thắng cho thấy tất cả những phẩm chất của Ronaldo: tốc độ phi phàm, sức mạnh không tưởng, kỹ thuật siêu hạng và khả năng dứt điểm của một sát thủ.
CƠN ÁC MỘNG DAI DẲNG
Tuy nhiên, Ronaldo chỉ chơi cho Barca vỏn vẹn một mùa giải 1996/97, với những khúc mắc không thể giải quyết nơi hậu trường. Tính khí thất thường, ngẫu hứng của một cầu thủ Brazil, danh tiếng đến quá sớm với một cầu thủ đi lên từ nghèo khó gây nên những xáo trộn về thái độ, đã khiến cả Barca và Ronaldo không thể chịu nổi nhau. Các CĐV Barca coi anh như kẻ thù, trong khi Ronaldo cũng không cho rằng Barca đang tạo điều kiện tốt nhất cho mình.
Với 27 triệu USD phí giải phóng hợp đồng, Ronaldo lần thứ hai phá kỷ lục chuyển nhượng thế giới khi gia nhập Inter Milan vào mùa hè 1997. Những tưởng đây sự nghiệp của anh sẽ đến được một bến bờ hạnh phúc hơn, nhưng đây cũng là thời điểm Ronaldo hứng chịu những nỗi đau về thể chất khiến anh không còn là chính mình.
Cái đầu gối khó bảo của Ronaldo bắt đầu lên tiếng, đặc biệt trong một môi trường Serie A thời kỳ ấy đầy rẫy những hậu vệ sở hữu lối đá rắn, mang tính triệt hạ. Thời ở PSV, Ronaldo từng gặp phải một chấn thương đầu gối khiến anh phải ngồi ngoài nhiều tháng trời trong mùa giải 1995/96. Ngoài ra, giai đoạn cuối năm 1996, đầu năm 1997 ở Barca, Ronaldo cũng đi đi về về Brazil nhiều lần để gặp gỡ các bác sĩ chuyên điều trị đầu gối.
Thời khắc định đoạt ấy diễn ra vào một buổi tối tháng 4/2000. Sau 5 tháng vắng bóng vì chấn thương đầu gối phải, Ronaldo tái xuất trong trận đấu giữa Inter và Lazio tại lượt đi chung kết Coppa Italia. Inter chưa dám sử dụng ngôi sao số một của họ, nhưng việc bị Lazio dẫn trước 2-1 sau giờ nghỉ khiến “Nerazzurri” buộc phải đưa anh vào sân ở phút 58.
Chỉ 6 phút sau, Ronaldo nhận bóng ở rìa vòng cấm, trước mặt là 2 cầu thủ đối phương. Như thường lệ, anh thực hiện những động tác đảo người đặc trưng hòng vượt qua Fernando Couto. Nhưng, ngay khi Ronaldo chuyển trụ từ chân trái sang chân phải và toàn bộ trọng lực dồn vào cái chân tội nghiệp ấy, anh đổ gục xuống, tay ôm đầu gối, rồi hét lên đau đớn.
Dây chằng chéo trước đầu gối phải của Ronaldo bị đứt hoàn toàn. Anh bỏ lỡ luôn mùa giải năm đó, mất 8 tháng sau mới có thể chạm được vào bóng. Phiên bản trở lại ấy là một Ronaldo rất khác, không còn bùng nổ như xưa. Báo chí và các chuyên gia nhảy vào cuộc tìm nguyên nhân dẫn đến chấn thương khủng khiếp của anh, và bức màn được vén lên với những điều đã quá muộn.
Từ năm 1996, Ronaldo đã được các bác sỹ chẩn đoán mắc một “chứng bệnh lạ” ở đầu gối dẫn đến viêm gân vĩnh viễn. Chứng bệnh này khiến cho sự liên kết giữa xương bánh chè và xương đùi thiếu ổn định, và đáng nói nhất, vấn đề này không thể được chữa trị tận gốc mà chỉ có thể điều trị tạm thời. Thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau vì thế mà trở thành những người bạn đồng hành với Ronaldo.
Bernardinho Santi, cựu điều phối viên chống doping của LĐBĐ Brazil, đổ lỗi cho PSV đã cho Ronaldo sử dụng một loại doping kích thích cơ bắp khi anh chưa bước qua tuổi 20, khiến cơ bắp của Ronaldo phát triển mạnh hơn khu vực xương đầu gối. Công với việc lối chơi của Ronaldo tạo ra nhiều những pha chuyển hướng khi đang ở tốc độ cao, việc anh thường xuyên gặp vấn đề về cơ, gân và đầu gối cũng là điều không quá khó hiểu.
SỰ TRỞ LẠI THẦN KỲ CỦA "NGƯỜI NGOÀI HÀNH TINH"
Dù không còn là phiên bản sung mãn nhất của chính mình, nhưng Ronaldo đã có những sự hồi phục thần kỳ trong giai đoạn còn lại của sự nghiệp. Tháng 9/2001 đánh dấu thời điểm Ronaldo trở lại sân cỏ sau những khoảng thời gian đầy khó khăn, đau đớn cùng rất nhiều kiên nhẫn. Bác sĩ vật lý trị liệu của Ronaldo, Nilton Petrone, tiết lộ ngôi sao người Brazil “tập luyện 9-10 giờ mỗi ngày và không nghỉ ngày nào”.
Khoảng thời gian sau khi trở lại cũng không kém phần âu lo cho cả Ronaldo lẫn những người yêu mến anh. Những lo ngại về các kiểu chấn thương luôn bủa vây Ronaldo mỗi khi anh ở trên sân. Trước World Cup 2002, anh đã gặp một chấn thương khác và phải về Brazil trong 15 ngày, sau đó trở lại Italia để chơi nốt giai đoạn cuối mùa, rồi được triệu tập vào ĐT Brazil lên đường sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Những gì tiếp theo là lịch sử.
Thay đổi ngỡ ngàng mà Ronaldo mang đến VCK World Cup đầu tiên trên đất châu Á chính là mái đầu “móng lừa”. Trong một chia sẻ sau đó với tờ báo Brazil Deporte Interactivo, Ronaldo tiết lộ anh quyết định cắt mái tóc này vì khó chịu với cách mà mọi người chỉ bàn đến chấn thương của mình trước khi giải đấu diễn ra. “Tôi chọn phương án cạo đầu và hiệu quả đến ngay lập tức. Mọi người từ bàn tán chấn thương chuyển sang mái tóc của tôi”, Ronaldo nói.
Không chỉ gây ấn tượng về ngoại hình, ngôi sao số một xứ Samba ngay lập tức thể hiện đẳng cấp về mặt chuyên môn. Ronaldo chính là người “mở tài khoản” bàn thắng cho Brazil ở trận đầu vòng bảng gặp Thổ Nhĩ Kỳ, và ghi thêm 7 bàn nữa để có 8 bàn trong tổng cộng 7 trận đấu của Brazil. Selecao chơi trên chân và thắng Đức 2-0 ở trận chung kết, qua đó lên ngôi một cách thuyết phục. Ronaldo khép lại World Cup 2002 với danh hiệu Vua phá lưới. Từ thành công ở kỳ World Cup này, “Người ngoài hành tinh” lần thứ 2 trong sự nghiệp giành Quả Bóng Vàng.
MỘT SỰ NGHIỆP VĨ ĐẠI CÒN DANG DỞ
Nếu không gặp phải chấn thương quái ác cướp đi giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp, hẳn “Rô béo” sẽ còn trở nên vĩ đại hơn nữa, đặc biệt là trong thời kỳ anh gần như không có bất kỳ đối thủ nào xứng tầm. Trước kỷ nguyên Messi-Ronaldo, một tiền đạo với hiệu suất 0,5 bàn mỗi trận và khoảng 20 bàn mỗi mùa đã có thể được xem như thành công, nhưng 47 bàn sau 49 trận của Ronaldo có được cùng Barca mùa giải 1996/97 khiến tất cả nhìn anh thực sự là một người ngoài hành tinh.
Messi rồi cũng đã vượt xa thành tích 47 bàn thắng trong một mùa của Ronaldo cho Barca vào năm 2009, Miroslav Klose là người ghi nhiều bàn thắng nhất tại các VCK World Cup, CR7 mới là ‘Ronaldo’ cùng Real giành biết bao Champions League, nhưng không ai trong số họ có thể cân bằng nổi những “thành tích” về cảm xúc mà Ronaldo đã mang lại cho biết bao thế hệ yêu bóng đá.
Chuyến phiêu lưu ở sự nghiệp quần đùi áo số của Ronaldo từ lúc bắt đầu cho đến thời điểm từ giã sự nghiệp vào năm 2011 thực ra chưa bao giờ suôn sẻ. Anh có 2 ngày sinh nhật do gia đình thiếu thốn không đủ tiền làm giấy khai sinh đúng ngày, dính hàng loạt những tổn thương về thể trạng do điều kiện y tế chưa đủ đáp ứng, và mắc chứng tăng cân do suy giáp ở giai đoạn cuối sự nghiệp. Thế nhưng, nghị lực và sức hút của anh chưa bao giờ suy giảm.
Các CĐV MU trên sân Old Trafford hẳn sẽ không bao giờ quên ngày 24/3/2003, khi Ronaldo lập một cú hat-trick tuyệt vời, giúp Real chỉ thua 3-4 và đi tiếp nhờ tổng tỉ số thắng 6-5. Và khi Ronaldo rời sân ở phút 70 nhường chỗ cho Fernando Morientes, cảnh tượng không ngờ đã xảy ra: các cổ động viên “Quỷ đỏ” đồng loạt đứng dậy vỗ tay tán thưởng anh.
Ngày 7/6/2011, trận giao hữu Brazil – Romania, mọi cầu thủ đều mặc áo có tên “O Fenômeno” (biệt danh của Ronaldo) cùng số 9 quen thuộc của anh. Khi Ronaldo ghi bàn ở phút 21, toàn đội đã ăn mừng theo phong cách quen thuộc của anh. Đấy là đặc ân mà không phải huyền thoại bóng đá nào cũng có được.
Thành tích cá nhân đáng chú ý
- Cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA: 1997, 1998, 2002
- Chiếc giày Vàng châu Âu: 1997
- Quả bóng Vàng châu Âu: 1997, 2002
- Vua phá lưới La Liga: 1997, 2004
- Chiếc giày Vàng World Cup: 2002
Thành tích tập thể đáng chú ý
CLB
- Vô địch Cúp Nhà Vua Tây Ban Nha: 1996/97
- Vô địch UEFA Cup Winners' Cup: 1996/97
- Siêu Cúp Tây Ban Nha: 1996, 2003
- Vô địch UEFA Cup: 1997/98
- Vô địch La Liga: 2002/03
ĐTQG
- Vô địch World Cup: 1994, 2002; á quân World Cup: 1998
- Vô địch Copa America: 1997, 1999; á quân Copa America: 1995