Huyền thoại Maradona: Từ đấng cứu thế đến "tội đồ" (kỳ 1)
Chúng ta sẽ chỉ được chứng kiến một Diego Maradona đích thực khi xem El Pelusa thi đấu tại World Cup.
30-40 năm trước, bóng đá còn chưa toàn cầu hóa như ngày nay, vì vậy các giải VĐQG và Cúp châu Âu ít được theo dõi. World Cup mới là sân khấu lớn cho những ngôi sao lớn. Những ngôi sao hàng đầu thế giới khi đó dùng giải đấu làm bàn đạp cho sự nghiệp của mình.
Hầu hết những ngôi sao bóng đá lớn nhất của thập kỷ 70 - 80 đều được nhớ đến bởi World Cup. Tuy nhiên ít ai trong số đó có thể nói rằng những màn trình diễn vĩ đại nhất của mình đều diễn ra ở World Cup. Chỉ riêng Diego Maradona sẽ mãi được nhớ đến bởi những gì ông đã mang tới cho khán giả ở sân khấu lớn nhất hành tinh. Ở đó ông có tất cả: chiến thắng & thất bại, niềm vui & nỗi buồn, nụ cười & nước mắt, niềm tự hào & sự hổ thẹn.
Nỗi buồn Espana 82
Ngôi sao trẻ 22 tuổi Diego Maradona, sau thời gian ngắn ngủi như vô cùng đáng nhớ ở Boca Juniors, bắt đầu sự nghiệp ở châu Âu khi được Barcelona mua với giá 5 triệu bảng, một kỷ lục khi đó. Nhưng trước khi đặt chân tới xứ Catalunya với tư cách một cầu thủ chuyên nghiệp, anh đến Nou Camp với tư cách một tuyển thủ quốc gia khi được ĐT Argentina triệu tập cho World Cup 1982.
"Bàn tay của Chúa"
Trận đầu tiên của Argentina, rất trùng hợp, diễn ra tại Barcelona và do vậy sân Nou Camp cháy vé khi các CĐV Barca muốn được chứng kiến tân binh nóng hổi mà CLB vừa sở hữu. Argentina ra quân trước ĐT Bỉ, á quân EURO 1980 và một phiên bản của Chelsea thập kỷ 1980. Sự chú ý của hơn 8 vạn khán giả Nou Camp nhắm về phía Maradona, nhưng El Pelusa có một màn trình diễn mờ nhạt vì bị vây chặt, và Erwin Vandenbergh giành thắng lợi cho Bỉ ở phút 60.
HLV Menotti bị chỉ trích kịch liệt vì sử dụng toàn tuyển thủ già của lứa vô địch năm 1978, nhưng Maradona chưa bị đụng đến. Cuối cùng Argentina cũng lọt qua vòng bảng thứ nhất để tiến vào vòng bảng thứ 2. Đến đây, sân khấu thực sự là của Maradona, nhưng hai đối thủ của Argentina thì không hề dễ: Italia và Brazil. Trước Italia, Claudio Gentile đi vào trí nhớ của hàng triệu người hâm mộ khi dùng đủ cách hợp lệ lẫn tiểu xảo để không cho Maradona chạm bóng. Trước Brazil, Maradona bị cả hàng phòng ngự này kèm, và càng về cuối trận càng bị phạm lỗi liên tục.
Argentina chính thức thành cựu vô địch vì thua cả hai trận. 5 phút trước khi thảm họa trước Brazil chấm dứt, Maradona mất kiềm chế và đáp trả lại một pha phạm lỗi của Joao da Silva. Chiếc thẻ đỏ kết thúc kỳ World Cup đầu tiên của Maradona, và anh bị CĐV nguyền rủa khi về nước.
Chân dung của “Chúa cứu thế”
Nếu như 4 năm trước, Maradona là lính mới của một tập thể Argentina già nua, thì khi đặt chân tới Mexico 86, trên tay anh là chiếc băng đội trưởng cùng những diễn viên phụ trẻ tuổi. Cho dù “Los Albicelestes” là một tập thể hoạt động rất hiệu quả ở mọi vị trí, họ là một đội bóng ít sự đẹp mắt trong lối chơi và phải dựa hết vào Maradona để tạo cơ hội.
"Bàn thắng thế kỷ" của Maradona
Argentina đứng đầu vòng bảng sau khi hạ Hàn Quốc, Bulgaria và cầm hòa Italia. Trận gặp Uruguay ở vòng 1/8 diễn ra không dễ dàng lắm khi bàn thắng duy nhất của Pedro Pasculli ở phút 42 khởi đầu cho gần một giờ đồng hồ Argentina bị lấn sân và chống đỡ vất vả. Nhưng nhờ thoát khỏi cửa ải này, Argentina đi tiếp và đây là lúc mà Diego Maradona đi vào lịch sử.
Argentina và Anh vừa trải qua cuộc chiến Falkland kéo dài chưa đầy 1 tháng trước đó với thắng lợi thuộc về người Anh. Đối với người Anh, quần đảo Falkland chỉ như một chấm nhỏ trên bản đồ Đế chế, nhưng với người Argentina, đó là một sự sỉ nhục, và sự sỉ nhục này cần phải được báo thù. Trận tứ kết 1986 giữa hai đội vì thế trở thành tâm điểm của cả đất nước.
Đó là một trong những thắng lợi gây tranh cãi nhất nhưng cũng hết sức tuyệt diệu trong lịch sử bóng đá. Phút 51, bóng bật về gần cầu môn của Peter Shilton sau một pha phá bóng không tốt của đồng đội, và Diego Maradona đã có một pha “không chiến” với Shilton mà anh dùng tay để ghi bàn. Trọng tài công nhận bàn thắng trong sự tức giận của các cầu thủ Anh, và Maradona đã đợi gần 20 năm sau để thừa nhận tính phi hợp lệ của bàn thắng ấy.
Thế nhưng chỉ hơn 10 phút sau “Bàn tay của Chúa”, 70 triệu người xem trên toàn thế giới được chứng kiến bàn thắng của thế kỷ. Diego Maradona từ giữa sân đột phá vào vòng cấm, loại bỏ 5 cầu thủ áo trắng trước khi qua nốt Peter Shilton và nâng tỷ số lên 2-0, khiến câu nói “Một đẳng cấp khác!” của bình luận viên Jimmy Magee trở nên vĩnh cửu trong lịch sử truyền hình Anh. Gary Lineker sau đó rút ngắn 2-1, nhưng Argentina tiến vào bán kết sau một màn trình diễn ma thuật của Maradona.
Nhưng Diego không dừng lại ở đó. Anh lập một cú đúp ở bán kết trước Bỉ, với bàn thắng thứ hai là một pha độc diễn xuất sắc khác. Trong trận chung kết, Tây Đức kèm chặt Maradona và đã gỡ hòa thành công sau khi bị dẫn trước 2 bàn. Thế nhưng chỉ một khoảnh khắc sơ sảy của hàng phòng ngự Tây Đức là đủ để Maradona có đường chuyền cho Burruchaga ấn định tỷ số 3-2, mang lại chức vô địch Thế giới thứ hai cho Argentina.
Đó là một kỳ World Cup đáng nhớ khi Maradona gần như tự mình đưa Argentina tới chiến thắng. Hơn một nửa cú dứt điểm của Argentina được thực hiện hoặc kiến tạo bởi anh, trong đó Maradona góp mặt trong 10-trên-14 bàn thắng của đội tuyển, và bị phạm lỗi tới 53 lần. SVĐ Azteca, nơi diễn ra trận đấu lịch sử Argentina - Anh và trận chung kết, đã dựng bức tượng tưởng niệm “Bàn thắng Thế kỷ” ở lối vào sân vận động, một vinh dự mà người Mexico dành tặng cho một danh thủ Argentina.
Từ vinh quang Mexico 86, người Argentina bắt đầu gọi Maradona là “El Dios”, vị “Chúa” của mình. Họ thậm chí còn có một tôn giáo riêng thờ Maradona, được gọi là “Iglesia Maradoniana” (đạo Maradona).
Mời các bạn đón xem P2 về huyền thoại Maradona vào 16h30, ngày 5/5!