Hữu Thắng và sự cô đơn ở đội tuyển Việt Nam
Có một góc độ khác mà nếu nhìn vào đấy, người ta có thể phần nào thấy được vì sao HLV Nguyễn Hữu Thắng và U22 Việt Nam lại thất bại tại SEA Games 29. Đó là đội ngũ trợ lý.
Sau cuộc họp mổ xẻ và rút kinh nghiệm của VFF với Hội đồng HLV quốc gia cùng HLV Nguyễn Hữu Thắng hôm 12/9, đã có khá nhiều ý kiến bình luận khác nhau. Một số đặt vấn đề trách nhiệm của VFF khi quá tin tưởng và giao toàn quyền chuyên môn cho HLV Hữu Thắng, không có tiếng nói phản biện thông qua Hội đồng HLV quốc gia.
HLV Hữu Thắng chỉ có thể dậm chân kêu trời khi không có được sự giúp sức cần thiết trong những thời điểm khó khăn từ đội ngũ trợ thủ ông lựa chọn. Ảnh: VSI
Trên thế giới chắc chắn không đâu có ý tưởng kỳ lạ như vậy, và việc tạo một hội đồng, hoặc sử dụng luôn Hội đồng HLV quốc gia đang có sẵn để “phản biện” lại HLV trưởng chắc chắn không khả thi. VFF không sai khi giao toàn quyền chuyên môn cho HLV Nguyễn Hữu Thắng. Đơn giản, không tin thì không dùng và dùng thì phải tin. Hiếm HLV trưởng ĐTQG nào trên thế giới lại chấp nhận bị “phản biện” bởi một hội đồng nào đó, vốn không hề chịu trách nhiệm đối với công việc của mình. Cá tính như HLV Nguyễn Hữu Thắng càng khó chấp nhận chuyện đó. Ông Thắng từng công khai tuyên bố không chịu sức ép, cũng không chấp nhận bị can thiệp vào các quyết định chuyên môn.
Có một cách khác để HLV Nguyễn Hữu Thắng được hỗ trợ tốt hơn, nhưng vẫn đảm bảo quyền lực tuyệt đối về chuyên môn của HLV trưởng, đó là đội ngũ trợ lý. Các tiếng nói góp ý của cấp dưới trong BHL sẽ dễ được chấp nhận hơn nhiều, thay vì đứng ngoài “phản biện” với tư cách bề trên. Nhưng cũng ở góc độ này, có thể thấy HLV Hữu Thắng đã không nhận được sự giúp sức cần thiết để có thể đi tới thành công.
Tại SEA Games 29, trợ lý cho HLV Nguyễn Hữu Thắng là các ông Lư Đình Tuấn (TPHCM), Dương Minh Ninh (HAGL) và Võ Văn Hạnh (VFF, trợ lý thủ môn). Chuyên gia Martin Forkel (Đức) đảm nhiệm khâu hỗ trợ về thể lực.
Có thể lấy các trường hợp từng hoặc đang thành công với bóng đá Việt Nam để rõ sự khác biệt. HLV H.Calisto trước đây khi nắm đội tuyển Việt Nam, trợ lý số 1 là HLV Phan Thanh Hùng. Ông Hùng khi đó được thừa nhận về chuyên môn, và cá tính cũng rất hợp để bổ sung vào cá tính của nhà cầm quân người Bồ Đào Nha. Ông Calisto thời điểm năm 2008 cũng có may mắn khi nắm trong tay lực lượng gồm những cầu thủ xuất sắc nhất bóng đá Việt Nam, lại đang độ chín, trải đều cả 3 tuyến, từ Dương Hồng Sơn (thủ môn) tới Minh Phương, Tài Em, Minh Châu, Công Vinh… Đó là những cầu thủ giỏi thực sự, đã kinh qua V-League với những thành tích cụ thể.
Một ví dụ khác là HLV Hoàng Anh Tuấn, đang rất thành công với các đội tuyển trẻ Việt Nam. Ai cũng biết song hành với ông Tuấn “con” suốt từ giải VCK U19 châu Á 2016 tới giải U20 thế giới 2017 và hiện tại, giải Vô địch U18 Đông Nam Á là chuyên gia Jurgen Gede. Cả hai thường xuyên có sự trao đổi, bàn bạc với nhau về các vấn đề chuyên môn, như những cộng sự và người bạn.
Với HLV Nguyễn Hữu Thắng, nhìn vào đội ngũ cộng sự ở đội tuyển U22 Việt Nam, giới trong cuộc sớm đã thấy việc cựu trung vệ xứ Nghệ phải “làm cả” là khó tránh khỏi. Vào những thời khắc khó khăn của U22 Việt Nam, HLV Hữu Thắng phải tự mình đưa ra các quyết định. Trong khi đó, khả năng đọc trận đấu, ứng biến của ông Thắng lại không được đánh giá cao.
Thực tế, VFF cũng từng có ý định tăng cường HLV Hoàng Anh Tuấn và chuyên gia Jurgen Gede lên U22 Việt Nam để hỗ trợ HLV Nguyễn Hữu Thắng. Nhưng câu trả lời cho VFF từ cựu trung vệ xứ Nghệ ra sao, người trong cuộc có thể nắm rõ.
Người chiến thắng được tất cả, kẻ thua phải chấp nhận ra đi. Có những quy luật rất phổ biến trong bóng đá, nhưng lại khó được chấp nhận với bóng đá Việt Nam. Đây mới là điều kỳ lạ nhất, khiến cho mỗi cuộc đổi thay với chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG đều trở nên ồn ào.