Hội nghị Ban Chấp hành VFF: Nóng ghế trưởng Ban Trọng tài
Lần nào hội nghị Ban Chấp hành VFF thì vấn đề ghế chủ tịch VFF cũng được bàn tán nhiều nhất. Lần này thì lại thêm một cái ghế khác được bày ra.
Tám tháng trước hội nghị Ban Chấp hành (BCH) VFF đã diễn ra và ai cũng nghĩ Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng sẽ rút lui vì lý do sức khỏe. Giờ chót thì ông Dũng rút lui thật nhưng chỉ rút không chủ trì hội nghị lần đấy và giao cho bầu Đức chủ trì.
Quanh chuyện chiếc ghế chủ tịch VFF
Ông Lê Hùng Dũng hồi đầu năm nay từng ngỏ ý lên Tổng cục TDTT về việc xin thôi ghế chủ tịch VFF vì lý do sức khỏe. Ngay từ trước khi có ý định này, ông Dũng đã có động thái “nâng cấp” cho ông Trần Quốc Tuấn lên phó chủ tịch thường trực VFF.
Hội nghị Ban Chấp hành lần này chắc chắn sẽ có những thay đổi về nhân sự. Ảnh: XUÂN HUY
Điều này đã từng bị chỉ ra là trái với điều lệ vì chức danh này không có. Ai cũng thấy nó như một bước dọn đường cho sự thay đổi ở chiếc ghế quyền lực trong làng bóng Việt Nam và thực chất là lâu nay việc “điều khiển” làng bóng nằm trong tay ông Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn.
Chính bởi sự nhập nhằng trên mà Ủy viên BCH Nguyễn Hồng Thanh mỉa mai là VFF hoạt động theo cơ chế công ty TNHH hai thành viên, gồm Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn chứ không tuân thủ theo điều lệ của liên đoàn.
Còn nhớ hội nghị BCH VFF hồi đầu năm nay, trong sự bất tín nhiệm của làng bóng về nội bộ VFF lủng củng, Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức đã đứng ra chủ trì cuộc họp mà không phải cấp phó thường trực. Tiếc là hội nghị chỉ dừng lại ở việc bãi nhiệm HLV Miura mà không đi đến những cái đích cao hơn có tác dụng chấn chỉnh, sắp xếp lại nhân sự. Khi ấy bầu Đức cũng nhấn mạnh ông không có ý định ngồi lên chiếc ghế chủ tịch VFF vì bận rộn việc kinh doanh riêng.
Một lần nữa, khả năng tìm người thay thế Chủ tịch VFF nghỉ do bệnh sẽ được đặt ra trong hội nghị lần này. Hôm qua, bầu Đức cho biết ông vẫn dự họp nhưng cá nhân ông không quan tâm nhiều đến bóng đá vì đang bận tái cơ cấu tập đoàn của mình. Đây không phải lần đầu tiên bầu Đức tỏ ra bàng quan với những biến động trong ngôi nhà VFF. Trước đó, khi hỏi ý kiến về trọng tài đang làm loạn, ông chỉ nói ngắn gọn “không biết, không quan tâm”.
Ghế trưởng ban trọng tài?
Cách đây vài ngày, Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi bức xúc tố ngược Thường trực VFF làm sai quy trình sau khi đưa ra thông tin đình chỉ nhiệm vụ của ông. Ngay sau đó, đích thân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã gọi điện thoại cho ông Mùi “đính chính” là chưa có gì và còn phải chờ ý kiến BCH. Nhưng khi mọi việc vẫn còn úp úp mở mở thì làng bóng đá khẳng định chắc nịch ông Mùi sẽ bị trảm và người thay thế ông Mùi là Phó ban Trọng tài Dương Văn Hiền.
Có vẻ như mọi sai phạm hàng loạt của trọng tài trong làng bóng nội trong thời gian gần đây đều đổ hết lên đầu ông Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi. Và đấy cũng là cái cớ để hội nghị lần này ông Mùi sẽ bị sa thải theo đúng như thông tin đã xì ra từ cuộc họp của 3/5 thành viên tại nhà riêng Chủ tịch Lê Hùng Dũng hồi tuần trước.
Cũng cần biết là công tác trọng tài ở Việt Nam khác với các quốc gia ở chỗ Ban Trọng tài (gồm Trưởng ban Nguyễn Văn Mùi, Phó ban Dương Văn Hiền, Đặng Thanh Hạ, Nguyễn Tấn Hiền và Ủy viên Bùi Như Đức) đề xuất danh sách trọng tài từng trận. Danh sách này được chuyển lên Phòng Trọng tài VFF thẩm định rồi qua người phụ trách công tác trọng tài là phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn, sau đó mới được thông báo đến các trọng tài.
Ngay cả việc xử lý và tìm biện pháp khắc phục cũng thế. Điều này cho thấy Ban Trọng tài chỉ là bộ phận giúp việc chứ không có thực quyền nên việc thay ông trưởng ban rồi dựng ông khác chả thay đổi được gì. Trong khi lẽ ra cái chính là phải thay đổi cơ chế hoạt động và có thực quyền trong Ban Trọng tài.
Ông Nguyễn Văn Mùi từng được “dựng” lên do chính sự tiến cử của chủ tịch VFF thì lần này việc “hạ” ông xuống cũng nằm trong kịch bản của những người đứng đầu.
Sáng 11-8, hội nghị BCH VFF khóa VII tổ chức tại khách sạn Đệ Nhất (TP.HCM). Ngoài những vấn đề đã nêu, BCH còn báo cáo kế hoạch chuẩn bị của các đội tuyển quốc gia tham dự những giải đấu quan trọng trong năm. Ngoài ra, còn có các vấn đề liên quan đến công tác tài chính và vận động tài trợ, công tác truyền thông - đối ngoại cũng sẽ lên bàn nghị sự. |