Hội chứng bỏ giải!
XMXT Sài Gòn vừa bỏ giải thì lập tức rộ lên thông tin K.Kiên Giang cũng đòi bỏ giải. Và thế là cả làng rối tung.
Không lâu sau công văn tuyên bố bỏ giải của XMXT Sài Gòn, lại đến lượt K. Kiên Giang bắn tiếng chuyện bỏ giải. Lý lẽ: Điều lệ quy định đội thứ 12 xuống hạng được đưa ra. Nếu XMXT Sài Gòn bỏ giải thì K. Kiên Giang có xếp cuối thì cũng là đội xếp thứ 11. Bắt K. Kiên Giang xuống hạng là vô lý, chi bằng đội sẽ bỏ giải (!?).
Rõ ràng là sau động tác bỏ ngang của XMXT Sài Gòn cả làng lao nhao để rồi người ta lại dựa vào đó mà tiếp tục dọa bỏ giải nhằm đạt mục đích trụ hạng bằng mọi cách.
Hội chứng bỏ giải này có khác với 18 năm trước khi bóng đá Việt Nam chưa lên chuyên nghiệp và mỗi đội bóng là một địa phương, một ngành. Đó là mùa 1995, có sáu đội đi vòng chung kết ngược (chọn hai đội trụ hạng) thì năm đội sợ xuống hạng là Thể Công, Sông Bé, Long An, Đà Nẵng, Bình Định đã bắt tay nhau đồng ký đơn tẩy chay giải không ra sân đá để phá giải. Cuối cùng thì Tổng thư ký VFF Trần Bảy đã phải can thiệp bằng cuộc làm việc với lãnh đạo cấp cao của Bộ Quốc phòng để lệnh cho Thể Công phải đá trận thủ tục cũng đồng nghĩa với việc bốn đội còn lại bị đánh rớt hạng vì bỏ giải.
K.Kiên Giang dọa bỏ giải khiến ban tổ chức phát hoảng, vội đề nghị không có đội xuống hạng. Ảnh: XUÂN HUY
Bây giờ thì sau XMXT Sài Gòn, việc làm của đội K. Kiên Giang đánh tiếng cũng cho thấy việc trụ hạng đã là mục tiêu hàng đầu dù đội bóng này đang túng thiếu trong hoàn cảnh nợ lương, nợ lót tay của cầu thủ. Đội phải vay nóng để có tiền đá ba vòng đấu cuối còn cầu thủ thì đã tính chuyện hết mùa này đòi nợ lãnh đạo đội bóng và tìm bến mới.
Một đội bóng mỗi mùa mỗi chạy tiền và chuyện tồn tại là những bài toán kiếm tiền từng vụ mùa rõ ràng không phải là đội chuyên nghiệp. Một đội bóng mà địa phương không có cầu thủ trẻ lẫn tuyến kế thừa và mỗi năm lại đi nhặt cầu thủ thế mà vẫn cố níu ở hạng chuyên nghiệp để làm gì?
Theo tôi thì lỗi không phải ở đội K. Kiên Giang mà ở những người điều hành bóng đá đã mở đầu vào thật rộng qua việc nới lỏng tiêu chuẩn và quy định đội chuyên nghiệp như thời bao cấp để nhà nhà cùng lên chuyên nghiệp theo số đông.
Bây giờ thì cũng vì số đông đấy mà những nhà điều hành bóng đá lại rất sợ các đội bỏ giải nên mới vội vã họp và ra kiến nghị sau khi xử lý XMXT Sài Gòn thì không đội nào xuống hạng cả.
Nếu cứ như thế và nếu cứ sợ bỏ giải như vậy thì cứ tổ chức giải không xuống hạng như đá giao hữu cho nó lành.
Qua hội chứng bỏ giải lại thấy bản lĩnh những nhà điều hành bóng đá quá yếu khiến bị các CLB dọa nạt và lấn lướt.
Thời bao cấp những nhà điều hành bóng đá rất sợ xử một đội bóng vì phải đụng đến một địa phương hay một ngành. Nay thì họ lại sợ đụng đến các ông bầu hăm bỏ giải.
Chuyện chỉ có ở bóng đá Việt Nam sau 13 năm làm chuyên nghiệp mà vẫn rất nghiệp dư và tùy tiện.