Học làm “quan” bóng đá
Sau khi ông Trần Mạnh Hùng từ chức Chủ tịch HĐQT VPF vì sự cố liên quan đến đoạn băng ghi âm bị rò rỉ, người ta chợt nhận ra rằng, làm quan chức bóng đá cũng phải học hỏi từ lời ăn tiếng nói chứ không chỉ câu chuyện xoay quanh trái bóng tròn.
Khi đoạn băng ghi âm cuộc họp của Ban kiểm tra VFF ghi lại những lời lẽ tục tĩu của ông Trần Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch HĐQT VPF xúc phạm, đe doạ ông Dương Văn Hiền – Phó Ban trọng tài VFF được lan truyền trên mạng xã hội đã gây ra nhiều ý kiến bức xúc từ dư luận. Câu chuyện ấy đã không chỉ dừng ở phạm vi bóng đá mà còn trở thành một chủ đề bàn tán rộng ở ngoài xã hội.
Ông Trần Mạnh Hùng đã xin từ chức Phó Chủ tịch HĐQT VPF. Ảnh: H.A
Và trước những sức ép từ “búa rìu” dư luận cùng với những ý kiến chỉ đạo từ cấp trên, việc ông Hùng xin từ chức tại cuộc họp HĐQT VPF là điều khiến nhiều người thấy hợp lý. Bởi lẽ, đó là cách giải quyết sẽ cứu vớt danh dự cho VPF, thậm chí cả VFF khi việc ông Hùng gây ra làm ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh bóng đá Việt Nam, gây phẫn nộ cho người hâm mộ.
Một vấn đề được đặt ra, đó là câu chuyện làm quan chức bóng đá, đôi khi người ta phải học cả từ lời ăn tiếng nói, tư chất chứ không phải xoay quanh quả bóng tròn.
Chứng kiến sự việc của ông Hùng, một nhà báo thể thao kỳ cựu chia sẻ rằng: “Tôi thấy những người làm bóng đá chỉ bầu ông Hùng vào ghế quan chức mà quên mất dạy cho ông ấy cách làm quan. Bởi lẽ, làm quan cũng cần học chứ đâu có phải ai cũng làm được, nhất là những vấn đề phép tắc và lễ nghĩa.
Nếu như không nói rằng, dư luận sẽ nhìn vào các ghế quan chức bóng đá để so sánh với mặt bằng xã hội. Trong câu chuyện này, có lẽ ông Hùng đã quên mất vị trí của mình đang là quan ở VPF chứ không phải sếp ở CLB. Mà dẫu có là sếp ở CLB thì cũng không thể và không nên tồn tại thứ văn hoá đó được”.
Từ chuyện lùm xùm của ông Hùng khiến nhiều người nhớ đến hình ảnh của HLV Chu Đình Nghiêm trên sân Pleiku tại tứ kết lượt đi Cúp Quốc gia cách đây không lâu. HLV của Hà Nội FC đã để lại hình ảnh xấu xí khi có thái độ xúc phạm trọng tài, thậm chí cũng sẵn sàng lao vào sân ăn thua nếu không có sự can ngăn của cầu thủ và ban huấn luyện. Ông Nghiêm cũng dành cho các trọng tài những câu chửi thể chẳng kém ông Hùng.
Thậm chí, trong đường hầm rời sân vì bị truất quyền chỉ đạo, vì hiểu lầm một trọng tài trẻ, HLV Chu Đình Nghiêm và các trợ lý cũng suýt đòi nói chuyện “tay chân”. Điểm giống nhau giữa hai câu chuyện này là khi “máu nóng” đã nổi lên, người ta nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ “mày – tao”. Điều đã đánh mất đi những hình ảnh của những người đang “ngồi ghế lãnh đạo”.
Mặc dù HLV Chu Đình Nghiêm nhận sai và xin lỗi người hâm mộ vì hành động quá khích của bản thân nhưng điều mà ông mất đi sẽ phải mất rất nhiều thời gian nữa mới có thể lấy lại. Và cái “án” mà HLV Chu Đình Nghiêm phải nhận không chỉ dừng lại ở việc cấm chỉ đạo 4 trận kèm số tiền phạt 15 triệu Từ Ban kỷ luật VFF. Thông điệp mà bầu Hiển dành cho HLV Chu Đình Nghiêm là muốn tiếp tục tồn tại trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp và vì bóng đá đá đẹp, sẽ không có lần thứ 2 cho hình ảnh ấy xuất hiện.
Và đến lượt ông Trần Mạnh Hùng trong vai một quan chức bóng đá đang làm mất hình ảnh của tổ chức với những lời lẽ thô tục trong một cuộc họp trước một Phó Ban trọng tài, người ta lại càng ngao ngán cho cái gọi là văn hoá bóng đá bị lãng quên.
Điều đáng nói là màn chửi thề, doạ nạt của ông Hùng với một cán bộ Ban trọng tài VFF được lan truyền, bơi bày trên mạng xã hội như một trò cười kèm theo sự bức xúc của dư luận. Nhất là khi sự việc diễn ra trong khuôn khổ một cuộc họp do Ban kiểm tra VFF chủ trì chứ không phải giữa hai cá nhân ngoài đời thường.
Khi văn hoá quan chức bóng đá xuống cấp, người ta thấy rằng câu nói của nguyên Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực vẫn còn giá trị là: “Mặt bằng bóng đá Việt Nam thấp hơn mặt bằng xã hội”. Thế nên, câu chuyện học làm “quan” bóng đá có lẽ không chỉ ông Hùng mà những người còn lại ở thượng tầng bóng đá Việt Nam phải thấm thía.
Ông Trần Mạnh Hùng và 5 tháng làm “quan” ở VPF Sau khi xin từ chức Phó Chủ tịch HĐQT VPF, ông Trần Mạnh Hùng chia sẻ rằng: “Tôi khẳng định không chịu sức ép từ bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Điều khiến tôi đi đến quyết định này, như tôi vừa nói, là mong muốn cho VPF, giải đấu, bóng đá Việt Nam tốt lên. Thực lòng hiện tại tôi chưa thông báo gì cho gia đình, nhưng tôi tin vợ con tôi luôn dành niềm tin tuyệt đối, ủng hộ quyết định của tôi. Tôi không hiểu sao với nhiều người, chiếc ghế Phó chủ tịch VPF lại ghê gớm vậy. Tôi nguyên là Chủ tịch một CLB bóng đá nên quá trình hoạt động, tôi cũng rất hiểu và có những kinh nghiệm nhất định. Trước khi VPF đại hội, một số cổ đông nói muốn giới thiệu tôi vào HĐQT, vì thấy tôi có thể đại diện cho các CLB, giúp các CLB đến gần với nhau. Khi bầu cử, tôi hút thuốc lá bên ngoài thì nhân viên ra gọi tôi vào thông báo kết quả, khi đó mới biết mình trúng HĐQT. Tôi nhớ không cụ thể nhưng tôi và anh Nguyễn Hồng Thanh (TGĐ Nguyễn SLNA Nguyễn Hồng Thanh-PV) được số phiếu gần tuyệt đối. Cái tôi đáng tiếc cho hành động của mình, cử xử của mình chưa chuẩn mực, quá nóng nảy. Tôi cũng thấy đây là chuyện đáng tiếc, rất đau đớn, bài học cho mình khi làm bóng đá. Còn trong công việc, tôi luôn tự hào rằng kể từ lúc ngồi vào vị trí hiện tại, tôi đã cố gắng tối đa cho công việc của VPF. Sau khi tôi xin thôi, anh Tú và các thành viên cũng đề nghị tôi ở lại giúp thêm công việc cho VPF vì hiện nay tôi vẫn là thành viên HĐQT. Tôi phải nói thật tôi rất cảm kích con người anh Tú. Anh ấy thực sự là người có tư chất, nhiệt huyết và tâm để điều hành một doanh nghiệp, làm một lãnh đạo”. H.H |
Nhiều khả năng, ông Trần Mạnh Hùng sẽ không tranh của chức phó chủ tịch VFF.