Học Đức để “hiện đại hóa V-League”!
Đó là những lời chia sẻ của đại diện các CLB của V-League cũng như lãnh đạo Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sau khi kết thúc chuyến đi nghiên cứu, học tập mô hình phát triển của bóng đá Đức và Tây Ban Nha từ ngày 12 đến 22-10 vừa qua.
Theo Chủ tịch CLB Bóng đá Sài Gòn Nguyễn Giang Đông, mô hình phát triển của bóng đá Đức thực sự để lại quá nhiều ấn tượng về sự hiện đại, tiện lợi cho khán giả. “Họ kết hợp cả công nghệ lẫn kinh nghiệm quản lý để điều hành trơn tru mọi công việc, từ tổ chức trận đấu, bán vé cho đến việc quản lý cơ sở vật chất... Xem người Đức làm bóng đá đúng là không chê vào đâu được. V-League chỉ làm được một phần như vậy cũng đã là lý tưởng” - ông Đông chia sẻ.
Đại diện các CLB của Việt Nam và VPF chụp ảnh tại sân của CLB Dortmund. Ảnh: Đức Mạnh
Theo một đại diện VPF, bóng đá Đức rất chú trọng công tác đào tạo trẻ cho nên cơ sở vật chất tại các CLB ở nước này được chú trọng đầu tư rất đồng bộ. Riêng CLB Borrusia Dortmund có học viện đào tạo trẻ sở hữu 10 sân lớn, chia thành các sân nhỏ, phân biệt sân tập và thi đấu cho các lứa tuổi riêng.
“Dortmund không chỉ có một trong những sân bóng đẹp nhất thế giới mà còn sở hữu một loạt các sân cho đội trẻ đẹp nhất. Đây là điều mà các CLB ở Việt Nam có mơ cũng khó có được, chỉ cần xây dựng được 1-2 sân tập cho tuyến trẻ đã là thành công”.
Theo ông Cao Văn Chóng, điều mà VPF học hỏi được sau khi xem một trận đấu của Bundesliga chính là việc phối hợp đồng bộ trong công tác bảo đảm an ninh cho một trận đấu thu hút hơn 80.000 khán giả.
“Hàng rào an ninh được đặt thành nhiều tầng lớp, có hệ thống kiểm soát bằng máy và các nhân viên an ninh. Mỗi trận đấu, các CLB Đức có từ 530-670 nhân viên an ninh chuyên nghiệp được huy động, tiêu tốn 58.000 euro/trận; ngoài ra còn có những dụng cụ hỗ trợ: máy rà chất nổ, chó nghiệp vụ, tiêu tốn từ 500-2.000 euro/trận.
Bên cạnh đó, hệ thống camera an ninh được lắp đặt ở khắp mọi nơi, cả bên ngoài và trong sân vận động. Nghe có vẻ mất tự do nhưng thực tế, khi CĐV vào được sân thì họ rất thoải mái vì không còn bị kiểm soát, tâm lý thưởng thức trận đấu trong điều kiện an toàn tuyệt đối cũng rất khác” - ông Chóng phân tích.
Ông Chóng cho biết ngoài công tác an ninh, VPF học hỏi được rất nhiều về phương thức bán vé. “Khán giả có thể mua vé, chọn ghế ngồi trực tiếp qua hệ thống phần mềm từ một smartphone. Cực kỳ tiện ích và dễ dàng sở hữu một tấm vé vào sân cho những khán giả yêu thích bóng đá ở Đức. Phương thức này có thể áp dụng ở Việt Nam trong tương lai” - ông Chóng nói.
Trước chuyến tham quan học tập ở Đức và Tây Ban Nha, có dư luận cho rằng VPF lãng phí. Tuy nhiên, những gì học hỏi được ở những nền bóng đá phát triển nhất thế giới nếu áp dụng ở các giải bóng đá của Việt Nam trong tương lai thì chắc chắn sẽ mang đến cho người hâm mộ những trải nghiệm thực sự thú vị.