Hoàng Xuân Vinh như Ronaldo của thể thao Việt Nam
Không phải tự nhiên mà báo chí thế giới từ Đông bán cầu sang Tây bán cầu phải sửng sốt ngả mũ trước kỳ tích giành HCV, rồi HCB Thế vận hội của Hoàng Xuân Vinh.
Thế giới ngạc nhiên là bởi Việt Nam, đất nước từng được nhắc đến với một thời chiến tranh, nơi mỗi người dân gánh hàng tấn bom đạn trong 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc... cũng có thể giành HCV Olympic.
Thế giới ngạc nhiên bởi Olympic là đỉnh cao nhất trong những đỉnh cao của nhân loại.
Qua rồi cái thời một đầu bếp đi thi cho vui cũng giành được huy chương, Olympic hiện tại chỉ dành cho những VĐV chuyên nghiệp nhất, những con người không chỉ có tài nghệ xuất sắc nhất trong môn thể thao của mình mà còn đòi hỏi sự khổ luyện bền bỉ và một tinh thần tập luyện đầy nghiêm túc.
Tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh là đỉnh cao nhất của TTVN ở Olympic
Những con người chuyên nghiệp ấy phải “bế quan luyện công” nhiều năm trời chỉ để phục vụ cho một vài giờ thi đấu ở Olympic. Quá trình luyện tập có thể ngốn cả triệu đô và nếu đoạt huy chương có thể giành được cả triệu đô tiền thưởng. Bởi thế, rất nhiều VĐV gian lận, hoặc dùng doping để giành lấy HCV.
Thế giới ngạc nhiên bởi Olympic từ lâu đã là cuộc chơi riêng của những quốc gia thừa tiền dư của. Những tài năng như Michael Phelps khi mới được phát hiện đã có thể ký những hợp đồng tài trợ cả triệu đô để yên tâm thi đấu mà không cần bận tâm đến chuyện cơm áo gạo tiền.
Trong bối cảnh ấy, một VĐV tới từ Việt Nam, người luôn phải tập luyện trong những điều kiện hạn chế... giành được HCV Thế vận hội xứng đáng là kỳ tích thú vị nhất của những kỳ tích.
Ngay cả một quốc gia phát triển và có chính sách nhập tịch VĐV cởi mở như Singapore cũng chưa giành nổi HCV Olympic (mới có 2 Bạc, 2 Đồng). Tương tự là Malaysia, một cường quốc về cầu lông (tay vợt Lee Chong Wei mới giành 2 Bạc).
Ngay cả Bồ Đào Nha, một quốc gia Tây Âu, cũng mới chỉ giành 4 HCV Thế vận hội, dù đều đặn tham dự suốt hơn 100 năm qua.
Lý do khiến Bồ Đào Nha không thể giành nhiều huy chương Olympic là bởi chế độ độc tài quân sự Salazar đã kìm kẹp sự phát triển của họ về mọi mặt. Phải đến khi chế độ độc tài bị lật đổ vào năm 1974, Bồ Đào Nha mới bước vào giai đoạn phát triển. Cả 4 HCV Olympic của họ đều trong giai đoạn phát triển ấy.
Chiến thắng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và thể thao Việt Nam ở Olympic Rio 2016 là một thắng lợi kỳ vĩ, ở khía cạnh nào đó cũng giống như chiến thắng của đội tuyển Bồ Đào Nha - một đội tuyển ít ngôi sao, bị đánh giá thấp ở kỳ EURO vừa kết thúc.
Điểm chung toát lên trong 2 chiến thắng ấy là tinh thần chiến đấu không khoan nhượng. Đội tuyển Bồ Đào Nha đã chiến đấu kiên cường qua từng trận đấu, để lại hình ảnh xúc động với Pepe nôn khan, với Cristiano Ronaldo chấn thương vẫn nén đau thi đấu và những giọt nước mắt nuối tiếc xen lẫn đau đớn khi không thể gắng gượng thêm nữa... Điều đọng lại cuối cùng là nụ cười chiến thắng.
Những giọt nước mắt xúc động cũng đã lăn trên má Đại tá Hoàng Xuân Vinh và hàng triệu người Việt Nam sau thắng lợi lịch sử tại Rio. Và nụ cười cho một chiến thắng vỡ òa.
Đó là sự tưởng thưởng xứng đáng cho gần 20 năm cầm súng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh trong hoàn cảnh thiếu trường bắn tiêu chuẩn, thiếu môi trường luyện tập...
Giống như Ronaldo và các tuyển thủ Bồ Đào Nha, Hoàng Xuân Vinh cũng mang trong mình ý chí chiến đấu quật cường. Ít người biết rằng anh bị cận thị và bị bệnh tim vì nín thở nhiều trong lúc tập luyện/thi đấu.
Tấm HCV ở Rio là phần thưởng xứng đáng cho xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, ngôi sao sáng của thể thao nước Việt.
Video Hoàng Xuân Vinh chia sẻ sau khi giành HCB 50m súng ngắn (Bản quyền thuộc VTV):