Hoa khôi Ngọc Châm kể chuyện tế nhị khi đá với cầu thủ nam
Thiếu kinh phí, sự thờ ơ từ dư luận hay "quân xanh" là những vấn đề cản trở sự phát triển của bóng đá nữ Việt Nam.
Video hoa khôi Ngọc Châm bàn về những vấn đề của bóng đá nữ Việt Nam (bản quyền thuộc VTVcab)
"Bước ra sân, cảm thấy trống rỗng!"
“Bóng đá nữ có nhận được sự quan tâm đúng mực như bóng đá nam?" đã và đang trở thành bài toán chưa có câu trả lời xác đáng. Chẳng nói đâu xa, giải bóng đá nữ Vô địch quốc gia (VĐQG) 2017 khởi tranh trên sân Thống Nhất, khởi tranh từ ngày 11/5 chỉ thu hút được lượng khán giả ít ỏi, thậm chí hầu hết trong số đó là người thân của các cầu thủ.
Thiếu đi sự quan tâm đúng mực, bóng đá nữ Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển
Nghịch lý ở chỗ, giải đấu có cả nhà tài trợ lớn, được truyền hình trực tiếp và mở cửa tự do để đón khán giả. Để rồi, các khán đài vẫn trống vắng, những lời hô hào, kêu gọi mỗi khi bóng đá nữ đạt được thành tích ở đấu trường khu vực hay quốc tế bỗng "mất tăm hơi" vào đúng thời điểm các cô gái vàng cần sự ủng hộ thiết thực.
"Bước ra sân, cảm giác đầu tiên là trống rỗng, dù đã thi đấu chuyên nghiệp được 10 năm. Khi xem các giải nước ngoài, tôi luôn ao ước được thi đấu dưới sự cổ vũ của nhiều khán giả", tiền đạo Huỳnh Như (CLB TP.HCM 1), Quả bóng vàng Việt Nam 2016 tâm sự.
Một thành viên khác của TP. HCM 1, trung vệ Chương Thị Kiều (TP.HCM 1) cũng cay đắng thừa nhận: "Mọi người theo dõi bóng đá nam rất đông, cả ở cấp độ CLB lẫn ĐTQG. Đã là nữ, lại chơi bóng đá, giờ đến lượng CĐV cũng không bằng bóng đá nam, chúng tôi cảm thấy vô cùng thiệt thòi”.
Lí giải cho thực trạng đáng buồn này, cựu tiền đạo Ngọc Châm – Quả bóng vàng Việt Nam 2008 (cô gái từng được xem là Hoa khôi của bóng đá nữ VN), khẳng định: “Một số trận đấu thuộc giải VĐQG diễn ra ra khoẳng 3h rưỡi chiều, thời điểm nắng nóng và tan tầm. Thứ nữa, công tác truyền thông chưa đủ giúp CĐV biết đến giải đấu, nhớ tên cầu thủ, vì vậy rất khó bắt họ đến sân, chứ đừng nói theo dõi trọn vẹn một trận bóng đá nữ".
Thiếu kinh phí & nỗi lo về "quân xanh"
Cũng theo hoa khôi Ngọc Châm, kinh phí luôn là vấn đề muôn thuở với bóng đá nữ. Giải đấu không có CĐV, đồng nghĩa không thu được lợi nhuận từ bán vé, quảng cáo, ảnh hưởng sâu sắc tới chuyên môn.
"Giải VĐQG chỉ gồm 8 đội, dàn trải khắp mọi miền đất nước. Vấn đề kinh phí không cho phép các đội bóng di chuyển xa chỉ để đá một trận giao hữu, vì vậy cầu thủ Việt Nam thường thiếu đối thủ cọ xát. Không thể đá với nhau, họ phải tìm 'quân xanh'" là những đội bóng nam thuộc lứa U13, U15, thậm chí là đội lão tướng.
Trên ĐTQG, chúng tôi không có điều kiện tập huấn châu Âu mà chỉ còn biết trông chờ vào những chuyến đi Trung Quốc, thi thoảng lắm mới được 'đổi gió" ở Nhật Bản, Hàn Quốc".
Tuy nhiên, việc thi đấu với "quân xanh" - các đồng nghiệp nam cũng nảy sinh nhiều chuyện dở khóc dở cười và vô cùng... tế nhị.
"Các đội bóng nam rất dè chừng khi đá với chúng tôi. Họ thường hạn chế kéo áo, xô đẩy vì sợ... đụng chạm!", Ngọc Châm hài hước cho hay.
"Không sợ đá thua, chỉ sợ cầu thủ... lấy chồng" Đó là chia sẻ từ một thành viên BHL Sơn La. Hiện tại, đội bóng non trẻ này có tới 14/17 cầu thủ là người dân tộc thiểu số, vì vậy các HLV luôn lo lắng cầu thủ của mình bỏ bóng đá để về quê lập gia đình (một số dân tộc thiểu số Việt Nam vẫn duy trì tục tảo hôn). |
U20 World Cup 2017 sẽ là sân khấu cho rất nhiều ngôi sao trẻ tỏa sáng.