HLV Troussier hỏi, thắng Thái hoặc dự World Cup, các cậu chọn cái nào, và câu trả lời là...
Người ta nói cuộc sống thực ra là một cuộc chiến. Điều duy nhất bạn nên làm là trở thành một chiến binh và chiến đấu. Cho đến bây giờ, Trần Quang Thịnh, chàng trung vệ của CAHN và U22 Việt Nam, vẫn luôn chiến đấu, cho bản thân, cho người khác và những giấc mơ lớn.
1. “Một kỷ niệm đẹp và không thể nào quên của tuổi trẻ, khi anh em chiến đấu vì nhau”, Trần Quang Thịnh nói, khi tôi đề cập đến giải U23 Đông Nam Á 2022 tại Campuchia, nơi đội U23 Việt Nam đăng quang ngôi vô địch theo kịch bản chỉ có trên phim, với những chiến binh ngoan cường giành chiến thắng trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất.
“Có trận đội chỉ có đúng 12 người trong danh sách đăng ký, tức là chỉ có 1 sự thay người duy nhất, rồi thủ môn phải lên đá tiền đạo”, Quang Thịnh nhớ lại với phóng viên Báo Tiền Phong, “Khi ấy mọi cầu thủ đều có một ý nghĩ ra sân không chỉ vì bản thân, vì màu cờ sắc áo mà còn vì những anh em dính Covid-19.
Tất cả đã tập luyện xuyên Tết, khổ luyện cùng nhau hàng tháng trời nhưng đến giải, từng người một ngã bệnh không có cơ hội ra sân. Vì vậy, anh em bảo nhau mệt cũng phải cố, phải đá bù cả phần của những đồng đội ngồi ngoài. Đối thủ nào cũng như nhau, Thái Lan hay Timor-Leste đều đá ‘chết bỏ’, bước ra ngoài với tinh thần không còn gì để mất”.
Không ai nghĩ U23 Việt Nam lại rơi vào tình cảnh khốn khó đến vậy. Nhưng chính vào nghịch cảnh, mỗi người bỗng tự cảm thấy phải “lớn lên”, thể hiện trách nhiệm và bản lĩnh. Quang Thịnh cũng vậy.
Quang Thịnh tri ân 24 đồng đội nhiễm Covid-19 trong hành trình U23 Đông Nam Á 2022. (Ảnh: Sơn Tùng)
Trận bán kết với Timor-Leste, kết quả hòa 0-0 đã đẩy hai đội tới loạt luân lưu may rủi. “Chưa bao giờ đá penalty, vậy mà em dám tới xin thầy (HLV Đinh Thế Nam) đá quả đầu tiên”, chàng trai sinh năm 2001 thuộc lò Công An Nhân Dân (CAND) nói, “Thầy hỏi tự tin không, em nói có”. Thịnh nghĩ rằng “muốn trưởng thành phải dám đi ra vùng an toàn và đối mặt với các thách thức”.
“Tự đặt mình trước ranh giới thắng thua là một loại thử thách em cần vượt qua”, cậu chia sẻ, và cười với suy nghĩ có phần liều lĩnh, “Sau này nhớ lại mới thấy mình điên thật, tự nhiên xung phong làm cái gì nhỉ? Nhưng lúc ấy thì khác. Người ta nói chặng đường tới chấm 11m là dài nhất cuộc đời. Đó là họ nghĩ quá nhiều thôi. Em chẳng nghĩ ngợi gì, cứ cầm bóng đi thẳng tới trước cầu môn, tự nhủ nếu chẳng may đá ra ngoài thì khóa facebook, vậy thôi. Đến khi đá xong, bóng bay vào lưới, em nói với bản thân phải ăn mừng vì đã vượt qua chính mình”.
Hài lòng với bản thân, nhưng Quang Thịnh vẫn không quên các đồng đội. Cậu giơ các ngón tay biểu thị số 24, tượng trưng cho 24 anh em dính Covid-19, nhấn mạnh chiến thắng này là vì họ. Dĩ nhiên, cả chiến thắng cuối cùng trước Thái Lan ở trận chung kết nữa, cũng là vì họ.
Quang Thịnh và đồng đội nâng cao chiếc Cúp vô địch U23 Đông Nam Á 2022. (Ảnh: Sơn Tùng)
2. Cho đến nay, với Quang Thịnh, chức vô địch U23 Đông Nam Á 2022 vẫn là chiến tích lớn nhất sự nghiệp. Nhưng khi được yêu cầu dùng một từ nào đó để mô tả, bằng sự khiêm tốn, cậu chọn “may mắn”.
“Lẽ ra em không có mặt ở Campuchia”, trung vệ người Hải Phòng lý giải, “Do CAND (bây giờ là Công An Hà Nội - CAHN) không tham dự giải U21, nên em biết mình khó có cả khả năng được chọn lên tuyển. Tối cuối cùng ở giải Tứ hùng tại Ninh Bình mà CAND tham gia, lúc đang chuẩn bị đồ để sáng mai về thì em nhận được cuộc gọi của HLV Đinh Thế Nam, thật mừng hết biết.
Rồi trước trận chung kết gặp Thái, test nhanh thấy dính Covid, em nằm trong phòng buồn thiu vì sẽ bỏ lỡ trận đấu. Không buồn sao được khi từ trước tới giờ em chưa từng chơi trận chung kết nào. Thế mà buổi tối nhận kết quả xét nghiệm PCR: âm tính. Em reo lên vui mừng. Cả giải em là người duy nhất chơi cả 4 trận. Phải đợi đến lúc về nước, xong lễ mừng công em mới mắc Covid”.
Quang Thịnh cùng phóng viên Báo Tiền Phong xem lại những khoảnh khắc ở giải U23 Đông Nam Á 2022. (Ảnh: Minh Lý)
Đáng buồn là đến SEA Games 31, Thịnh hết may. “Sau giải U23 Đông Nam Á em đã rất hào hứng nghĩ về kỳ SEA Games diễn ra trên sân nhà”, cậu nói, “Đen đủi thay, trận Cúp Quốc gia giữa CAND gặp Hà Nội trên sân Hàng Đẫy em bị rách cơ đùi. Ban đầu kết quả cho thấy chỉ là vết rách nhỏ. Cũng tại em, nôn nóng muốn trở lại sớm nên xin vào tập khiến nó rách to hơn. Thêm buổi tập nữa thì rách hoàn toàn cơ đùi. Thôi xong rồi, em nghĩ”.
Sau đó là những giọt nước mắt, sự đau khổ? Không. Ai khác chứ không phải Thịnh. Cậu chưa bao giờ nghĩ khoảnh khắc ấy là tồi tệ nhất. Trước đây năm 11 tuổi, Thịnh còn suýt tan mộng cầu thủ khi bị Viettel loại, nhưng cậu vẫn không cho rằng đó là sự kết thúc. Quang Thịnh nói với sự già dặn đáng ngạc nhiên: “Trong cuộc đời, đôi khi chúng ta sẽ gặp phải chuyện này chuyện kia, có lúc lên cũng có lúc xuống. Vì không thể tránh khỏi, cách tốt nhất là sẵn sàng đón nhận tất cả. Thất bại, chiến đấu và trở lại là những nấc thang của sự phát triển”.
Khi U23 Việt Nam tham dự SEA Games 31, Thịnh cùng những cầu thủ U23 khác tập luyện cho giải U23 châu Á diễn ra vào tháng 6/2022. Mỗi tối cậu vẫn ngồi xem các đồng đội đá, ôm đầu sau mỗi pha bỏ lỡ cũng như nhảy lên ăn mừng khi đội nhà giành tấm huy chương Vàng. Thịnh vui cùng niềm vui của mọi người và hãnh diện với các đồng đội. Tuy nhiên, sâu thẳm là sự tiếc nuối vì đã không có mặt ở đó, không thể là một phần của chiến tích ở Mỹ Đình.
Theo Quang Thịnh, thất bại, chiến đấu và trở lại là những nấc thang của sự phát triển. (Ảnh: Sơn Tùng)
3. Cuộc sống vẫn tiếp tục. Bóng đá cũng vậy. Thịnh biết mình vẫn đủ tuổi dự SEA Games 32, để rồi nung nấu quyết tâm trở lại và giành lấy chiến thắng mang tên mình.
Mặc dù vậy, đó là một hành trình dài. Quang Thịnh sẽ phải tiếp tục học hỏi, tiếp tục nỗ lực và trưởng thành. Cậu không được phép ngừng lại. “Động lực thúc đẩy em là gia đình, những người luôn dõi theo, ủng hộ và muốn nhìn thấy em thành công”, Quang Thịnh chia sẻ, “Ngoài ra em cũng đang gánh vác giấc mơ chung của anh và em trai. Anh của em thường nói, nhà có ba anh em, đứa nào cũng muốn trở thành cầu thủ, vậy mà mỗi Thịnh làm được, vì vậy phải cố gắng, coi như thay phần hai đứa còn lại, thắp lên giấc mơ của cả ba”.
Ước mơ được hình thành vào năm 2011, khi Thịnh mới 10 tuổi. Xem trên TV thấy thông tin Viettel sẽ về Hải Phòng tuyển sinh, cậu vội vàng xin bố mẹ đến dự tuyển. Tuy nhiên bố mẹ lại không cho, vì muốn cậu con trai chuyên tâm vào học hành để có tương lai ổn định. Ham thích quá, cuối cùng Thịnh xin bác đưa đi, thậm chí còn mang theo cậu em sinh đôi theo.
"Ban đầu em đá tiền vệ phải, sau chuyển vào chơi tiền vệ trung tâm. Được một thời gian, thầy Long ở lò đào tạo CAND nhận thấy em có những phẩm chất phù hợp và thể hình tốt để đá trung vệ. Thầy đã khai sáng em ở vị trí mà em thấy phù hợp và hứng thú. Ở trung tâm hàng thủ, em cảm thấy mình rất quan trọng, là tấm lá chắn cuối cùng trong hệ thống phòng ngự. Trên sân em thường nói rất nhiều để sắp xếp hàng thủ, đảm bảo cự li đội hình, khiến các đồng đội phàn nàn mày nói nhiều quá ", Trần Quang Thịnh.
Vài ngày sau có giấy báo trúng tuyển gửi về nhà, lúc ấy Thịnh đang... trèo cây vặt xoài. Kết quả, mình Thịnh trúng tuyển, cậu em thì không. Biết ngăn cũng chẳng được, bố mẹ đổi giận thành mừng, tổ chức liên hoan gia đình trước khi Thịnh lên Hà Nội.
Khi Thịnh nghĩ rằng đã tiến gần hơn đến giấc mơ trở thành cầu thủ, thì ôi thôi, tất cả tan vỡ. Sau khi tập luyện được 1 năm, vào một ngày Thịnh bất chợt thấy bố mẹ xuất hiện đột ngột ở Trung tâm. Ngỡ hai người lên thăm, chưa kịp vui thì bố mẹ bùi ngùi bảo cậu thu dọn đồ đạc. Viettel cho biết Thịnh không đạt yêu cầu chuyên môn, thông báo gia đình lên đón về.
Một lần nữa Quang Thịnh khiến tôi ngạc nhiên khi nói rằng “không sốc theo kiểu đó là ngày tận thế”. “Phần vì lúc đó em còn trẻ con, mới 11 tuổi, phần vì em hiểu trong bóng đá, sự cạnh tranh, thanh lọc rất khắc nghiệt. Năm ấy 25/33 cầu thủ thuộc lứa đó bị loại. Bị đào thải là chuyện đương nhiên, thậm chí còn là điều nhỏ nhặt nhất trong bóng đá”, Thịnh nói.
Những khoảnh khắc vui vẻ của Quang Thịnh, người luôn lạc quan trước mọi hoàn cảnh. (Ảnh: Minh Lý)
4. Vì vậy, Thịnh về nhà, tiếp tục cắp sách đến trường và tham gia các giải phong trào. “Giấc mơ khép lại, em đã tính nghỉ bóng đá”, Thịnh chia sẻ, “Vậy mà cái duyên vẫn còn. Một người chú giới thiệu thử việc ở lò CAND, em xin bố mẹ đi lần nữa”.
Trúng tuyển. Thịnh tự nhủ không thể quay đầu lần nữa, phải quyết tâm làm hết sức mình để có thể trụ lại. Và cậu tập đêm ngày, học hỏi, lắng nghe những chỉ bảo của các thầy ở lò đào tạo CAND và cả anh trai.
“Anh trai là người có ảnh hưởng lớn nhất trong sự nghiệp của em. Tuy đá bóng không giỏi nhưng yêu thích và tìm hiểu sâu về bóng đá, anh luôn dõi theo mọi hoạt động, xem mọi trận đấu, sau đó đưa ra những gợi ý, lời khuyên để em khắc phục các điểm yếu, cải thiện bản thân. Chính vì thế, mỗi khi kết thúc một trận đấu, em luôn có thói quen gọi điện cho anh”, Thịnh nói, trước khi xúc động nhớ lại kỷ niệm nhớ mãi của hai anh em.
“Thời em đang tuổi ăn tuổi lớn, đôi khi suất cơm trong đội không thể lấp đầy bụng, may nhờ có anh cuối tuần lại đón ra, hỏi thích ăn gì rồi nấu nướng cho ăn. Rồi một ngày mùa đông, anh đến sân xem đội tập nhưng không thấy em đâu, hốt hoảng vào khu ký túc. Đi qua dãy phòng tối om và đống giày hôi hám, anh cất tiếng gọi. ‘Em ở đây’, em thều thào nói. Anh bước vào, thấy em trai nằm đó một mình, ốm đau không thuốc, vội tiến lại ôm lấy em, và nước mắt cả hai cứ thế trào ra”.
Sau này anh trai viết câu chuyện đó trên facebook. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày ấy Thịnh đều chia sẻ lại để nhắc nhở bản thân về quãng thời gian khó khăn đã qua. “Nhiều lúc mệt mỏi em tự nhủ lòng, mình đã cố gắng đi được tới đây rồi, giờ mà từ bỏ thì bỏ phí hết bao nhiêu năm trời cố gắng, không chỉ công sức của bản thân mà của cả những người khác”, Thịnh nói.
Thịnh nói, gia đình chính là động lực để chiến đấu và không từ bỏ. (Ảnh: Sơn Tùng)
5. Bây giờ cũng vậy. Sau khi lên V-League và đổi tên thành Công An Hà Nội (CAHN), đội bóng của Thịnh chiêu mộ hàng loạt ngôi sao đình đám. Điều này đồng nghĩa không gian của các cầu thủ trẻ bị thu hẹp. Năm ngoái ở giải hạng nhì 2022, Thịnh thi đấu 12 trận. Sang mùa này, cậu vẫn chờ đợi ngày ra mắt V-League.
“Việc các cầu thủ mới gia nhập CAHN giúp nâng cao chất lượng đội bóng, đồng thời áp lực cạnh tranh cũng gia tăng”, Thịnh cho biết, “Tuy nhiên đây chính là động lực để phấn đấu, cũng là dịp may hiếm có khi được tập luyện và học hỏi từ các đàn anh. Các anh lớn trên đội tuyển đều rất gần gũi, sẵn lòng hỗ trợ đàn em. Sau một khoảng thời gian tập cùng, em cảm thấy như được nâng trình. Cũng giống như giai đoạn tập trung hồi tháng 3, khi U23 tập cùng ĐTQG, xong mỗi buổi tập em tưởng như mình trở thành một con người mới, tự tin hơn hẳn”.
Nhân nói đến tuyển, từng tập luyện dưới sự dẫn dắt của HLV Philipe Troussier (thời U19), Quang Thịnh đã rất vui khi nhận được tin thầy quay lại Việt Nam và nắm đội tuyển.
Quang Thịnh cùng đồng đội ở U22 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Phillipe Troussier chuẩn bị cho SEA Games 32. (Ảnh: VFF)
“Triết lý của thầy Philippe rất rõ ràng. Thay vì đuổi theo bóng, phải học cách kiểm soát bóng, hình thành tư duy nhận bóng, chuyền bóng, qua đó kiểm soát trận đấu và ‘chơi với bóng’. Trên sân tập, thầy chú ý đến từng chi tiết, khắt khe ngay cả những điều nhỏ nhặt và đòi hỏi tiêu chuẩn cao ở mọi khía cạnh, từ kỷ luật, kỹ thuật đến chiến thuật. Thầy nói thẳng, tập luyện gian khổ, quen với áp lực cao thì thi đấu mới dễ dàng. Chính vì thế trên sân tập, ai cũng nghiêm túc và nỗ lực hết mình. Ngoài ra, thầy cũng luôn nhấn mạnh về tình đoàn kết và xây dựng tính tập thể”.
“ Khi biết Việt Nam chung bảng với Thái Lan tại SEA Games 32, em cũng như các đồng đội đều không lo lắng, chỉ có sự phấn khích. Thầy Philippe Troussier từng hỏi cả đội: một là thắng Thái, hai là dự World Cup, các cậu chọn cái nào? Câu trả lời của em là đánh bại người Thái, sau đó đi World Cup ”, Trần Quang Thịnh.
“Tại Doha Cup 2023, thua cả 3 trận khiến ai cũng buồn, mà lại là giải ra mắt của thầy Philippe. Nhưng thầy nói không có vấn đề gì, đừng lo lắng, rồi ra vỗ vai, ôm từng người một. Thầy nhắc nhở đây chỉ là giải tập huấn và mang tính thử nghiệm. Chúng ta nên nhìn xa hơn, hướng đến những mục tiêu lớn như World Cup 2026 hay Olympic 2028.
Quang Thịnh cùng các cầu thủ U22 Việt Nam quyết tâm đạt thành tích cao ở SEA Games 32 trước khi hướng đến những mục tiêu cao hơn. (Ảnh: Sơn Tùng)
Bản thân em nghĩ rằng thất bại là một phần của thành công, phải bứt khỏi nỗi buồn và coi đó là bài học cho chặng đường phía trước. Sau giải ấy, em tự thấy phải tập luyện nhiều hơn, cố gắng mỗi ngày nâng cao thể trạng và sẵn sàng cho các thử thách mới”.
“Các anh em trong đội cũng động viên, bảo ban nhau, quyết tâm đạt thành tốt ở SEA Games 32. Lợi thế là phần lớn mọi người đã quen với triết lý của thầy Phillipe, hiểu cách chơi cũng như cách vận hành hệ thống. Bây giờ giống như ôn lại bài, chỉ cần thời gian để tạo dựng sự gắn kết, chiến thắng sẽ đến với đội tuyển”.
Năm ngoái tại Campuchia, Quang Thịnh đã khiến tất cả phải tự hào. Bây giờ trở lại chính mảnh đất ấy, hy vọng chiến công khác sẽ được viết ra. Nhưng tạm thời trung vệ của CAHN không nghĩ quá xa. “Mục tiêu trước mắt của em chỉ là trụ lại danh sách cuối cùng dự SEA Games 32, đồng thời quyết tâm có suất đá chính. Chúng ta phải chiến đấu hết sức mình, và từng bước một”, Quang Thịnh nói.
Trả lời phỏng vấn trong buổi tập của tuyển U22 Việt Nam ngày 20-4, trung vệ Trần Quang Thịnh cho biết gặp áp lực khi tranh suất tham dự SEA Games 32 nhưng cũng khẳng định không...
Nguồn: [Link nguồn]