HLV Hữu Thắng đâm lao sẽ phải theo lao
HLV Hữu Thắng chấp nhận gạt nhiều cầu thủ có phong độ cao ở V-League 2016 để trao cơ hội cho quân bầu Đức. Vậy đây có phải sự lựa chọn hợp lý của vị thuyền trưởng xứ Nghệ?
Phong độ là thứ yếu
Hiếm khi nào mà việc lên danh sách triệu tập vào ĐTVN lại nhận được nhiều sự chú ý như thời điểm vừa qua, dù đội tuyển chỉ hội quân để đá vài trận giao hữu. Những tranh luận nổ ra xung quanh hai vấn đề, một là có nên gọi bộ ba Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường lên tuyển, hai là có nên gọi cầu thủ nhập tịch. Quyết định cuối cùng của HLV Hữu Thắng điền tên bộ ba HAGL đang thi đấu ở nước ngoài và “đóng cửa” với cầu thủ nhập tịch.
HLV Hữu Thắng
Việc bộ ba “gà cưng” của bầu Đức chỉ tập chay ở nước ngoài, vài tháng không được ra sân vẫn nghiễm nhiên có suất trên tuyển chắc chắn khiến nhiều cầu thủ đang thi đấu tại V-League không hài lòng. Họ nỗ lực chiến đấu với cái đích là khoác áo tuyển nhưng không được đền đáp. Cộng thêm gần chục cái tên gốc xứ Nghệ, nói không ngoa khi ĐTVN giờ chỉ là công tức SLNA + HAGL.
Trên thế giới, việc HLV lựa chọn đội hình dựa trên nền tảng một, hai CLB không phải hiếm. ĐT Tây Ban Nha trụ cột thuộc về Barca, Real; ĐT Đức với nòng cốt từ Bayern, Dortmund; ĐT Italia lấy Juventus làm trung tâm hay ĐT Anh lần này xây dựng lối chơi quanh những con người của Tottenham, Leicester. Thế nhưng, nhìn một lượt có thể thấy những CLB này đều đang thống trị giải quốc nội và hoàn toàn xứng đáng được lấy làm thước đo cho đội tuyển.
Ngược lại, Hải Phòng, đội bóng chơi ấn tượng nhất V-League từ đầu mùa chỉ có hai cái tên lên tuyển đợt này. Không nói ra thì ai cũng biết Văn Thắng hay Văn Lâm chỉ dự bị. Hoàng Vũ Samson, cầu thủ nhập tịch đang dẫn đầu danh sách Vua phá lưới cũng chẳng được đoái hoài dù hết lần này tới lần khác bày tỏ nguyện vọng khoác áo ĐTVN. Trong khi đó, SLNA và HAGL, hai đội đứng top cuối bảng xếp hạng V-League 2016 chiếm tới 9 suất, hầu hết trong số đó sẽ đá chính.
Trao đổi với Báo Giao thông, HLV Hữu Thắng nói ông lựa chọn những con người phù hợp nhất với lối chơi đang xây dựng tại đội tuyển. “Tôi nhận thấy thời điểm hiện tại những con người tôi chọn là phù hợp với kế hoạch của mình. Nếu chọn một cầu thủ phong độ rất cao nhưng không phù hợp thì cũng rất khó triển khai lối chơi”.
Cẩn thận sóng ngầm
Nói như HLV Hữu Thắng, cầu thủ dù không được ra sân, dù phong độ thấp nhưng nếu phù hợp thì vẫn có suất “ăn cơm tuyển”. Vậy những cầu thủ còn lại, những người đang chơi rất hay như: Hoàng Vũ Samson (Hà Nội T&T), Văn Phú, Xuân Hùng, Văn Nhiên, Xuân Việt (Hải Phòng), Hải Huy (T.Quảng Ninh) hay Duy Long (Sài Gòn) sẽ nghĩ gì và liệu còn động lực để phấn đấu.
HLV Hữu Thắng đủ khôn ngoan để hiểu những gì mình đang làm nhưng ông không có lựa chọn. HLV Toshiya Miura từng bị chỉ trích quá nhiều khi hướng đội tuyển đá theo phong cách cơ bắp, khô cứng. Ông muốn tránh vết xe đổ của người tiền nhiệm nên ngay từ đầu đã nhiều lần tuyên bố sẽ xây dựng lối chơi cho ĐTVN trên nền tảng kỹ thuật, bóng nhỏ và phối hợp nhóm.
Cũng chính vì định hướng này HLV Hữu Thắng buộc phải lựa chọn những cầu thủ được đánh giá cao ở khả năng kỹ thuật của HAGL. Dường như HLV Hữu Thắng đang chấp nhận “đánh bạc” với chính những lựa chọn vừa đưa ra, nhằm hướng đội tuyển theo triết lý tiki-taka.
uy vậy, giữa mong muốn và thực tế lại cách xa nhau. Chỉ có điều, HLV Hữu Thắng đã đâm lao thì sẽ phải theo lao. Cựu thuyền trưởng SLNA không có cách nào khác là phải xây dựng được lối chơi nhuần nhuyễn, nhịp nhàng cho đội tuyển. Khi đó, những ý kiến bàn ra tán vào sẽ tự dưng biến mất. Ở chiều ngược lại, nếu ĐTVN chơi thiếu bản sắc, nhạt nhòa, HLV Hữu Thắng sẽ xử lý ra sao bởi nhiều khả năng sẽ có những cơn sóng ngầm ở tuyển.
Về vấn đề này, HLV Hữu Thắng cho hay mình luôn làm việc với tinh thần cầu thị và sẵn sàng thay đổi: “Tôi không phải là người cực đoan, tôi luôn luôn cầu thị và sẵn sàng lắng nghe mọi góp ý. Vì vậy, nếu cảm thấy cần có sự điều chỉnh hay thay đổi về con người hoặc lối chơi tôi sẽ thực hiện, kể cả việc gọi cầu thủ nhập tịch. Trước mắt, tôi sẽ tập trung hoàn thiện lối chơi cho đội tuyển và không đặt nặng kết quả”.