Hỉ, nộ, ái, ố sau một mùa chuyên nghiệp
Thời ông Trần Bảy làm Trưởng BTC giải, ông hay nói: “Thành công của tôi sau mỗi mùa giải là tìm ra được nhà vô địch và đuổi được số đội xuống hạng theo yêu cầu”. Phát biểu của ông Trần Bảy từ thời bóng đá bao cấp đến nay còn nguyên giá trị…
Từ khi ông cựu Trưởng Bộ môn bóng đá Tổng cục TDTT và cũng là cựu Tổng thư ký VFF Trần Bảy phát biểu câu trên đến nay đã gần 30 năm nhưng lạ là vẫn đúng với ngữ cảnh của bóng đá Việt Nam thời chuyên nghiệp ở tuổi 13. Điều đó cũng có nghĩa phải xem lại cách làm bóng đá giữa hai giai đoạn thời xa xưa với hình thức bao cấp mỗi đội bóng đại diện cho một địa phương, một ngành và hiện tại với cái vỏ chuyên nghiệp mỗi đội bóng phải theo cơ chế của một doanh nghiệp.
Thời ông Bảy, ông từng phải xách cặp-táp bay ra bay vào theo lộ trình Đà Nẵng – Hà Nội – Đà Nẵng chỉ để thực hiện một điều: Thuyết phục Cục quân huấn chỉ đạo cho đội Thể Công (đã lỡ ký đơn tẩy chay giải) phải ra sân thi đấu. Ông Bảy kể lại rằng hồi đó không có ông thì khối người chết vì ai bỏ giải chứ Thể Công mà bỏ thì giải sẽ chẳng ra thể thống gì.
Và đúng là chỉ có ông Bảy mới làm được điều đó khi ông ngồi với lãnh đạo Cục Quân huấn và bày ra mẹo để đội bóng tồn tại, không xuống hạng mà vẫn không bị kỷ luật… Cuối cùng, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Cục Quân huấn hồi bấy giờ, những thành viên của đội Thể Công tham gia vào việc ký đơn tẩy chay giải đều bị thay, và với ban lãnh đạo mới, đội Thể Công ra sân đá trận cuối với Hải Quan, rồi nghiễm nhiên trụ hạng đẩy 4 đội bóng bắt tay với Thể công tẩy chay giải xuống hạng đúng như điều lệ năm đấy xuống hạng 4 đội.
Dài dòng chuyện thời ông Trần Bảy để trở lại với chuyện thời bóng đá chuyên nghiệp bây giờ, những nhà lãnh đạo cũng tìm cách thuyết phục và “vẽ đường cho hươu chạy” để mong XMXT Sài Gòn không bỏ giải.
XMXT Sài Gòn bỏ giải bây giờ và chuyện Thể Công bỏ giải năm 1995 hoàn toàn khác nhau về bản chất.
Nhưng câu chuyện XMXT Sài Gòn bỏ giải bây giờ và chuyện Thể Công bỏ giải năm 1995 hoàn toàn khác nhau về bản chất. Hồi đấy 5 đội bắt tay bỏ giải vì sợ xuống hạng cũng có nhưng cái chính là vì muốn chống lại một Ban tổ chức giải với thành phần toàn những thành viên ở phía Nam và Văn phòng VFF hồi đấy chỉ nổi đình nổi đám với hoạt động ở phía Nam (Văn phòng 2 đặt tại sân Thống Nhất, TP HCM). Nói như một nhân vật có cỡ của Thể Công hồi đấy là “Chúa đã vào Nam”. Còn bây giờ, chuyện XMXT Sài Gòn bỏ giải lại là chuyện của ông chủ một đội bóng làm bóng đá theo kiểu thời thế rồi túng quá nên chỉ chờ có một cái cớ là bỏ giải. Cũng cần biết là XMXT Sài Gòn từng 3 lần đổi tên đội bóng trong đó có những lần đã bán cổ phần đội bóng, nhưng rồi bất thành và thế là quay về với anh em nhà bầu Thụy.
Cái cách làm bóng đá mà ngay từ hạng Nhất đã mua một rừng sao ngoại, sao nhập tịch và sao tuyển thủ và chỉ chăm chăm vào “bắt quân” không lo tuyến trẻ, không có sân riêng và cũng không có tính truyền thống, nhưng vẫn được xem và được công nhận là chuyên nghiệp. Để rồi khi chán, ngán và đuối với số tiền hàng năm lũy tiến lên cùng nhiều khoản nợ cầu thủ lẫn đơn kiện thì ông chủ đội bóng bỏ giải và bỏ đội rất “chuyên nghiệp”.
Tôi thấy nực cười khi những nhà điều hành bóng đá lo lắng và “chạy” đủ kiểu để mong ông chủ đội bóng này đừng bỏ giải. Cười vì họ hiểu rất rõ bản chất của việc làm bóng đá của XMXT Sài Gòn, nhưng vẫn cố níu kéo bởi không muốn giảm số lượng đội chuyên nghiệp mà nghị quyết VFF đặt ra mùa 2014 phải là 14 đội (!?).
Mùa giải 2013 khép lại bằng chức vô địch trên sân nhà của Hà Nội T&T, nhưng có ai thấy chạnh lòng với sân bóng mở cửa tự do mà khán giả rất hờ hững?
Sự hờ hững không phải vì người hâm mộ không thừa nhận Hà Nội T&T vô địch mà vì họ mất niềm tin thật sự với bóng đá Việt Nam, với cách điều hành và cách tồn tại của nhiều đội bóng khoác lên chiếc áo chuyên nghiệp.
Hỏi những nhà điều hành bóng đá Việt Nam đâu là giá trị thật của bóng đá nước nhà cho một giải đấu được tự phong là số 1 Đông Nam Á thì không ai trả lời được.
Đã có bao giờ những nhà làm bóng đá tự kiểm điểm rằng tại sao bấy giờ những nhà tài trợ chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay trong đó có những đơn vị tài trợ vì mối quan hệ hơn là vì thương hiệu của bóng đá nước nhà?
Bây giờ thì nhiều người không dám định giá trị thật của bóng đá Việt Nam, dù hàng năm cả nghìn tỷ vẫn được ném qua cửa sổ nhưng mặt bằng đội tuyển và đội U23 vẫn rất thấp.
Điều đáng sợ và đáng lo nhất bây giờ là mọi người vẫn bình thường hóa chuyện hỉ, nộ, ái, ố sau một mùa giải để bước vào giải mới lại vẫn là cách làm cũ với vẻ hình thức như thời bao cấp nhưng được mạ lên lớp áo chuyên nghiệp và 1001 cách tiêu tiền mà không kiếm ra được tiền.
Có ai nghĩ đến chuyện một mai nếu bầu Hiển chán bóng đá như bầu Thủy, bầu Thụy trong khi các ông bầu từng bỏ bóng đá với lời hứa chờ khi nào bóng đá tử tế rồi quay lại vẫn dài cổ vì không tìm thấy sự tử tế?