‘Hãy quên đi và tiến lên phía trước!’
Đó là khẩu hiệu của bóng đá Thái Lan và được chính những CĐV Thái Lan chia sẻ ngược lại với thất bại của bóng đá Việt Nam.
Thực chất cảm giác này người hâm mộ Thái Lan đã nhấm nháp trong vòng một thập niên kể từ khi bóng đá Thái Lan mất ngôi vương Đông Nam Á cho đến khi họ tìm lại tại SEA Games 2013 với chức vô địch. Trong khoảng thời gian đó, bóng đá Thái Lan sửa lại phiên bản Thai-League cùng với việc tất cả CLB tập trung vào nguồn đào tạo trẻ và các CLB gắn liền với các học viện của mình và nhiều học viện khác mở ra.
Người Thái đã làm được hành động “hãy quên nó đi và tiến lên phía trước”. Họ nhìn thẳng vào những tồn tại của các CLB của mình, phiên bản lỗi của Thai-League đầu tiên rồi sau đó sửa và làm lại tận gốc. Hẳn chúng ta còn nhớ với một nền bóng đang phát triển nhưng phiên bản trước của Thái Lan lỗi nặng nhất là việc mở “quota” quá rộng cho ngoại binh, mỗi CLB đăng ký bảy ngoại binh, ra sân năm, tỉ lệ 7/5.
Bóng đá Việt Nam cần học hỏi Thái Lan
Điều này đã bóp chết cơ hội ra sân của cầu thủ nội. Kết quả là khi đội tuyển tập trung, tuyển Thái Lan rất ốm yếu… Rồi các CLB lại chủ yếu trông chờ vào ngoại binh mà bỏ lơ công tác đào tạo trẻ.
Phiên bản này tồn tại vài năm lập tức tác động cực xấu lên tuyển và cuối cùng phiên bản Thai-League khác ra đời. Nhưng điều quan trọng là cái gốc đào tạo trẻ, ngoài việc mỗi CLB đều có trung tâm đào tạo trẻ, học viện thì mọi công tác liên quan đến bóng đá như tổ chức sự hoạt động bài bản của cổ động viên, xây dựng lực lượng cổ động viên chuyên nghiệp đều được hành động một cách quyết liệt và bài bản.
Bóng đá Thái Lan trong thời điểm lạc lối chừng một thập niên cũng trảm hàng chục HLV từ trong nước đến nước ngoài như Siegfried Held, Peter Reid, Bryan Robson, Carvalho, Wilfried Schafer… nhưng chả giải quyết được gì cho đến khi có những cuộc cách mạng làm bóng đá chuyên nghiệp từ CLB đến chất lượng của Thai-League mà người đứng đầu là những vị lãnh đạo của LĐBĐ nước này khởi xướng và hành động quyết liệt.