Hãy để U19 Việt Nam được “nếm đòn”
Có bao nhiêu người quan tâm đến đội Olympic Việt Nam trước khi ASIAD 2014 khởi tranh? Nếu Mạc Hồng Quân và đồng đội không bất ngờ quật ngã “gã khổng lồ” Iran, có bao nhiêu người buồn quan tâm đến sự tồn tại của một đội bóng khác của Việt Nam không phải là U19?
“Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Chúng ta thương U19 Việt Nam, nhưng lại rót vào tai họ quá nhiều mật ngọt.
Chúng ta nâng các em nhỏ lên tầm cao quá mức so với thực tại. Có người so sánh những Công Phượng, Đông Triều, Tuấn Anh… với thế hệ đàn anh Hồng Sơn, Huỳnh Đức… đã là quá rồi, đằng này nhiều người mơ mộng nâng tầm họ lên Messi, Ronaldo, Oezil. Trong một trận đấu Champions League mà tôi theo dõi, người BLV nổi tiếng nhất Việt Nam còn so sánh pha đi bóng của Immobile với... Tuấn Anh. Nghe xong, tôi đã thấy… choáng.
Nếu muốn trở thành ''ngọc sáng'' những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... cần được mài dũa tại V-League
U19 Việt Nam đá hay, đá đẹp, mang lại nhiều cảm xúc cho người hâm mộ, hẳn rồi. Nhưng nên nhớ đấy chỉ là một “đứa con” trong rất nhiều “đứa con” của đại gia đình bóng đá Việt Nam.
Chúng ta còn có đội Olympic đang dự ASIAD 17, đội tuyển Việt Nam sẽ dự AFF Cup vào tháng 11 tới đây. Kênh Fox Sports thậm chí đã làm cả một phóng sự về đội tuyển Việt Nam khi hỏi Lê Công Vinh về mục tiêu của Việt Nam vào tháng 11 tới. Bao nhiêu người quan tâm đến điều đó, hay họ chỉ chú ý đến U19?
Trước những ý kiến đưa lứa cầu thủ U19 lên đá V-League, ngay cả những người can gián cũng đưa ra những lý lẽ rất buồn cười.
Họ cố tình quên mất là Lionel Messi lên đội một Barcelona khi mới 17 tuổi. Ajax Amterdam từng vô địch Hà Lan, Cúp quốc gia và Champions League với những cầu thủ 17, 18 tuổi. Raheem Sterling và Wayne Rooney được xưng tụng là niềm hy vọng số 1 của bóng đá Anh ở tuổi 18. Ngay ở Việt Nam, Phạm Văn Quyến và Phan Như Thuật được thần tượng khi mới 16, tức nhỏ hơn những Công Phượng, Tuấn Anh những 3 tuổi.
Nếu bạn sợ U19 bị tiêm nhiễm thói bạo lực, gian lận của V-League thì bạn sẽ "ủ" lứa cầu thủ này đến bao giờ? Khi họ đã 20, 23 hay 29 tuổi? Andrea Pirlo trong cuốn hồi ký đã viết: “những kẻ dàn xếp tỷ số đến tiếp xúc với cầu thủ ở Serie B, thậm chí là các đội yếu của Serie A như cơm bữa, vấn đề là bạn có đủ dũng khí để từ chối hay không?” Cái xấu xa trong thế giới bóng đá và cuộc sống không chỉ có ở Việt Nam.
U19 không đủ trình độ để đá V-League, đây là ý kiến của một nhà chuyên môn uy tín. Nhưng thì sao? Mọi cầu thủ chuyên nghiệp đều đã có lúc là một cầu thủ trẻ. Khi đội tuyển Mexico mang đội U20 dự Copa America, họ đâu có viện lý do "không đủ điều kiện dự giải".
Ngay cả ông Giôm cũng mong muốn các học trò cưng của mình được thi đấu tạiV-League
Chúng ta muốn biến U19 từ những viên ngọc thô thành những viên kim cương thì phải “quăng” họ vào thực tế. Và còn cái thực tế nào tốt hơn một đấu trường “khốc liệt” như V-League nữa?
Những người bênh vực, nâng niu U19 Việt Nam quên mất một điều là cách họ quan tâm thái quá đến "con mình" đang vô tình tạo thêm những áp lực. Bạn yêu cầu để U19 dự SEA Games thay cho U23, bạn sợ U19 bị cầu thủ V-League làm hỏng có khác gì vô tình biến U19 thành cái gai trong mắt của các đồng nghiệp lớn tuổi.
Một đứa trẻ con nhà giàu, được trang bị tận răng, được phụ huynh dẫn đến lớp tận nơi, xin giáo viên cho ngồi bàn đầu bao giờ cũng là đối tượng ganh ghét của các bạn cùng lớp. Bạn hãy nghĩ lại mà xem.
Bạn nuôi một đứa con, bạn biết xã hội ngoài kia còn những những bất công, giới truyền thông liên tục đưa tin cướp giật, bắt cóc, ô nhiễm môi trường thấy mà sợ, thức ăn bị tiêm nhiễm chất độc hại... Vậy bạn muốn nhốt con mình mãi trong nhà ư? Rồi phải có lúc bạn cho nó ra đường, cuộc sống sẽ dạy con bạn trưởng thành. Nếu nó thất bại, đấy là vì tư chất của nó vậy.
Hãy cho U19 đá V-League, hãy cho các em “nếm đòn”, thậm chí thật mạnh vào. Những khó khăn không bao giờ làm những người hùng thật sự chùn bước, nó chỉ khiến họ mạnh mẽ hơn mà thôi.