Hãy để HLV Miura có cơ hội
HLV Miura lần đầu tiên đưa U-23 Việt Nam vào vòng chung kết châu Á; đưa đội Olympic Việt Nam vào tứ kết Asiad, trong đó có trận đánh bại Olympic Iran.
Cái mất điểm nhiều nhất của HLV Miura chính là ở trận bán kết lượt về AFF Cup 2014. Từ trận thắng Malaysia 2-1 tại đất Mã (trước trận chẳng ai dám nghĩ tới) ở bán kết lượt đi nhưng lượt về đã thua rát mặt 2-4. Trận đó HLV có vẻ chậm chạp trong việc điều chỉnh hàng phòng ngự để dẫn đến những bàn thua quá chóng vánh.
Một trận đấu mà sau đó có nhiều quan chức VFF tin là nhiều trụ cột bán mình cho quỷ dữ… Rồi sau đó U-23 Việt Nam thua U-23 Myanmar ở bán kết SEA Games 28 trong một trận đấu mà U-23 Việt Nam có nhiều cơ hội hơn nhưng không tận dụng được. Từ đó HLV Miura đã bị búa rìu dư luận.
Phê phán ông Miura dở nhưng có ai nhìn ra nền tảng V-League có gì để HLV này có “bột”? Ảnh: XUÂN HUY
Gần đây nhất là trận thắng khó khăn trước Đài Loan được cho là HLV Miura bày ra một thế trận không hợp lý dẫn đến thắng khó. Dưới thời HLV Miura đội tuyển có những nét tiến bộ nhưng cũng có những điều mà ông Miura chưa hiểu hết bóng đá Việt Nam, đặc trưng của cầu thủ Việt Nam.
Thực tế bóng đá Việt Nam ở thời điểm này nếu có HLV nào thay thế HLV Miura cũng chẳng mang lại sự đột biến nào. Đông Nam Á ngoài một Thái Lan đang bứt đi, còn lại cùng một tầng với nhau cả. Thái Lan bứt đi vì họ có một giải vô địch chất lượng, còn lại Malaysia, Việt Nam, Singapore, Indonesia, Myanmar vẫn thế thôi.
Vấn đề sâu xa nhất là lỗi hệ thống, trong đó phần lỗi lớn nhất là những người điều hành VFF chẳng có chiến lược gì cả và thậm chí là còn “lật kèo” lên nghị quyết VFF như bầu Đức đã “bật mí”.
Mỗi CLB cấu thành nên nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam có thực sự chuyên nghiệp hay không? Tư cách cầu thủ ra sân, các ông bầu, trưởng đoàn, công tác đào tạo chỉ mang dáng dấp nghiệp dư… vậy thì làm sao có một đội tuyển mạnh được.
Phê phán ông Miura dở thì coi lại ông ấy có những gì để có thể tạo ra một đội tuyển mạnh.