Hậu trường MU: Ibra "bệnh sao" & bãi đỗ xe Rolls-Royce
Chẳng nói chẳng rằng, Ibrahimovic cùng vợ xách hành lý rời khỏi khách sạn 5 sao được Man United sắp xếp chỉ vì nó... không có hồ bơi. Cách xử trí thiếu tinh tế ấy khiến Ibra bị nhiều người chỉ trích là mắc bệnh ngôi sao.
Nhưng như một câu nổi tiếng trong lời bài hát, “Con chim quý phải ở lầu son”, Zlatan Ibrahimovic là một ngôi sao hàng đầu thế giới. Anh tài năng, anh nổi tiếng, anh giàu có thì anh có quyền chọn chỗ ở ưng ý nhất. Như Ibra từng tuyên bố hùng hồn khi ở PSG: Nếu không thoải mái tại Paris, anh sẽ mua hẳn một khách sạn để được phục vụ.
Ibra có cá tính khác người
Tiền không đủ mang lại niềm vui
Dĩ nhiên Ibra có thể miễn cưỡng nhận chiếc xe cũ từng được HLV Van Gaal sử dụng, nhưng anh cũng có quyền không chấp nhận miễn cưỡng về vấn đề chỗ ở. Và đó là vấn đề không chỉ của riêng anh mà còn của cả gia đình, gồm cô vợ xinh đẹp Helena Seger và 2 cậu con trai.
Chỉ một câu chuyện tưởng như đơn giản nhưng có thể khái quát hóa thành một vấn đề lớn của bóng đá hiện đại: các CLB có thể chi cả trăm triệu đô để mua một ngôi sao và hàng chục triệu đô trả lương mỗi năm nhưng lại không giúp đỡ ngôi sao ấy hòa nhập. Nó cũng giống như chuyện một đại gia chi vài trăm nghìn đô mua siêu xe Rolls-Royce nhưng ném nó vào một bãi đỗ tầm thường, bên cạnh những chiếc xe xoàng xĩnh.
Chuyển đến một môi trường mới đồng nghĩa với toàn bộ cuộc sống bị đảo lộn, không chỉ với bản thân cầu thủ mà còn với hôn thê của anh ta cùng các con (đôi khi vấn đề của vợ con gây ức chế cho cầu thủ hơn vấn đề của bản thân anh ta).
Họ cần chỗ ở ưng ý, cần trường học cho các con, cần những nhà hàng hợp khẩu vị, cần giáo viên ngoại ngữ, cần được giúp đỡ để hòa nhập với môi trường mới... Nhưng các đội bóng như Man United lại trợ giúp có vẻ một cách qua quýt.
Jose Mourinho đã là HLV trưởng của MU được hơn 2 tháng nhưng cho đến giờ ông và gia đình vẫn phải ở khách sạn. Khách sạn - dù xa xỉ đến đâu - cũng không phải chỗ định cư lâu dài. Cùng chung đời sống tạm bợ như thế còn có các tân binh Bailly, Mkhitaryan và Ibra.
Khách sạn là nỗi ám ảnh
Thực ra không chỉ đến khi Ibra khuân đồ đạc rời khách sạn, MU hay các CLB Anh nói chung mới bị chê trách vì thiếu quan tâm đến đời sống cầu thủ. Năm 1961, George Best khi mới 17 tuổi đi tàu từ Bắc Ireland đến Liverpool thử việc, không một ai đáp lại anh. Best chuyển sang MU, anh được nhận nhưng phát ngán chỉ sau 2 ngày bởi sự thờ ơ từ đội bóng.
“Tôi muốn về nhà ngay”, anh nói với CLB. Nhưng rồi Best ngẫm nghĩ lại, anh đã bỏ học nên nếu quay về sẽ thất nghiệp. Chàng trai trẻ cắn răng ở lại luyện tập. Nếu Best không đổi ý, MU có lẽ sẽ không vô địch Cúp C1 năm 1968 và Best cũng không đoạt QBV.
Năm 1996, Ruud Gullit chuyển đến Chelsea khi đã là một ngôi sao lớn. Anh được bố trí cư trú trong một khách sạn xấu xí ở ngoại ô London. Huyền thoại Ian Rush của Liverpool sau một năm ở Juventus quay trở lại đội bóng cũ cũng bị đối xử thờ ơ đến mức phải thốt lên rằng “đây như một đất nước khác vậy”.
Ibra xứng đáng là ngôi sao số 1 của MU hiện tại
Didier Drogba, cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử Chelsea đã kể về khởi đầu khó khăn khi chuyển đến London. “Tôi thấy mình giống như đi đày vậy. CLB không giúp đỡ tôi”, anh viết trong tự truyện.
Drogba không tìm được trường học cho con, gia đình anh phải sống trong khách sạn và tập làm quen với món tiếng Anh khó nhằn. Những cầu thủ ngoại khác như Gallas, Makelele không ngạc nhiên với chuyện đó. Họ hỏi: “Anh vẫn ở khách sạn giống bọn tôi phải không Didier?”
Không phải ngẫu nhiên mà các cầu thủ Brazil luôn thất bại tại Anh. Ngoài khác biệt về văn hóa bóng đá, họ luôn phải đánh vật với việc hòa nhập. Họ không biết nói tiếng Anh và hoàn toàn không quen khí hậu ẩm ướt, lạnh giá. Robinho là ví dụ tiêu biểu, anh bị đem cho Santos mượn chỉ 18 tháng sau vụ chuyển nhượng 33 triệu bảng đến Man City.
Điều đáng chú ý là trong khi MU vẫn chưa chịu thay đổi văn hóa đối xử của mình (thể hiện qua chuyện cư trú của Ibra và Mourinho) thì Man City lại đi trước họ một bước. Man xanh có vẻ đã rút ra bài học từ thất bại với Robinho nên trước khi ký hợp đồng với một ngôi sao, họ luôn chuẩn bị sẵn chỗ ở. Họ tìm hiểu gu ẩm thực của cầu thủ mới cùng bạn gái của anh ta và chuẩn bị sẵn danh sách các nhà hàng phù hợp.
Thông thường một cầu thủ ngoại đến Anh sẽ phải ở khách sạn 3 tháng nhưng với Sergio Aguero chỉ 2 tuần. Anh được trang bị một chiếc ô tô có định vị GPS bằng tiếng mẹ đẻ để tiện đi lại.
Kết quả: Aguero gần như không tốn thời gian hòa nhập, anh ghi cú đúp ngay trận ra mắt, kết thúc mùa bóng đầu tiên với 30 bàn trong đó có bàn thắng phút 90+5 trong trận cuối cùng mùa giải giúp Man City vô địch quốc gia sau 44 năm.
Video Ibra ghi bàn ra mắt MU trận gặp Galatasaray: