Hào nhoáng đồng bảng Premier League & những tấn bi kịch
Các đội bóng ở Premier League luôn “lộ liễu” chìa ra những đồng bảng hấp dẫn để thu hút cầu thủ nhưng rồi không ít lần bị mắc kẹt với họ. Balotelli và Schweinsteiger là ví dụ điển hình.
Balotteli (Liverpool) và Schweinsteiger (MU) đã được làm rõ tương lai từ sớm. Trước chuyến du đấu hè hồi tháng 7, HLV Klopp gọi Balotelli đến văn phòng và thẳng thắn rằng sân Anfield không có chỗ cho anh. Schweinsteiger cũng nhận thông điệp như vậy từ HLV Mourinho.
Balotteli và Schweinsteiger bị mắc kẹt trong chiếc lưới kim tiền Ngoại hạng Anh
Đáng lẽ với quỹ thời gian gần 2 tháng qua, Balotteli và Schweinsteiger phải hoàn tất việc tìm cho mình bến đỗ mới, ít nhất là theo dạng cho mượn. Nhưng tới hôm nay 31/8, ngày cuối của kì chuyển nhượng hè 2016, hai cầu thủ ấy vẫn chưa thấy “lối thoát”.
Siêu cò Mino Raiola đã chạy đôn đáo khắp nơi để lo liệu cho Balotelli. Ông rất mong có một CLB Serie A đưa tay cứu vớt “cậu bé hư” nhưng đến CLB nhỏ như Sassuolo cũng lắc đầu (trước đó, Milan đã ngán ngẩm đem trả Balotelli cho Liverpool từ hợp đồng cho mượn).
Nghe đâu Nice (Pháp) có ý định mượn Balotelli nhưng thông tin chưa được các bên xác nhận. Trong khi đó, Schweinsteiger thời gian qua chỉ buồn bã tập cùng đội trẻ và tới sân golf xả stress, chờ tin vui nào đó từ người đại diện mà khả năng xấu nhất là sang Mỹ dưỡng già.
Thực ra Balotteli và Schweinsteiger chỉ là 2 trong số rất nhiều cầu thủ Premier League chật vật đi tìm bến đỗ mới hè này. Nguyên nhân nào dẫn đến “tấn bi kịch” của họ? Phong độ yếu kém, cá tính? Đúng nhưng không phải là yếu tố tiên quyết.
Trên tờ New York Times, cây bút Rory Smith giật dòng tít: “Mắc kẹt trong chiếc lưới kim tiền Premier League”. Trong bài, ông phân tích: Các đội bóng Anh có truyền thống “đốt tiền” ở thị trường chuyển nhượng. Giới chủ coi bóng đá như nơi đầu tư làm ăn kinh tế mà hàng hóa mua về phải sinh lợi nhuận. Hữu ích thì khai thác tối đa mà không thì bỏ đi càng nhanh càng tốt.
Gói bản quyền truyền hình Premier League giai đoạn 2016-2019 có giá trị siêu khủng tới 8,3 tỷ bảng nên các đội bóng càng lắm tiền và điên cuồng mua sắm. Nhưng cũng vì thế họ bị rơi vào vòng luẩn quẩn. Họ chấp nhận mua một cầu thủ với giá cao ngất mà nếu là CLB ở Serie A hay Bundesliga mua thì giá chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3.
Các đội bóng Anh không ngại trả giá mua cao ngất và cũng sẵn sàng trả lương béo bở để dụ dỗ những mục tiêu cần có. Nhưng về sau khi những bản hợp đồng hoặc hết giá trị sử dụng hoặc không phát huy giá trị, có muốn ra đi cũng khó.
Làm thế nào để Schweinsteiger ở thời điểm đã 31 tuổi vẫn nhận lời gia nhập MU. Nể nang ông thầy cũ Van Gaal? Vì mức lương ngất ngưởng 245.000 bảng/tuần thì đúng hơn. Giờ, dù nhiều đội bóng Serie A muốn có tiền vệ người Đức nhưng cũng lắc đầu lè lưỡi ngay cả khi Schweinsteiger đồng ý giảm một nửa, thậm chí 3/4 lương ở MU.
Balotelli lương thấp hơn nhiều 90.000 bảng/tuần cũng còn là rào cản lớn. Liverpool rất sốt ruột muốn tống cổ chân sút người Italia nhưng khổ nỗi chẳng đội bóng nào chịu trả lương như thế trong khi Balotelli vốn lại rất bất ổn về cả tâm lý lẫn phong độ.
Joe Hart may mắn tìm được bến đỗ mới nhưng đó là nhờ Man City chịu thiệt
Hôm qua Joe Hart may mắn tìm được bến đỗ mới, CLB Torino của Serie A. Nhưng đó là nhờ Man City đã “chơi đẹp” với thủ thành 29 tuổi. Cụ thể, Torino chỉ phải trả cho Joe Hart 40% mức lương hiện tại, tương đương 55.000 bảng/tuần, còn lại Man City trả.
HLV Wenger nói: “Nhiều CLB có rất nhiều tiền và chưa mua sắm cầu thủ. Mọi người đều đang chờ đợi. Thật điên rồ. Ai ai cũng muốn ngồi lên những đồng bảng Anh”.
Trong khi Giám đốc thể thao Christian Heidel của Schalke nhận định: “Premier League mua cầu thủ quá nhiều. Họ rồi sẽ ngộp thở vì đội hình của mình và gặp khó trong việc bán cầu thủ”.