Hành trình xuất ngoại gian nan của các ngôi sao Việt
Thành công tại AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019 đã trở thành bệ phóng xuất ngoại cho nhiều tuyển thủ Việt Nam. Nhưng những gì mà Xuân Trường, Công Phượng hay thậm chí là Văn Lâm đang trải qua cho thấy giấc mơ thành danh tại nước ngoài của các cầu thủ Việt Nam vẫn còn tương đối xa xôi…
Những dấu ấn chưa như kỳ vọng
Trong số 3 tuyển thủ Việt Nam vừa chuyển ra nước ngoài thi đấu, Văn Lâm là người được trọng dụng nhiều nhất ở CLB mới. Thủ thành mang 2 dòng máu Việt – Nga này thực sự là thủ môn số 1 tại Muangthong United. Anh đã bắt chính cả 6 trận đầu tiên ở giải VĐQG Thái Lan.
Nhưng khó có thể nói là Văn Lâm đã chơi thành công, khi mới chỉ có 1 lần giữ sạch được mành lưới. Còn đội nhà thì ngụp lặn ở áp chót bảng xếp hạng. Nên nhớ Muangthong United là 1 thế lực của bóng đá Thái Lan.
Trong 10 năm trở lại đây đã có 4 lần đội bóng này vô địch Thai League, 3 lần giành vị trí á quân. Ở mùa giải năm ngoái, Muangthong United cũng cán đích ở vị trí thứ 4. Tất nhiên, sự sa sút của Muangthong United là vấn đề của toàn đội, không phải lỗi của riêng Văn Lâm.
Tuy nhiên, khi mà mục tiêu CLB khi tăng cường Văn Lâm để quyết đòi lại ngôi vương, còn thực tế thì lại đang nằm ở nhóm xuống hạng thì rõ ràng thủ môn của ĐT Việt Nam chưa đáp ứng được sự kì vọng.
Nhưng dù sao hoàn cảnh của Văn Lâm lúc này vẫn còn dễ chịu hơn rất nhiều so với 2 người đồng đội ở tuyển quốc gia Xuân Trường và Công Phượng.
Bởi ít ra Văn Lâm còn thường xuyên được làm thứ mà bất cứ cầu thủ nào cũng mong muốn: ra sân và chơi bóng. Còn số phận của Công Phượng, Xuân Trường là đầy bấp bênh. Xuân Trường đã trải qua mạch 5 trận liền không được ra sân ở Buriram United.
Trong khi Công Phượng cũng mới chỉ có trận thứ 2 được đá chính ở Incheon United và cũng chưa để lại dấu ấn gì cụ thể (chưa ghi bàn, chưa kiến tạo).
Thực tế, việc Công Phượng được sử dụng cũng có dấu ấn của may mắn, do tiền đạo số 1 của Incheon bất ngờ dính chấn thương nặng, chứ không phải vì chân sút xứ Nghệ đã thuyết phục được HLV về mặt chuyên môn.
Xuân Trường hoàn toàn thất thế trong cuộc đấu sức tại giải VĐQG Thái Lan.
Vì đâu nên nỗi?
Ở thời điểm những bản hợp đồng của Xuân Trường, Công Phượng và các CLB nước ngoài được công bố, nhiều người đã cho rằng lối đi của Xuân Trường hợp lý hơn Công Phượng. Môi trường Thái Lan sẽ vừa sức với cầu thủ Việt Nam hơn là thi đấu ở hạng đấu cao nhất của Hàn Quốc như Công Phượng. Ấy vậy mà, rốt cuộc ở Thái Lan, Xuân Trường vẫn “hụt hơi”.
Điều này cho thấy không dễ để cầu thủ Việt Nam có thể khẳng định mình ở bên ngoài biên giới. Ngoài hàng rào về văn hóa, ngôn ngữ, sự hòa nhập thì điểm yếu cố hữu của các tuyển thủ vẫn nằm ở thể lực, thể chất.
Xuân Trường hoàn toàn lép vế so với các đồng đội chơi cùng vị trí ở Buriram ở khả năng tranh chấp và sức bền, sức mạnh. Trong khi đó, theo dõi các trận đấu của Incheon United, ai cũng thấy Công Phượng khổ sở thế nào trước lối đá nhanh, áp sát liên tục, đầy sức mạnh của các đội bóng Hàn Quốc.
Có thể khi thi đấu tập thể với lối chơi biết mình, biết người, các tuyển thủ Việt Nam có thể tạo thành một đội bóng đáng gờm. Nhưng khi bị xé lẻ, phải tự “sinh tồn” trong môi trường hoàn toàn xa lạ, phải thích nghi với phong cách chơi bóng mới thì lập tức các cầu thủ của chúng ta gặp vấn đề. Những hạn chế về thể hình, thể chất lập tức bị phơi bày.
Cần lưu ý rằng những Xuân Trường, Công Phượng hay Văn Lâm đều là những cái tên phù hợp nhất để xuất ngoại. Nếu như Văn Lâm sinh trưởng ở nước ngoài thì Xuân Trường, Công Phượng cũng được đào tạo trong môi trường chuyên biệt của HAGL Arsenal JMG từ nhỏ. Những tuyển thủ này được trang bị thái độ chuyên nghiệp, khả năng ngoại ngữ tương đối tốt để có thể thích nghi với các CLB quốc tế.
Chưa kể, cả 2 cầu thủ này cũng đều đã có kinh nghiệm ra nước ngoài thi đấu. Thế nhưng, rốt cuộc họ vẫn chưa thể có chỗ đứng vững chắc. Điều đó cho thấy dù đã có những bước tiến rất dài, nhưng các cầu thủ Việt Nam vẫn chưa được phép hài lòng. Những Quang Hải, Văn Hậu… vẫn còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn tiến ra nước ngoài, chinh phục những cột mốc ở cấp CLB.
Ra sân thì thua, không thi đấu thì thắng Có một sự thật có phần cay đắng đối với các tuyển thủ Việt Nam là khi các tuyển thủ Việt Nam ra sân đội bóng thường không có kết quả tốt. Đặng Văn Lâm bắt chính toàn bộ 6 vòng đấu ở Thai League nhưng CLB Muangthong thua đến 4 trận. Buriram United không sử dụng Xuân Trường phút nào trong 5 trận gần đây nhất thì giành tới 13/15 điểm tối đa. Ở 2 vòng đấu đầu tiên khi để Xuân Trường đá chính thì CLB này chỉ có được vỏn vẹn 2 trận hòa. Tương tự như vậy, ở 2 trận mà Công Phượng đá chính vừa qua, Incheon United đều thua và đã tụt xuống bét bảng tại giải VĐQG Hàn Quốc. Tính rộng ra thì trong 5 trận Phượng được thi đấu ở Hàn Quốc thì có tới 4 lần CLB của anh thua trận. Lần duy nhất, Incheon United có được 3 điểm là khi CLB này tung Công Phượng vào sân ở phút… 90+6 và tuyển thủ Việt Nam thậm chí còn chưa kịp chạm bóng đã hết giờ. |
U23 Việt Nam sau khi chia tay đội tuyển trở về CLB đang phải đối diện với băng ghế dự bị...