Hàng hiếm!
Mùa bóng 2013 quá ít hình ảnh fair play, sự cao thượng luôn được tôn vinh trong bóng đá thế mà tại giải quốc nội lại bị xem là hàng hiếm. Thế nhưng…
Sau khi đội U-19 Việt Nam đoạt giải Fair Play tại vòng chung kết U-19 Đông Nam Á thì cuối mùa bóng 2013, HA Gia Lai cũng đoạt giải thưởng Fair Play khi có số thẻ phạt ít nhất trong mùa giải…
Danh hiệu kép đấy là tín hiệu mừng trong bóng đá Việt Nam, đặc biệt là nó được khởi đi từ lứa cầu thủ trẻ đang học chơi bóng.
Bầu Đức tưng tửng chia sẻ ông không thể dạy cầu thủ đá bóng nhưng có thể dạy cho cầu thủ mình mà đặc biệt là những cầu thủ ở học viện những bài học về ứng xử văn hóa trên sân cỏ và ngoài đời. Điều khiến nhiều người ngạc nhiên nhất là đối với một ông bầu hay nói văng mạng và thích dùng “từ đệm” ở các diễn đàn hoặc khi trả lời phỏng vấn.
Danh hiệu Fair Play xứng đáng cho các cầu thủ U-19 Việt Nam (Ảnh: ĐỨC ĐỒNG)
Ông Đức kể trước trận chung kết U-19 Đông Nam Á, ông gặp gỡ các cầu thủ trẻ và nhắc lại lời dặn dò của ông ngay từ ngày đầu bước chân vào học bóng đá: “Các cháu đừng có suy nghĩ chơi xấu đồng nghiệp, ai đá xấu thì chính bác là người “chơi” lại đầu tiên”. Và bài học vỡ lòng các cầu thủ U-19 ra sân là tập trung đá bóng chứ không đá người và cũng không cay cú.
Fair play là tiêu chí hàng đầu của thầy trò HLV Gulliume Graechen tại Hàm Rồng. Họ có được phẩm chất ấy chính nhờ cái nền và môi trường văn hóa của học viện. Sau lứa cầu thủ đầu tiên vừa tốt nghiệp THPT, giờ thì học viện bắt buộc tất cả phải tốt nghiệp ĐH để chẳng may không thể tồn tại với bóng đá chuyên nghiệp thì vẫn vững vàng trên đường đời.
Vì thế mà thầy trò HLV Gulliume Graechen ngoài trình độ học vấn, văn hóa còn thành thạo tiếng Anh và biết giao tiếp bằng tiếng Pháp.
Hy vọng bóng đá Việt Nam sẽ có nhiều ông bầu, nhiều nhà làm bóng đá yêu và thích cái đẹp trên sân cỏ cùng tinh thần cao thượng trên sân lẫn ngoài đời. Hy vọng điều mà bóng đá Việt Nam đang thiếu trên sân cỏ và cả trong ứng xử ngoài đời sẽ được chú trọng hơn để Fair Play không còn là hàng hiếm…
Fair play cả với các cầu thủ bị loại Trong khâu đào tạo có một quy luật đào thải và việc xử lý với những cầu thủ trẻ hay bị than phiền là “vắt chanh bỏ vỏ”. Nhiều phụ huynh hay than phiền con em mình khi trúng tuyển vào khóa đào tạo năng khiếu thì rất vui nhưng lúc bị đào thải hay mang mặc cảm bị bỏ bê và quên lãng. Riêng với Học viện HA Gia Lai - Arsenal JMG, khi trả cầu thủ về địa phương đã “theo” luôn khoản kinh phí trong hai năm tiếp theo để các em tránh thiệt thòi và dễ hòa nhập. Điều này cũng được chính nhiều địa phương xác nhận rằng họ yên tâm khi đưa “gà” của mình đi “học làm cầu thủ lớn”. NG.HUY |