Hai người hùng thầm lặng của U23 Việt Nam
Bác sỹ, phiên dịch viên không được xướng tên trong lễ vinh danh của U23 Việt Nam ở sân Mỹ Đình đêm 28/1...
Bác sỹ, phiên dịch viên không được xướng tên trong lễ vinh danh của U23 Việt Nam ở sân Mỹ Đình đêm 28/1 dù đóng góp không nhỏ. Nhưng họ chẳng bận tâm, họ chọn đứng sau các cầu thủ, đứng sau huấn luyện viên trưởng để làm chất xúc tác cho thành công.
Nỗi niềm... “thần y”
Gặp bác sỹ (BS.) Nguyễn Trọng Thủy trong những ngày cận Tết, anh nói hơn hai tháng rồi mới có được giây phút thư thái bên gia đình. Kể từ khi U23 Việt Nam bắt đầu tập trung, cho đến khi đội bóng áo đỏ lập kỳ tích ở Thường Châu và ngay cả khi toàn đội “vinh quy bái tổ”, anh và hai cộng sự vẫn miệt mài bám sát đội, chăm lo sức khỏe cho từng thành viên.
Đằng sau HLV Park Hang- seo luôn là trợ lý Lê Huy Khoa
Theo BS. Thủy, một ngày làm việc của đội ngũ y tế thường kéo dài từ 7h sáng hôm trước đến 2h sáng hôm sau. “Sáng sớm chúng tôi phân chia nước điện giải, protein, thuốc bổ cho các cầu thủ. Sau đó thăm khám những trường hợp chấn thương, bệnh lý. Khi đội ra sân tập, BS. phải theo sát, tập cùng nhóm cầu thủ chấn thương.
Buổi chiều lặp lại như vậy. Buổi tối, nhóm ba BS. sẽ thực hiện các biện pháp hồi phục cho cầu thủ, công việc này đặc biệt quan trọng trong những ngày diễn ra trận đấu. Ngoài ra, chúng tôi cũng hướng dẫn cầu thủ tự phục hồi. Khoảng 23h, khi các cầu thủ đi ngủ, chúng tôi họp với Ban huấn luyện để nắm giáo án ngày hôm sau. Kế đó, tổ y tế tiếp tục họp để rút kinh nghiệm, lên thực đơn...”, BS. Thủy kể lại.
"Chúng tôi không có bí kíp gì cả. Sở dĩ các tuyển thủ có thể duy trì sự bền bỉ suốt giải đấu dài là nhờ sự cố gắng vượt bậc của họ." Bác sỹ Nguyễn Trọng Thủy |
Làm việc gần như không có phút ngơi tay nhưng “thần y” ở ĐT U23 Việt Nam cho hay anh không cảm thấy mệt mỏi: “Phần vì các trận đấu gần nhau, cứ cuốn mình đi, phần vì cảm thấy tự hào, được góp sức mình cho chiến công lịch sử của đội nên ba anh em không ai bảo ai cứ miệt mài làm tốt phận sự của mình”. Nhờ sự nỗ lực của các BS., U23 Việt Nam luôn ra sân với nguồn thể lực dồi dào xuyên suốt giải đấu. Tuy vậy, khi được hỏi có bí kíp gì đặc biệt giúp cầu thủ hồi phục siêu tốc, BS. Thủy cười và đáp: “Chúng tôi không có bí kíp gì cả. Sở dĩ các tuyển thủ có thể duy trì sự bền bỉ suốt giải đấu dài là nhờ sự cố gắng vượt bậc của họ”.
Sự nhạy cảm, tỉ mỉ của BS. Thủy từng giúp U23 Việt Nam vượt qua những hoàn cảnh ngặt nghèo. Đơn cử như trường hợp chấn thương của thủ thành Tiến Dũng. Cụ thể, ở buổi tập cuối cùng trước trận gặp Syria ở lượt đấu thứ ba vòng bảng, Tiến Dũng bị đau đầu gối và gần như không thể vận động bình thường.
HLV Park Hang- seo rất lo lắng, ông gọi HLV thủ môn Nguyễn Đức Cảnh và BS. Thủy ra gặp riêng. “Trận đấu ngày mai rất quan trọng, vì thế tôi không muốn thay thủ môn. Từ giờ đến sáng mai các anh cho tôi câu trả lời Dũng có thể thi đấu hay không”, anh Thủy kể lại lời thầy Park. Sau đó, trợ lý Nguyễn Đức Cảnh nói với vị BS. : “Mọi việc do em quyết định”.
Trước tình thế đó, BS. Thủy đã dành cả buổi tối dùng các biện pháp, thủ thuật y học giúp Tiến Dũng giảm đau rồi băng bó đầu gối lại cùng lời hẹn sáng sớm hôm sau gặp nhau để kiểm tra lại. 6h30 sáng, hai người có mặt ở phòng tập gym của khách sạn, BS. Thủy yêu cầu Dũng thực hiện một bài test và chàng thủ môn quê Thanh Hóa đã vượt qua.
Trong giờ ăn sáng, “thần y” của U23 Việt Nam trả lời HLV Park rằng Dũng đủ điều kiện thi đấu và hứa chịu trách nhiệm nếu có vấn đề phát sinh. Màn đánh cược của BS. Thủy cho kết quả mỹ mãn khi thủ thành Tiến Dũng chơi xuất sắc đưa U23 Việt Nam vào tứ kết. Không những vậy, Dũng còn chơi cực tốt giúp đội nhà tiến vào tới trận chung kết.
Phải thừa nhận rằng, BS. Thủy đóng góp không nhỏ cho thành công chung của U23 Việt Nam tại giải châu Á. Tuy nhiên, không nhiều người biết và đánh giá đúng tầm quan trọng của đội ngũ y tế. Vì thế mới có chuyện, cô con gái nhỏ của anh Thủy đã hồn nhiên hỏi bố rằng: “Sao bố không được đọc tên khi vinh danh?”. “Nói thật tôi cũng có đôi chút chạnh lòng nhưng suy nghĩ đó chỉ thoáng qua. Tôi là BS. , nhiệm vụ của tôi là chăm sóc cầu thủ, HLV và đứng sau họ. Nhìn cầu thủ khỏe mạnh là sự vinh danh lớn nhất với tôi rồi. Mỗi lần ký áo tôi cũng lật mặt sau chứ không ký ở mặt trước...”.
Bác sỹ Nguyễn Trọng Thủy (trái) chọn cách đứng sau các cầu thủ
Người “phát ngôn” của HLV Park Hang- seo
Nếu như BS. Thủy là người đã từng gắn bó nhiều năm với các đội tuyển Việt Nam thì trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa mới chỉ làm việc trên vai trò trợ lý ngôn ngữ kể từ khi HLV Park Hang- seo lên nắm quyền. Anh Khoa tâm sự, sở dĩ anh thi tuyển vào vị trí phiên dịch viên cho ông Park vì rất mê bóng đá và cũng đặc biệt yêu mến lứa Công Phượng, Xuân Trường.
Theo anh Khoa, phiên dịch ở đội bóng khác rất nhiều phiên dịch trong các hội nghị, cuộc gặp vì tiết tấu cực nhanh và ngôn ngữ chủ yếu là ngôn ngữ cơ thể, ngôn ngữ hành động. “Ông Park nói giọng địa phương và lại nói rất nhanh nên để dịch chính xác 100% lời ông ấy là điều không thể. Tôi cố gắng dịch được khoảng 80% lời ông Park nhưng cái thần thái thì phải tuyệt đối chuẩn xác, như thế mới tạo được cảm hứng cho cầu thủ”, trợ lý Lê Huy Khoa chia sẻ.
Để dẫn chứng cho thông tin mình đưa ra, anh Khoa kể lại một kỷ niệm mà đến nay anh vẫn nhớ như in. Câu chuyện xảy ra vào thời gian nghỉ giữa hiệp trận bán kết với Qatar, các cầu thủ vào phòng thay đồ với bộ mặt ủ rũ. Thấy vậy, thầy Park quát lớn: “Làm sao mà phải mất tinh thần như thế hả?”. Ngay lập tức anh Khoa cũng hét lên để truyền tải nội dung nhà cầm quân Hàn Quốc vừa nói ra. “Kỳ lạ thay, cầu thủ phấn chấn hẳn, đứng dậy khoác vai nhau hứa cùng nỗ lực. Kết quả là chúng ta cầm hòa đối thủ sau 120 phút và thắng trên chấm luân lưu để vào chung kết”.
Suốt hành trình giải đấu trên đất Trung Quốc, anh Khoa luôn theo sát ông Park, đem những thông điệp, chỉ thị của vị thuyền trưởng xứ kim chi chuyển tải một cách sinh động nhất tới các cầu thủ. Không chỉ phiên dịch cho ông Park, anh Khoa cũng phải phiên dịch cho hai trợ lý là ông Lee và ông Bae. Vì lẽ đó, ngay cả bữa cơm của anh cũng thường ngắt quãng. Thấy vậy, HLV Park Hang- seo đề nghị để trợ lý ngôn ngữ ăn cơm trước toàn đội. “Chỉ riêng điều này đã thấy được ông Park rất tinh tế. Trong công việc, ông là mẫu người chính xác từng phút, nhiệt huyết và rất thương học trò”, anh Khoa nhận xét về vị thuyền trưởng U23 Việt Nam.
Nhưng cũng như BS. Thủy, anh Khoa gần như bị lãng quên trong chiến tích lịch sử của U23 Việt Nam. “Khi đội tuyển xuống sân bay, ai cũng có vòng hoa chào đón nhưng riêng tôi không có. UBND TP HCM trao thưởng cho cầu thủ đang chơi bóng ở TP HCM, trợ lý Lư Đình Tuấn nhưng tôi cũng là công dân TP HCM và họ quên luôn. Ở những cuộc trao thưởng khác cũng vậy, sự có mặt của tôi được coi là đương nhiên và chẳng ai nhớ tới mình”, anh Khoa chia sẻ với giọng thoáng buồn.
Tuy nhiên, khi người viết còn chưa kịp nói câu động viên thì vị trợ lý ngôn ngữ cho ông Park đã tự khiến mình vui vẻ trở lại: “Tôi là một phiên dịch chuyên nghiệp, xưa nay nghề này chỉ làm nền cho người khác, không được tôn vinh bao giờ. Vì thế nói tôi buồn cũng đúng và không buồn cũng đúng”.
U23 Việt Nam đã trở thành tấm gương đáng học hỏi nhất khu vực Đông Nam Á với người Thái.