Đây có lẽ là lần đầu tiên fan hâm mộ HAGL thực sự cảm thấy đội bóng của mình có cơ hội đoạt chức vô địch V-League kể từ khi bầu Đức giới thiệu lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường với khán giả Việt Nam. Và sự khác biệt bắt đầu từ HLV Kiatisak...
T
rong nhiều mùa HAGL hay bị mang danh là “có tiếng nhưng không có miếng” bởi sở hữu một lứa cầu thủ được đánh giá có tài năng và được triệu tập lên các đội tuyển, nhưng thành tích CLB lẹt đẹt và thường xuyên nằm trong cuộc đua trụ hạng. Thậm chí những phát biểu của bầu Đức ngày càng bị sử dụng để chế nhạo lại ông, đặc biệt là câu nói “đá cho vui”.
Tập thể HAGL cần một cú đẩy, cần một cú hích để đứng dậy và đá tử tế, nhất là sau khi fan của đội bóng bắt đầu bày tỏ sự bất mãn với tấm băng rôn “Các bạn không thay đổi, chúng tôi đành từ bỏ”. Và lực đẩy đó đã đến bởi Kiatisak, trở lại công tác huấn luyện sau gần 4 năm nghỉ.
Một người hùng của CLB và là một HLV thành công khi còn dẫn dắt ĐT Thái Lan, Kiatisak am hiểu bóng đá Việt Nam rất nhiều và có được danh tiếng đủ lớn để gây sự lạc quan trong nội bộ đội bóng lẫn dư luận. Mối quan hệ giữa ông và bầu Đức vẫn tốt đẹp như trước đây nên không còn phải lo chuyện bất đồng ý kiến.
Ngoài ra Công Phượng đã trở lại CLB để lần đầu thi đấu cho đội nhà kể từ năm 2018, anh đã dành cả năm 2019 ở nước ngoài và năm ngoái đá cho TP.HCM dưới dạng cho mượn. Sự trở lại của Phượng đánh dấu lần đầu tiên sau 3 năm lứa cầu thủ nòng cốt của HAGL được đá cùng nhau, trước khi ra đi anh là chân sút số 1 của CLB trong mùa 2018 với 12 bàn thắng.
Tuy nhiên khi còn Công Phượng thì HAGL vẫn là một đội bóng tầm trung, thậm chí sau khi anh đi HAGL còn về đích V-League với thứ hạng cao hơn 2 mùa liền. Những vấn đề tồn tại trong nhiều năm vẫn vậy: Hàng công chỉ ở mức trung bình trong khi tuyến phòng ngự hay thuộc nhóm các đội lọt lưới nhiều nhất. Họ loay hoay giữa những lối chơi khác nhau, khi thì muốn đá đẹp và khi thì chơi phản công, nhưng không một lối chơi nào đạt hiệu quả như ý.
K
hi còn làm việc ở Thái Lan, Kiatisak có 3 sơ đồ “tủ”: 4-3-3 là cách sắp xếp quen thuộc của ông, nhưng đôi lúc ông chuyển sang đá 4-2-3-1 và 3-4-2-1. Sơ đồ 3-4-2-1 được Kiatisak tin dùng trong giai đoạn vòng loại World Cup 2018, nhưng không mang lại hiệu quả và Thái Lan đứng bét vòng loại thứ 3 mà không thắng trận nào trước toàn những đối thủ mạnh.
Tuy nhiên sơ đồ đó luôn có giá trị sử dụng và lần này Kiatisak đã tìm ra một lý do để áp dụng cho HAGL. Sau nhiều mùa giải, đội bóng của bầu Đức vẫn chưa tìm ra được một tiền vệ đánh chặn thực sự xuất sắc, và với những tiền vệ trung tâm không quá mạnh mẽ về thể hình như Xuân Trường, Tuấn Anh, Minh Vương hay Việt Hưng, đá 4-3-3 với chỉ 1 tiền vệ phòng ngự sẽ là cực kỳ nguy hiểm.
3-4-2-1 cho phép Kiatisak dùng 2 tiền vệ trung tâm để đánh chặn ở tuyến giữa, và khi tấn công 1 người sẽ kiến thiết từ xa (Xuân Trường) còn người kia đá bao sân (Minh Vương).
Với 3 trung vệ, Kiatisak có thể chỉ định 2 người kèm 2 cầu thủ chạy cánh của đối phương và người còn lại đeo bám tiền đạo cắm, còn khi tấn công 2 trung vệ sẽ đưa bóng lên và mớm bóng cho hàng tiền vệ hoặc đưa thẳng lên hàng công, người còn lại đá quét để chống phản công nhanh.
Tuy nhiên sức mạnh của sơ đồ này đến từ 2 hậu vệ biên. Họ phải có khả năng tấn công để tạo độ rộng khi HAGL lên bóng và mở khoảng trống cho các tiền đạo xử lý, nhưng cũng phải có sức bền để chạy về giúp hàng thủ tái tổ chức khi mất bóng. Hồng Duy và Văn Thanh đều là những hậu vệ biên hiện đại khi có thể hỗ trợ công/thủ, đã có kinh nghiệm chinh chiến tại V-League nên là đôi cánh lý tưởng cho Kiatisak.
Hàng công 3 người có thể được tùy biến nhưng tiền đạo cắm Washington Brandao đóng vai trò rất quan trọng, bởi anh thường xuyên bị cô lập trước số đông hậu vệ đối phương nhưng vẫn có thể giữ bóng nhờ thể hình tốt và đủ kỹ thuật cá nhân để rê dắt đột phá.
2 tiền đạo đằng sau, dù là Công Phượng, Văn Toàn hay ai cũng đều sẽ phải chịu khó tranh chấp, đặc biệt ngay khi HAGL mất bóng để hàng tiền vệ có thời gian lùi về tổ chức phòng thủ.
3-4-2-1 là một sơ đồ đề cao phòng ngự, và HAGL từ đầu mùa mới lọt lưới 3 bàn. 3 trung vệ được 4 người ở hàng tiền vệ trợ giúp và ngay cả 2 tiền đạo lùi cũng tham gia pressing để giảm áp lực cho tuyến dưới. Nhìn bề ngoài chúng ta sẽ ca ngợi Kiatisak mang lại cho HAGL một lối chơi tấn công bùng nổ, nhưng chắc chắn ông đề cao sự chắc chắn phòng thủ hơn vì đó là vấn đề mà đội bóng phố Núi đã phải trải qua trong nhiều mùa giải.
K
hán giả V-League đã chờ một sự thành công đến từ lứa cầu thủ HAGL gồm những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn hay Tuấn Anh, bởi họ đã được nâng niu rất nhiều bởi truyền thông và có được chút thành công ở lứa trẻ. Nhưng có vẻ họ chưa gặp đúng thầy, trong khi dàn cầu thủ ở Hà Nội nổi tiếng sau nhưng lại có được may mắn ấy và giờ đã có danh hiệu ở cấp CLB.
Mới chỉ là sau 6 vòng đầu nhưng có lẽ lứa U19 HAGL năm nào giờ đã gặp đúng thầy. Kiatisak đã nhìn thấy được hầu hết khả năng của họ và áp đặt một hệ thống thi đấu phù hợp, đây có lẽ là giai đoạn mà những Xuân Trường, Minh Vương, Hồng Duy, Văn Thanh được sử dụng hợp lý nhất từ khi họ bước vào sân chơi V-League. Sơ đồ của HLV người Thái Lan không những phát huy thế mạnh của họ mà còn giúp che khuất rất nhiều những hạn chế của từng người, đặc biệt là Xuân Trường.
Những Công Phượng, Văn Toàn đã luôn thi đấu tốt tại HAGL trong những mùa trước đây, có điều sự tỷ lệ nghịch giữa phong độ của họ với kết quả tập thể đã trở thành một chủ đề quen thuộc trên các mặt báo và rất nhiều cách giải thích đã được chỉ ra. Một trong những ý kiến đó là “nội binh đè ngoại binh”, rằng những Rimario Gordon hay Chevaugh Walsh đã thi đấu tệ tại HAGL vì bị những ngôi sao nội địa kìm nén hay gì đó.
Sự thực mọi vấn đề cũng chỉ xuất phát từ yếu kém trong công tác huấn luyện. Washington Brandao không hẳn là tiền đạo cắm nước ngoài tốt nhất tại V-League hiện nay, nhưng anh đá được trong hệ thống của Kiatisak và đã cho thấy sự ăn ý với các vệ tinh còn lại, giúp Công Phượng và Văn Toàn dễ chơi hơn hẳn những mùa trước. Văn Toàn đã có 3 bàn, Công Phượng, Minh Vương và Văn Thanh mỗi người 2 bàn.
K
iatisak đã có được kết quả tốt ban đầu bởi chiến thuật hợp lý và tinh thần thi đấu hưng phấn của các cầu thủ, nhưng ông vẫn khá khiêm tốn bởi V-League là một chặng đường dài. Và có lẽ chính ông hiểu rằng những sắp xếp của mình vẫn còn mặt hạn chế, những điểm yếu chỉ chờ được một hay nhiều đối thủ nhìn thấy để tận dụng.
Đá 3-4-2-1 nhưng Kiatisak sẽ gặp vấn đề một khi các trụ cột không thể ra sân và những dự bị không đạt yêu cầu. Đặc biệt là 2 vị trí hậu vệ biên, Văn Thanh & Hồng Duy có chất lượng rất tốt nhưng những cầu thủ khác chưa chứng tỏ được họ có thể đảm nhiệm vai trò được xem là then chốt nhất trong sơ đồ.
Brandao vắng mặt cũng sẽ gây phiền phức cho Kiatisak, bởi như đã đề cập, HAGL dựa vào anh để giữ bóng trong trạng thái bị cô lập bởi hậu vệ đối phương. Chân sút người Brazil mà nghỉ là HAGL phải tìm ra một tiền đạo có thể hình để chơi vị trí này, Nguyễn Trung Đại Dương có thể đảm đương nhưng chậm hơn và kỹ thuật cá nhân cũng không tốt bằng.
Hàng phòng ngự của HAGL cũng cần thêm thời gian để làm quen sơ đồ. Họ vẫn còn những thời điểm xử lý không tốt như bẫy việt vị hỏng hoặc ra tiếp ứng cho hậu vệ biên hơi chậm. Còn khi kiểm soát bóng Memovic, Kim Dong Su và Hữu Tuấn phải quen cách dâng cao và chuyền vượt phòng tuyến đối phương, điều này cực kỳ cần thiết để HAGL có đủ khả năng xuyên phá những hàng thủ đá số đông mà ví dụ điển hình là trận hòa Hà Tĩnh.
Kiatisak chắc chắn sẽ muốn bộ khung đá chính của ông lành lặn cho tới cuối mùa giải nhưng chấn thương và sự kiệt sức là không tránh khỏi. CLB Hà Nội đã bị tổn thất quân lực rất nhiều trong 2 mùa qua nhưng vẫn cố gắng cạnh tranh ngôi vô địch, liệu HAGL có thể làm được điều tương tự nếu nó xảy ra?
THÀNH TÍCH GHI BÀN TỪ ĐẦU MÙA GIẢI CỦA HAGL
Văn Toàn: 3 bàn
Minh Vương - Văn Thanh - Công Phượng: 2 bàn/người
Brandao: 1 bàn
Nguồn: [Link nguồn]
X | ||||||
CN | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 |