Erling Haaland khiến các đội bóng Premier League mùa này phải khiếp đảm và gần như chắc chắn bỏ túi ngôi Vua phá lưới. Nhưng dư luận cảm nhận rằng anh sẽ không thể chung mâm với những Lionel Messi, Cristiano Ronaldo hay đối thủ đương thời Kylian Mbappe trong hàng ngũ những siêu sao vĩ đại nhất mọi thời đại.
T
heo thống kê của Liên đoàn Thống kê & Lịch sử bóng đá quốc tế (IFFHS), có 23 cầu thủ ghi được hơn 500 bàn thắng trong sự nghiệp và trong số này đang có 5 cầu thủ vẫn còn đang thi đấu (Messi, Ronaldo, Lewandowski, Ibrahimovic, Suarez). Ronaldo dẫn đầu với 828 bàn thắng vào lúc này, và bên cạnh anh còn có 5 cầu thủ khác (Messi, Pele, Romario, Puskas, Bican) ghi hơn 700 bàn.
Trong số các tiền đạo hiện nay đang thi đấu, Erling Haaland và Kylian Mbappe đang gây được nhiều chú ý bởi tài săn bàn xuất chúng của họ ở mọi cấp độ. Mbappe ở tuổi 24 đã ghi 269 bàn thắng cho CLB và ĐTQG, trong khi Haaland ở tuổi 22 có 218 bàn. Haaland có 7 năm đá chuyên nghiệp và trung bình anh ghi 31 bàn/năm, nên giả định rằng tần suất đó được giữ thì Haaland sẽ vượt con số 269 bàn vào năm 24 tuổi chẳng khó khăn.
Tuy nhiên mùa giải 2022/23 của Haaland đang khác thường, nó “lạ” với chính sự nghiệp của anh. Haaland hiện đã chạm mốc 42 bàn cho Man City chỉ trong 37 trận, và mùa giải vẫn còn tận 2 tháng nữa mới chấm dứt. Trước đó mùa anh ghi bàn nhiều nhất là 2019/20 với 44 bàn trong 40 trận cho cả Salzburg và Dortmund, như vậy trong mùa đầu tiên tại Premier League chỉ ghi thêm 3 bàn nữa là Haaland sẽ có kỷ lục cá nhân mới trong khi mùa giải chưa hết.
Những kỷ lục và cột mốc của Erling Haaland
Số bàn thắng nhiều nhất trong một trận đấu ở giải U20 Thế giới: 9 bàn trước Honduras năm 2019.
Cầu thủ tuổi teen đầu tiên ghi bàn trong 5 trận Champions League liên tiếp: Cho Salzburg mùa 2019/20.
Vua phá lưới Champions League 2020/21: 10 bàn cho Dortmund, mùa 2020/21.
Cầu thủ chạm mốc 20 bàn nhanh nhất trong lịch sử Champions League: 14 trận.
Cầu thủ chạm mốc 50 bàn nhanh nhất trong lịch sử Bundesliga: 50 trận.
Cầu thủ ghi 3 hat-trick nhanh nhất trong lịch sử Premier League: 8 trận (kỷ lục cũ 48 trận).
Đồng giữ kỷ lục ghi nhiều bàn thắng nhất trong một trận đấu Champions League: 5 bàn trước Leipzig, 14/3/2023 (bằng với Lionel Messi và Luiz Adriano).
Cầu thủ chạm mốc 25 bàn trong một mùa giải Premier League nhanh nhất: 19 trận.
Cầu thủ ghi nhiều bàn nhất trong một mùa giải cho Man City: Đang là 42 bàn sau 37 trận (kỷ lục cũ 38 bàn sau 39 trận).
C
ả Haaland và Mbappe đều chứng minh sự xuất sắc của mình nên không ngạc nhiên khi dư luận tin họ có thể xô đổ những kỷ lục Lionel Messi và Cristiano Ronaldo lập ra. Nhưng phá được sẽ không dễ: giả định rằng mỗi mùa Haaland ghi được 31 bàn như tần suất ta đã đề cập ở trên, Haaland sẽ cần đá tới 40-41 tuổi để phá được kỷ lục của Ronaldo (và Ronaldo vẫn đang đá).
Tất nhiên giờ đá cho Man City và sau này có thể là những CLB mạnh nhất châu Âu khác, Haaland sẽ có điều kiện để nâng tần suất ghi bàn lên rất cao như mùa này. Xét cho cùng điều tương tự cũng đã xảy ra với chính Ronaldo và Messi, họ trở nên ngày càng “hủy diệt” hơn khi bước vào đỉnh cao sự nghiệp ở Real Madrid và Barcelona.
Chúng ta hãy nhìn vào sự nghiệp của Messi. Mùa 2007/08 anh ghi 16 bàn trong 40 trận nhưng sang mùa sau là 38 bàn trong 51 trận, và mùa 2009/10 là 47 bàn trong 53 trận. Không khó hiểu khi Messi vọt lên cột mốc 30 bàn/mùa từ khi Pep Guardiola dẫn dắt. Tương tự cho Ronaldo, anh luôn duy trì mốc 30+ bàn/mùa ở Real Madrid với những đồng đội ngôi sao vây quanh.
Không biết chừng Haaland sẽ chạm mốc 60 bàn ngay trong mùa này, rằng anh chỉ cần hủy diệt một vài đối thủ yếu trong 11 trận còn lại ở Premier League lẫn Sheffield United ở FA Cup. Nếu làm được điều đó chẳng phải mùa này khâu sản xuất bàn thắng của Haaland sẽ vượt gấp đôi tần suất thường lệ của 7 mùa trước đó?
Và nếu Haaland tái hiện những mùa giải ghi +60 bàn thêm vài lần nữa trong điều kiện lý tưởng hiện tại (HLV giỏi + đồng đội giỏi), anh sẽ không cần đá đến tuổi 40. Phá kỷ lục của Ronaldo là điều hoàn toàn khả thi, có lẽ chỉ có kỷ lục 91 bàn ghi trong 1 năm dương lịch của Messi là khó cho Haaland.
H
aaland ở ĐT Na Uy đã có 21 bàn sau chỉ 23 lần khoác áo nên sẽ không khó để vượt qua kỷ lục 33 bàn ghi bởi Jorgen Juve ghi vào giai đoạn 1928-1937. Tuy nhiên giá trị của Haaland sẽ nằm ở việc liệu anh có đưa Na Uy tới một thành công lớn ở World Cup hay EURO chứ không phải số bàn thắng của cá nhân anh.
Trong lịch sử Na Uy chỉ dự World Cup 3 lần (1938, 1994, 1998) và EURO 1 lần (2000). Thành tích đáng chú ý nhất của quốc gia Bắc Âu này là đoạt HCĐ Olympic 1936 tại Đức, khi bóng đá Olympic vẫn chưa hạn chế lứa tuổi. Tuy nhiên họ có một giai đoạn ở thập kỷ 1990 đã 2 lần dự World Cup và thậm chí đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng FIFA.
Na Uy lỡ hẹn với các giải quốc tế từ sau năm 2000 đến nay
Haaland đã dự 2 chiến dịch vòng loại các giải quốc tế cho Na Uy, không ghi bàn ở vòng loại EURO 2021 và có 5 bàn ở vòng loại World Cup 2022. Na Uy khá đen đủi khi đụng phải Tây Ban Nha và Thụy Điển ở vòng loại EURO 2021 và chỉ về thứ 3 vòng bảng, trước khi thua Serbia ở vòng playoff tranh vé vớt. Đến vòng loại World Cup 2022 họ lại phải đấu Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ và một lần nữa chỉ về thứ 3.
Thành tích này của Na Uy thực ra vẫn khá so với khoảng gần 20 năm trước đó khi họ nhiều lần không có cơ hội để giành vé. Thành tích khá nhất trong giai đoạn 2001 – 2019 là họ trượt suất đá playoff ở vòng loại EURO 2012 vì kém hiệu số so với tuyển Bồ Đào Nha, tuyển Na Uy lúc này được dẫn dắt bởi HLV Egil Olsen.
Có thể sẽ đến lúc Haaland, Martin Odegaard và thế hệ hiện tại của tuyển Na Uy giành được một tấm vé đi dự một giải đấu quốc tế, nhưng gây tiếng vang như xứ Wales của Gareth Bale ở EURO 2016 thì khó. Không phải là họ thiếu tài năng vào lúc này, rất nhiều ngôi sao Na Uy đang đầu quân cho các CLB đá ở các giải top 5 châu Âu, nhưng điều tương tự cũng có thể nói về các bậc cha chú đã giành vé dự World Cup 1994 & 1998.
Na Uy đánh bại Brazil tại World Cup 1998
Olsen là một nhân vật có ảnh hưởng to lớn với bóng đá Na Uy, ông nhậm chức HLV trưởng năm 1990 và đưa Na Uy tới một lối chơi thực dụng. Olsen không có nhiều cầu thủ đẳng cấp cao dưới trướng nhưng bù lại bằng sơ đồ 4-5-1 và lối đá dựa vào bóng bổng, tiền đạo cắm Jostein Flo (một chuyên gia nhảy xà từng đạt thành tích 2m08) thường xuyên đá hơi dạt biên và sẽ lao vào cột xa chờ các quả tạt để bắt nạt các hậu vệ biên lùn hơn trên không.
Cuộc cách mạng chiến thuật này có được là bởi Olsen nhiều năm học tập từ các HLV người Anh sang vùng Scandinavia làm việc (trong đó có Roy Hodgson), cũng như quan sát bóng đá Anh và học chiến thuật từ Aston Villa của HLV Graham Taylor. Khi Na Uy khiến Anh ê chề vắng mặt ở World Cup 1994, 10/22 tuyển thủ đi Mỹ được các CLB Anh mua về từ trước giải, và con số này tăng lên 11 trước thềm World Cup 1998 (bao gồm cả bố của Haaland, ông Alf-Inge gia nhập Leeds trước đó 1 năm).
Thành công của Olsen khiến Na Uy vào năm 2009 khi lâm vào vận bĩ đã mời ông tạm quyền, để rồi Olsen dẫn dắt Na Uy luôn trong 4 năm tiếp theo. Dù vậy ngay cả với Olsen, Na Uy giỏi lắm cũng chỉ vào vòng 2 ở World Cup 1998 dù họ sở hữu thành tựu đánh bại Brazil ở vòng bảng (Na Uy đến nay là đội tuyển duy nhất gặp Brazil và chưa từng thua). Khi nhiệm kỳ thứ hai của Olsen bắt đầu, bóng đá đã tiến hóa và đối thủ có đủ cách bắt bài lối đá của Na Uy.
Vậy nên thành công của ĐT Na Uy ở các đấu trường lớn sẽ phải trông vào may mắn hoặc có một cuộc cách mạng chiến thuật khác xảy ra. Haaland và Odegaard rất xuất sắc nhưng họ vẫn chỉ là 2 cầu thủ trong khi bóng đá không chỉ là cuộc chơi 11 người mà còn đòi hỏi cả thành công trong sự phát triển tư duy của làng HLV (Đức thập niên 2000) hay thậm chí ở tầm xây dựng văn hóa chơi bóng phủi (Pháp những năm 2010).
Haaland và Odegaard sẽ cần nhiều hơn tài năng của bản thân để tuyển Na Uy thành công ở cấp độ quốc tế
Sẽ không lạ nếu Haaland rơi vào nhóm những cầu thủ rất vĩ đại nhưng sự nghiệp của họ vẫn có “vệt đen” ở cấp đội tuyển. Robert Lewandowski có lẽ là cầu thủ vĩ đại nhất bóng đá Ba Lan nhưng giỏi lắm cũng chỉ đưa ĐTQG tới tứ kết EURO 2016, trong khi thời hoàng kim của quốc gia này là giai đoạn 1972 – 1982 khi có một thế hệ vàng của những Lato hay Boniek về hạng Ba World Cup tới 2 lần.
Thời của ĐT Na Uy có thể sẽ đến, vì những ĐTQG hàng đầu thế giới không phải lúc nào cũng mạnh mà ví dụ tiêu biểu là ĐT Pháp những năm 1960 – 1976 hay tuyển Anh 1974 - 1982. Còn nếu không thì chẳng trách Haaland được, anh chỉ là một người trong một môn chơi đồng đội đầy tính may rủi.