Hà Nội chinh phục người Sài Gòn?
Từ vòng 5 V-League diễn ra ngày 10-4, đội bóng Hà Nội chính thức đổi tên thành Sài Gòn FC với hy vọng được người hâm mộ Sài Gòn đón nhận.
Nghe có vẻ mâu thuẫn bởi khi vừa đặt chân lên chơi ở V-League, tân binh Hà Nội đã đặt tiêu chí phục vụ người yêu bóng đá thủ đô và kéo khán giả đến sân Hàng Đẫy vốn nguội lạnh. Thế rồi mới chỉ sau bốn vòng đấu, Chủ tịch CLB Nguyễn Giang Đông đứng ra xin lỗi người hâm mộ để chuyển đội bóng vào TP.HCM mang tên Sài Gòn FC. Mục tiêu của việc tìm bến đỗ mới với tên mới cũng là phục vụ người hâm mộ Sài Gòn như cái cách họ từng hứa với người hâm mộ thủ đô.
CLB Hà Nội sau trận đấu vòng 4 V-League đã xin lỗi và chia tay người hâm mộ thủ đô, chia tay logo cũ để mang logo mới và vào Sài Gòn thi đấu với cái tên Sài Gòn FC. Ảnh: QUANG THẮNG
Ngay cả thầy trò HLV Nguyễn Đức Thắng cũng sốc vì ban đầu chỉ nghe nói mình chuyển vào Sài thành qua thông tin của báo chí. Từ hoang mang, họ buộc phải chấp nhận vì “ván đã đóng thuyền”.
Trong nhiều cuộc trải lòng với người hâm mộ, ông Nguyễn Giang Đông hay nhắc đến sự đồng thuận của lãnh đạo TP.HCM về việc đội Hà Nội “chuyển trụ sở và đổi tên, đổi địa điểm thi đấu”. Tuy nhiên, việc bóng đá Hà Nội đóng quân ở Sài Gòn và chọn thay cho cầu thủ nơi sinh sống, lập nghiệp lâu dài và bền vững nhất thiết phải tạo được lòng tin yêu của người hâm mộ.
Anh Trần Song Hải, một CĐV sành sỏi của bóng đá Việt Nam, chia sẻ rằng giới CĐV sẽ đón nhận CLB Hà Nội bằng một niềm vui dè chừng. Sự thận trọng ấy không phải vô lý bởi đã từng có nhiều đội bóng chọn TP.HCM với những mục đích khác ngoài bóng đá. Có rất nhiều cái bánh vẽ của các CLB mới đưa ra như việc xây dựng bóng đá Sài Gòn có bản sắc, cho ra đời học viện đào tạo trẻ tầm cỡ,… nhưng rồi tất cả đều bỏ của chạy lấy người.
Cho nên việc CLB Hà Nội bỗng dưng “quên” lời hứa gầy dựng bóng đá Hà Nội vì tình yêu của người hâm mộ thủ đô khiến người ta nghi ngờ vào sự chung thủy ở miền đất mới.
Dĩ nhiên, người yêu bóng đá Sài Gòn vẫn luôn ấp ủ mong muốn sân Thống Nhất sẽ sáng đèn như các địa phương và họ khao khát sống lại đam mê với nhiều CLB chính danh Sài Gòn vang bóng một thời. Thế nhưng điều này không đơn giản. TP.HCM từng “mở cửa” tạo cơ hội để một số CLB từ nơi khác về nhưng rồi chính các đội tự đào thải khi mục đích xa hơn là mượn bóng đá làm kinh tế bất thành.
Ông Nguyễn Giang Đông tâm sự, những câu chuyện buồn trong quá khứ từ nhiều đội bóng chọn đóng đô ở TP.HCM nhưng không vì bóng đá TP.HCM là bài học kinh nghiệm quý cho CLB Hà Nội bây giờ. Tuy nhiên, ông vẫn tin tưởng rằng thầy trò Nguyễn Đức Thắng khi khoác chiếc áo Sài Gòn FC sẽ chơi hay, chơi đẹp. Ông cũng khẳng định ban đầu khán giả có thể chưa thích nhưng khi nhận ra khao khát cống hiến của CLB, dần dà người ta sẽ thích.
Chỉ mong đội bóng mới về một vùng đất mới sẽ làm như những gì mình nói chứ không“đánh trống bỏ dùi”.
Từ logo Văn Miếu đến logo chợ Bến Thành Ngày ra mắt CLB Hà Nội, lãnh đạo CLB này đã trưng hình logo Văn Miếu có dòng chữ HA NOI FOOTBALL CLUB cùng những lời hứa sẽ đưa CLB Hà Nội thành một biểu tượng của bóng đá Hà Nội, kéo khán giả đến sân Hàng Đẫy ngày một đông hơn, hâm nóng tình yêu bóng đá của người Hà Nội. Sau bốn vòng đấu thì logo Văn Miếu với dòng chữ trên được thay bằng logo có hình chợ Bến Thành cùng dòng chữ SAIGON FOOTBALL CLUB. Tiêu chí của những nhà lãnh đạo đội bóng đưa ra là vì người hâm mộ bóng đá Sài Gòn và chinh phục tình yêu của người Sài Gòn. Một thành viên của CLB nói rằng đất Sài Gòn có rất nhiều người Hà Nội sinh sống nên trước mắt sẽ phục vụ cho những người Hà Nội tha hương. Nhưng CĐV Trần Song Hải lập luận: “Người Hà Nội ở Hà Nội không chịu đến sân Hàng Đẫy thì làm sao mong người Hà Nội ở Sài Gòn đến sân Thống Nhất!”. |