Hạ màn V-League 2014: Điêu đứng vì bán độ
Hai vụ bán độ, dàn xếp tỉ số ở V.Ninh Bình và Đồng Nai không chỉ khiến V-League 2014 điêu đứng, hình ảnh giải đấu xuống cấp thảm hại mà còn cho thấy bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể thoát khỏi bóng ma tiêu cực.
Trong lịch sử 14 năm hình thành và phát triển của V-League, mùa giải 2014 có lẽ be bét nhất khi 2 vụ tiêu cực liên tiếp bị phanh phui. V-League đối mặt với một cuộc khủng hoảng thực sự, không phải vì mất đi một đội bóng hay nhiều cầu thủ mà bởi người hâm mộ giờ không còn tin vào giải đấu nữa.
Những mùa giải trước, suy thoái không phải là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp bỏ bóng đá, làm V-League lao đao. Nhiều ông chủ các doanh nghiệp thực ra đã không còn lòng tin ở giải đấu này nữa. Họ “thoái vốn” khỏi kênh đầu tư mạo hiểm mang tên V-League để bảo toàn cả đồng tiền lẫn thương hiệu của doanh nghiệp. Khi Hòa Phát Hà Nội giải tán đội bóng vì uất ức trọng tài, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã phải nhanh chóng cải tổ toàn diện bộ máy và đội ngũ những người cầm còi.
B.Bình Dương vô địch nhờ quyết tâm, đầu tư lớn và quản lý cầu thủ tốt - một trong những điểm sáng hiếm hoi ở V-League 2014 Ảnh: QUANG LIÊM
Thế nhưng, trọng tài chỉ là một mắt xích trong guồng quay V-League. Khánh Hòa, Navibank, Xuân Thành… rời bỏ V-League vì tình yêu, sự kiên nhẫn không đủ lớn và cũng vì nhận ra nhiều sự thật phũ phàng. Ông bầu Hoàng Mạnh Trường của V.Ninh Bình từ bỏ đội bóng sau khi phát hiện các cầu thủ của mình đã “bán đứng” CLB ở AFC Cup để kiếm tiền cá độ bóng đá quốc tế. Bầu Trường đã mệt mỏi với đội bóng mà ông đầu tư tiền của nhưng không thể kiểm soát được đôi chân và cái đầu của các cầu thủ.
Vụ tiêu cực ở V.Ninh Bình bị phanh phui là lý do hợp lý để bầu Trường rút khỏi bóng đá nội. Ninh Bình có 9 cầu thủ dính đến vụ bán độ chấn động V-League nhưng chỉ hơn 3 tháng sau, giải đấu lại bị giáng thêm một đòn chí tử khi công an bắt khẩn cấp 6 cầu thủ của Đồng Nai tổ chức cá độ - dàn xếp tỉ số. Theo Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, đây là cơ hội cho các nhà tổ chức cải tổ, làm trong sạch giải đấu. Ông đã đề nghị Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) phải có đánh giá riêng về tình trạng tiêu cực, mua bán độ trong lễ tổng kết V-League năm nay.
Theo Tổng Giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn, cả 2 vụ tiêu cực xảy ra đều do các cầu thủ tự làm độ bên ngoài. “Có thể họ đã bị lợi dụng và do nhận thức thấp kém. Về mặt kiểm soát nạn móc ngoặc, xin cho điểm, VPF đang thu được những hiệu quả tích cực...” - ông Viễn nói.
Tuy vậy, về cuối mùa, sự cố trọng tài Phùng Đình Dũng bị rượt đánh trên sân Long Xuyên cho thấy “vua áo đen” vẫn là điểm “kích nổ” ở V-League và tinh thần chuyên nghiệp của các đội bóng vẫn còn rất yếu. Nạn bạo lực sân cỏ ở V-League mùa này không nổi cộm nhưng vẫn có những cầu thủ bị treo giò hết mùa như Đình Đồng của SLNA, vẫn còn những cầu thủ bị gãy chân ngay trên sân như nạn nhân của pha vào bóng Nguyễn Anh Hùng - HV An Giang...