Gồng lên đá để bằng anh bằng chị
Chứng kiến Công Phượng gồng lên đá và không ngại va chạm, tranh chấp từ sân nhà đến sát cầu môn của UAE, nhiều người khen Phượng nhưng không khỏi xót xa…
Trong những cầu thủ cùng tuổi 20, 21 Công Phượng thuộc dạng cầu thủ có thể hình tương đối đẹp với độ “dày” cơ thể, đôi chân săn chắc và một tố chất nữa là độ lì, không ngại va chạm. Dù chơi với những đội trẻ cùng tuổi ở V-League, Phượng chẳng ngại ai cả. Phượng sẵn sàng đấu tay đôi, sẵn sàng tì vai, đè người và va chạm mạnh…
Thể hiện rõ nhất là trong trận U-21 HA Gia Lai gặp U-19 Hàn Quốc và gần đây nhất là trận U-23 Việt Nam thua U-23 UAE - trận đấu mà Phượng chạy khắp mặt sân, sẵn sàng lao vào đối thủ to cao hơn mình để tì đè và để cướp bóng. Và rồi đúng vào phút bù giờ hiệp 2, trong một tình huống băng xuống, cố theo bóng, đồng thời gồng lên để tì đè trung vệ đối phương, Phượng bị mất trụ và té úp vai xuống mặt cỏ khiến gãy xương quai xanh. Chấn thương đấy khiến Công Phượng buộc phải ở lại Qatar để phẫu thuật và sẽ mất vài tháng để điều trị.
Dẫu biết rằng chấn thương là điều khó tránh khỏi trong bóng đá và chấn thương của Công Phượng cũng là kiểu chấn thương thường gặp của những đội bóng có thể tạng, sức mạnh lẫn trọng lượng thấp hơn so với đối phương nhưng buộc phải gồng lên đấu sức theo kiểu chơi ngang ngửa… Đó cũng chính là cái thua chung của những cầu thủ Đông Nam Á khi ra đấu trường châu lục, nhất là lại gặp một vòng chung kết, tập trung những gương mặt xuất sắc nhất tề tựu lại.
Công Phượng chấn thương vào những phút bù giờ trong pha bóng đấu sức
Khi nào ở những vòng chung kết châu lục, các đội bóng của chúng ta chơi được những trận khốc liệt như thế xuyên suốt một giải đấu và ít thiệt quân, hay nói khác đi là chịu được những trận cầu nặng tính đối kháng như vậy thì mới có thể nói là nền tảng cơ bản về sức mạnh đã cải thiện được. Còn dồn hết vốn vào chơi một trận (danh dự) để rồi nhận lại sự mất mát quá lớn thì chưa thể nói là đương đầu nổi với những đối thủ tầm châu lục.
Các CLB của chúng ta ngại ra đấu trường AFC Champions League là vì những yếu tố trên. Họ khỏe, va chạm cực mạnh, vào bóng rất mạnh nhưng đúng luật. Còn cầu thủ chúng ta thì yếu, xử lý chậm, trụ kém, sức mạnh cũng kém và thế là ăn đòn đau…
Chia sẻ với chúng tôi, các cầu thủ kể rằng khi căng ra đá với những đối thủ ngoài khu vực Đông Nam Á thì bao giờ về cũng rêm hết mình mẩy và kèm chấn thương.
Trở lại chuyện chấn thương của Công Phượng cũng như nhiều tình huống trong trận gặp UAE đã thể hiện một bức tranh đầy đủ về thể tạng, sức mạnh của các cầu thủ Việt phải chịu đòn và dẫn đến khả năng chấn thương rất lớn.
Nói điều đấy để thấy rằng khi chưa cải thiện được về thể hình, về giống nòi thì cần phải chọn lối chơi thuần Việt mà nói như ông Calisto là lối đá thông minh, lối đá không buộc các cầu thủ phải va đập theo kiểu xe nhỏ lao đầu vào xe to.
Pha va chạm nặng dẫn đến chấn thương nặng của Công Phượng nó nói lên tính nghiệt ngã của giải đấu cấp châu lục. Chúng ta chỉ lạc quan khi cả một giải đấu, hay ít ra là ba trận vòng bảng, chúng ta đều chơi được ngon lành những trận đấu căng như thế. Mà để làm được điều này thì không phải chỉ là một giải, một thế hệ cầu thủ mà phải là một lộ trình dài trong đó có những phần nằm ở yếu tố giống nòi như người Nhật từng làm hàng chục năm qua.
Thiết nghĩ một cú ngã trong tranh chấp bóng của Công Phượng đừng nên xem chỉ là một tai nạn trong thi đấu mà cần phải xâu chuỗi xuyên suốt nhiều vấn đề. Căng lên để đá một trận cho sướng hay vài trận gọi là chơi ngang ngửa với các đội Tây Á thì giải quyết được điều gì?
Điều này khác hẳn với việc trong khi ta chưa cải thiện được giống nòi, cầu thủ ta chưa giải quyết được vấn đề thể hình và sức mạnh thì hãy chọn lối chơi cho phù hợp thay vì đấu sức kiểu võ sĩ.
Cái này lại là vấn đề của những nhà làm chiến lược, những người xác định lối chơi thuần Việt thay vì phó mặc cho một HLV ép cầu thủ Việt chơi bóng kiểu đấu sĩ và gồng mình lên đá.