Góc khuất trọng tài VN: Bầu Kiên làm cả làng choáng (Bài 2)
Bầu Kiên từng tiết lộ ở cuộc họp mùa giải 2011 việc “đội Hòa Phát được gợi ý muốn chắc thắng thì cho trọng tài 500 triệu đồng…”. Câu chuyện khiến nhiều người e ngại bởi “trọng tài là cha, là mẹ”.
Vụ trọng tài Hà Anh Chiến bị Ban Trọng tài đề nghị loại vĩnh viễn khỏi các giải đấu chuyên nghiệp ở VN chỉ là phần nổi của những câu chuyện “khó nói” về các ông vua sân cỏ. Mời các bạn đón đọc loạt bài về “Góc khuất trọng tài Việt Nam” để có thêm những góc nhìn về một “nghề nguy hiểm” trên sân cỏ nước nhà. |
Từ nỗi đau sau quyết định đình chỉ Trưởng, Phó ban trọng tài
Nói chuyện “đi dây” ở giới trọng tài, không thể không nhắc đến một chi tiết: VFF có nhiều trọng tài cứng cựa, tại sao một trận đấu căng như trận Thanh Hóa – SLNA họ không được phân công mà một trọng tài mới lên V-League “học việc” từ mùa 2015 và mùa này mới 2 lần làm trọng tài bàn, vòng 7 được lần đầu bắt chính ở trận đấu được xem là dễ nhất giữa QNK Quảng Nam – S. Khánh Hòa BVN, lại được cất nhắc (?!).
Tình huống trọng tài chiến cho Thanh Hóa hưởng phạt đền
Có một chi tiết ít người biết, khi sự cố ở sân Thanh Hóa bị thổi bùng lên bởi cư dân mạng, ở Ban trọng tài, BTC và VPF, những người có trách nhiệm đã xác định trọng tài Chiến phải “hy sinh”. Bởi giám sát trọng tài ở trận đấu đó là Đoàn Phú Tấn, người đã bút phê thẳng thắn cái sai và yếu kém của ông “vua sân cỏ” này.
Hỏi về dây dợ của giới cầm còi, cầm cờ Việt Nam thì phải hỏi chính vị giám sát lão làng và cũng là thầy của bao thế hệ trọng tài Việt Nam này. Ông Tấn chính là người được bầu Kiên dựng lên để làm “cách mạng” với công tác trọng tài, với sự ra đời của Ban trọng tài cuối năm 2011. Tuy nhiên, sau khi bầu Kiên dính vòng lao lý vì những sai phạm trong kinh doanh, ông Tấn từng trở thành “nạn nhân” và suýt bị loại ra khỏi cuộc chơi.
Đó là câu chuyện của 4 năm trước, khi vụ tổ trọng tài Hà Nội bị “xì” là nhận bồi dưỡng 100 triệu đồng sau trận Thanh Hóa – HA.GL. Chỉ là nghi án, thông tin chưa được xác minh, nhưng ngay trong ngày Chủ nhật, quyết định “tạm thời đình chỉ làm nhiệm vụ” với Trưởng, Phó ban trọng tài (Dương Vũ Lâm và Đoàn Phú Tấn) được VFF cấp tốc ban ra.
4 trọng tài gồm trọng tài chính Đinh Hải Dương, 2 trợ lý Phạm Đắc Chiến, Đỗ Mạnh Hà và trọng tài thứ 4 Kiều Việt Hùng đã bị đình chỉ làm nhiệm vụ để phục vụ việc điều tra vụ việc. Tuy nhiên, sau một thời gian điều tra, đến tháng 10/2013 cơ quan công an thông báo việc ngừng điều tra vụ việc vì không đủ chứng cứ. Tuy nhiên, Ban trọng tài cũng như VFF sau đó không có thông báo chính thức để “minh oan” và đến tận bây giờ, 4 trọng tài này đã không còn cơ hội đi làm nghề.
Chỉ là nghi án, không có căn cứ, bằng chứng, dù cơ quan điều tra vào cuộc, nên Phó Ban trọng tài khi đó là Đoàn Phú Tấn tiếp tục quay lại làm giám sát. Ông Tấn vẫn đi làm bởi chuyên môn, uy tín, cái thế của ông quá lớn khiến đối thủ không thể “hất” được. Tuy nhiên, cả tổ trọng tài Hà Nội thì không và đến giờ, với họ vẫn là nỗi đau và uất ức.
Đau nhất với họ, những người bị ảnh hưởng danh dự và con người bên cạnh việc mất hết cả sự nghiệp, đó là việc “bị hại” bởi những đồng nghiệp và cả người thầy vốn thuộc “dây khác” mới trỗi dậy do có “ô to”. Họ mất tất cả vì đối thủ xác định phải loại “tổ Hà Nội” và “vụ Thanh Hóa” năm 2013 dường như trở thành cơ hội để người ta “nhổ gai”.
Đến “hình nhân thế mạng”
Nhắc lại chuyện cũ để liên hệ với những sự cố tai tiếng bây giờ, cùng cách xử trọng tài của những người có trách nhiệm và để thấy được sự phức tạp, những góc khuất trong thế giới của những ông “vua sân cỏ”.
Một quyết định khác của trọng tài Chiến khiến HAGL bức xúc
Thế giới đó, trọng tài có quyền lực và những quyền năng rất lớn với khả năng chi phối, tác động đến cuộc chơi, thực sự đúng với khái niệm “trọng tài là cha, là mẹ”.
“Cha mẹ trọng tài” to đến mức, 5 năm trước ở buổi tổng kết mà Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng công khai tuyên bố có hiện tượng một nhóm trọng tài thao túng V-League theo kiểu mafia” và sau đó bầu Kiên cho “nổ bom” với khẳng định “so với năm 2005, thời điểm hàng loạt vụ tiêu cực liên quan tới giới cầm còi, cầm cờ bị phanh phui và phải đối diện với pháp luật, các trọng tài bây giờ tiêu cực nhiều hơn và cũng tinh vi, thủ đoạn hơn…”.
“Cha mẹ trọng tài” to như là con số nửa tỷ đồng mà chính bầu Kiên tiết lộ ở cuộc họp mùa giải 2011 ấy, về việc “đội Hòa Phát được gợi ý muốn chắc thắng thì cho trọng tài 500 triệu đồng…”.
Bởi to và là cả một dây liên kết với sự liên đới mà lâu nay giới bóng đá vẫn âm thầm biết, hiểu với nhau là từ cấp thượng tầng sân cỏ với những nhân vât quyền lực nhất của nền bóng đá đến BTC, Ban trọng tài và trọng tài.
Thế nên với một sai sót mà hoàn toàn có thể là do chuyên môn đơn thuần, cùng những gì trọng tài Hà Anh Chiến phải “nhận đòn đau”, không trách mà thấy thương, chia sẻ với ông “vua sân cỏ” này. Như cựu còi Vàng Dương Mạnh Hùng chia sẻ, ông Chiến thực chất chỉ là “hình nhân thế mạng” mà thôi.
Thêm một ông “vua sân cỏ” phải “hy sinh” và bản chất, nó cũng như chuyện “cá chết” thôi. Trong muôn vàn những lý do thì đơn giản và dễ lý giải nhất, có lẽ “cá chết do bơi vào vùng nước xả thải”.
Video những vấn đề xung quanh quyết định của trọng tài (Bản quyền VTV):
* Trọng tài V-League khiến các đội bóng sợ, nhưng có một nhân vật lại làm các ông “vua sân cỏ” phải e ngại. Mời các bạn đón đọc “Góc khuất trọng tài VN - Bài cuối” vào 8h sáng thứ Bảy, 14/5.