Góc khuất của làng bóng đá Việt Nam
Trong thời gian ngắn, làng bóng đá Việt Nam dồn dập đón nhận tự truyện của nhiều nhân vật nổi tiếng, như Lê Công Vinh với “Phút 89” hay “Vì một ngôi sao” của nguyên Phó TTK Dương Nghiệp Khôi. Những góc khuất của làng bóng đá được bóc tách, hé lộ…
Hay một cuốn tự truyện khác, “Trái bóng lăn giữa đời tôi” của nguyên Phó chủ tịch LĐBĐVN (VFF) Ngô Tử Hà cũng tiết lộ nhiều câu chuyện của bóng đá Việt Nam. Đơn cử như chuyện ông Hà từng đấm nhau với một lãnh đạo Tổng cục TDTT ngay tại nhà khách Chính phủ trước thềm Đại hội nhiệm kỳ II, giai đoạn 1993-1997. Ông Ngô Tử Hà có hơn 30 năm gắn bó với bóng đá Việt Nam, chứng kiến nhiều hỉ nộ, ái ố mà ông cũng là một phần trong đó.
Công Vinh ra mắt tự truyện
Câu chuyện nổi tiếng nhất liên quan đến ông Hà có lẽ là vụ ghi âm cựu Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn, được người trong giới nhắc lại nhiều năm về sau. Tự truyện của ông Ngô Tử Hà cũng nhắc đến chuyện ông bị nhắn tin đe dọa, mang mìn tới nhà riêng ở Hà Nội.
Nói về Đại hội VFF thì không thể không nhắc tới tự truyện của nguyên Phó TTK Dương Nghiệp Khôi. Trong “Vì một ngôi sao”, ông Khôi chia sẻ các kỳ Đại hội VFF luôn rất phức tạp, đặc biệt giai đoạn ít tháng trước khi bầu cử. Lý do bởi đây là thời điểm nhạy cảm, giới thiệu các ứng viên tranh cử vị trí lãnh đạo chủ chốt. Điện thoại của lãnh đạo Tổng cục TDTT, VFF thường xuyên nhận tin tố cáo nặc danh, bội nhọ ứng viên. Chuyện này thì có lẽ kỳ đại hội nào của VFF cũng như nhau, điển hình như Đại hội 8 sắp diễn ra.
Thậm chí, nếu so với các kỳ đại hội trước đây thì Đại hội 8 thậm chí bị đánh giá là kinh khủng nhất về mặt chiêu trò. Các ứng viên tranh cử không từ bất kỳ thủ đoạn nào để hạ bệ đối phương. Tin tức nội bộ VFF liên tục bị bắn ra ngoài để “đánh” lãnh đạo đương nhiệm mà người trong giới thoạt trông đã biết “đòn” đến từ đâu và vì lợi ích của ai. Tự truyện của ông Dương Nghiệp Khôi cũng hé lộ những câu chuyện trong ngôi nhà VFF, hay đại án liên quan tới giới trọng tài.
Nếu ông Ngô Tử Hà hay cựu Phó TTK Dương Nghiệp Khôi cho thấy nhiều câu chuyện ở thượng tầng, thì tự truyện của Lê Công Vinh vẽ phần còn lại của làng bóng đá Việt Nam, đó là đời sống nóng lạnh ở cấp CLB. Từ chuyện bị “gài” sử dụng ma tuý khi còn chơi bóng cho Hà Nội T&T (tiền thân CLB Hà Nội hiện nay), bị cô lập ở đội bóng này, hay chuyện không được các đồng đội như Văn Quyết, Tấn Tài chuyền bóng khi thi đấu cho ĐTQG. Công Vinh cũng không quên tranh thủ giải thích cho cú “lật kèo” lịch sử với ông bầu Đỗ Quang Hiển để đầu quân cho đội bóng bầu Kiên, nhận số tiền “lót tay” lên tới 14 tỷ đồng. “Phút 89” của Lê Công Vinh đã hé lộ những mảng xù xì của làng bóng đá, trái với vẻ ngoài bóng bẩy của những ngôi sao.
Nhưng bóng đá Việt có phải toàn những hình ảnh xấu như trên? Chắc chắn là không. Xin kể một câu chuyện như thế này. Ngay sau trận thua 0-5 trước Hà Nội ở lượt 3 V-League 2018, dù rất thất vọng và mệt mỏi, Công Phượng và nhiều ngôi sao trẻ khác của HAGL vẫn nhiệt tình tham gia một chương trình giao lưu với các em nhỏ ở Hà Nội. Được giao lưu với những ngôi sao trẻ của tuyển U23 Việt Nam thực sự là một hạnh phúc lớn đối với các em. HAGL là một trong những đội bóng thường xuyên thực hiện các hoạt động xã hội ở địa phương hoặc trên cả nước, và gần đây CLB Hà Nội là một đội bóng khác cũng rất tích cực tham gia hoạt động mang tính cộng đồng. Ở bình diện lớn hơn, U23 Việt Nam vừa tạo nên cảm hứng mạnh mẽ với công chúng, người hâm mộ cả nước.
Bóng đá là một phần trong bức tranh tổng thể của xã hội, nên khó tránh khỏi có những mặt còn chưa đẹp, hoặc thậm chí tiêu cực. Nếu nhìn rộng ra, tiêu cực đâu chỉ có trong bóng đá, và thậm chí những cái xấu của làng bóng còn chưa thấm vào đâu so với nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác.