Góc chiến thuật Man City – Tottenham: Khi Pep chỉ biết tấn công
Man City triển khai một thế trận tấn công rất áp đảo, nhưng lại bị cầm chân vì những sai lầm phòng ngự mà đặc biệt là những lỗi lầm của Nicolas Otamendi.
Nhìn lại trận đấu Man City - Tottenham
Tấn công rất nhiều, cơ hội rất nhiều, thậm chí tận dụng thành công 2 cơ hội, nhưng rồi bị gỡ hòa và chỉ giành được 1 điểm trên sân nhà. Đó là câu chuyện của Man City trước Tottenham đêm thứ Bảy vừa qua.
Man City và Tottenham cầm chân nhau
Trận đấu này chứng kiến một màn trình diễn đầy tiến bộ của Man City so với những trận trước, cùng sự ra mắt rất được chờ đợi của Gabriel Jesus, nhưng đồng thời cũng cho thấy Man City tiếp tục khổ sở trong khâu giữ sạch lưới ở mùa giải này.
Tấn công là cách phòng thủ tốt nhất
Tottenham ở lượt đi đã đánh bại Pep Guardiola và các học trò nhờ lối chơi pressing toàn sân rất khó chịu của họ. Nhưng ở lượt về Man City không để điều đó xảy ra, việc thua 0-4 trước Everton đã khiến các cầu thủ City tỏ ra quyết tâm hơn thường lệ và họ vào trận một cách đầy tự tin cũng như quyết liệt để đáp trả lại sức ép từ đối thủ.
Pep đã học từ sai lầm của trận Everton khi hàng tiền vệ có Yaya Toure & Pablo Zabaleta bị tràn qua dễ dàng. Ông đã bỏ Zabaleta khỏi tuyến giữa, nhưng thay vì tìm một người thay thế hoặc thậm chí tăng thêm tiền vệ trung tâm, Pep lại chọn giải pháp khác: ông dùng Leroy Sane, tức Man City có tới 4 tiền vệ công trong khi một mình Yaya Toure trấn thủ giữa sân.
Pep có lý do của mình. Man City mạnh nhất ở hàng công, vậy tại sao không tràn lên và phủ vây khung thành Tottenham? Chẳng phải tấn công là cách phòng ngự tốt nhất? Man City có tới 28 chạm trong khu 16m50 của Tottenham riêng trong hiệp 1, trong khi Spurs chỉ có 1. Man City tạo ra vô số pha phối hợp 2-chọi-2, 3-chọi-3 hay thậm chí 3-chọi-2 trong cự ly 40m cuối phần sân Spurs, đồng thời khiến Harry Kane và Dele Alli chỉ có tổng cộng 15 chạm trong 45 phút đầu.
Leroy Sane áp sát Kyle Walker. Một phần quan trọng của chiến thuật Man City là khóa chặt hai hậu vệ biên Tottenham
Không những thế, Man City thậm chí còn đáp lại Tottenham cũng bằng pressing. Aguero chăm chỉ hơn thường lệ, tăng tốc để khiến thủ môn Hugo Lloris phải phát bóng vội. Sane và Raheem Sterling tỏ ra rất hiệu quả trong việc ngăn Tottenham triển khai đánh biên qua hai hậu vệ tốc độ Kyle Walker & Danny Rose.
Một trong những hiệu ứng tức thì của pressing bên phía Man City là khiến các cầu thủ phòng ngự của Spurs mắc sai lầm nhiều hơn thường lệ. Lloris hai lần phát bóng thẳng vào chân cầu thủ Man City, và một lần chuyền quá mạnh khiến Wimmer khống chế hỏng. Eric Dier ăn thẻ vàng khi chọn sai vị trí phòng thủ, và cả Toby Alderweireld vốn chắc chắn cũng vài lần đứng sai chỗ.
Khi mà tâm lý đã bất ổn vì chiến thuật của đối phương, sai lầm là khó tránh. Lloris đã đúng khi rời khung thành để đối đầu Sane, nhưng lại phá bóng tầm ngang ngực khiến Sane dễ dàng ghi bàn. Bàn thua thứ hai sau đó 5 phút còn tồi tệ hơn khi Lloris có thể khống chế ngay quả căng vào của Sterling thay vì để De Bruyne sút.
Thảm họa Otamendi
Claudio Bravo nhận rất nhiều “gạch đá” từ fan Man City vì thủng lưới nhiều lần trong thời gian qua, nhưng hãy thực tế: Man City đá với một hàng thủ dâng cao nên bất cứ cơ hội nào xuất hiện trước cầu môn của họ, đối phương luôn có lợi thế nhất định khi chỉ đối đầu với số ít hậu vệ hay thậm chí chỉ một mình Bravo.
Tôi sẽ không đi sâu vào 2 bàn thua của Man City, mà tập trung vào cách mà Nico Otamendi thi đấu khiến hậu vệ này rất hay mắc sai lầm dưới thời Pep Guardiola. Vấn đề đầu tiên là kỹ năng nhận bóng: Thay vì dùng chạm một để bóng trôi ra trước chân một chút khiến cơ thể thường xuyên chuyển động và có độ phản ứng cao, Otamendi hay lóng ngóng chạm bóng sau cho bóng quá gần mình khiến cơ thể cũng ngừng chuyển động.
Hai bàn thua, hai lần đòi lỗi việt vị của Otamendi
Trạng thái dừng chuyển động cơ thể của Otamendi (và bóng cũng dừng theo) càng khiến những cầu thủ Tottenham vốn chơi pressing muốn xộc tới để cướp, dẫn tới Otamendi có những pha xử lý vội vàng. Nếu Otamendi thường xuyên chuyển động cơ thể, cầu thủ Spurs sẽ do dự hơn khi lao vào vì còn theo dõi xem anh sẽ có hành động gì tiếp theo.
Nếu đó là một vấn đề nhỏ, thì tiếp theo là một vấn đề lớn hơn. Cả hai bàn thắng của Tottenham đều có một hình ảnh chung là Otamendi giơ tay lên xin trọng tài thổi lỗi việt vị. Nhiệm vụ của một hậu vệ là ngăn đối phương dứt điểm, nhưng cả hai lần Otamendi đều bận xin lỗi việt vị thay vì theo người. Bàn thứ nhất Zabaleta đã để lọt Alli, nhưng bàn thứ hai Otamendi còn không đứng gần Heung-min Son trước khi tiền đạo Hàn Quốc dứt điểm.
Rất dễ để dư luận cười nhạo John Stones vì Stones tốn của Man City 50 triệu bảng. Nhưng Otamendi mới là trung vệ tồi nhất của Man City lúc này, và mọi sự tồi tệ đều được thể hiện trong trận hòa Tottenham, trận đấu mà Stones chỉ vào sân từ ghế dự bị ở cuối trận.