Góc chiến thuật Leicester - Sevilla: "Hồn" Shakespeare, "thân" Ranieri
Câu chuyện lãng mạn hệt như áng văn của văn hào William Shakespeare ở Champions League đã được Leicester City viết tiếp, nhờ một Shakespeare khác. Tuy nhiên, chiến công này không thể không nhắc đến sự đóng góp của "người cũ" Claudio Ranieri.
Leicester = "Hồn" Shakespeare + "Thân" Ranieri
Kể từ khi thay thế Claudio Ranieri nắm quyền, Craig Shakespeare đã giúp Leicester City hồi sinh với chuỗi 2 chiến thắng liên tiếp ở Premier League. Nhiều người cho rằng, dấu ấn lớn nhất của chiến lược gia có họ trùng với đại văn hào William Shakespeare lừng lẫy tạo ra ở sân King Power không nằm ở chiến thuật, mà là tinh thần. Quan điểm đó đúng, nhưng chưa đủ.
Craig Shakespeare giúp Leicester City tái hiện lại hình ảnh đỉnh cao thời Ranieri, từ chiến thuật đến con người
Suốt giai đoạn khủng hoảng, Ranieri loay hoay giữa mớ bòng bong chiến thuật, giữa 4-4-2 và 4-2-3-1, bên cạnh hoàng loạt phiên xoay tua nhân sự chóng mặt. Shakespeare chẳng mất thời gian đến vậy khi quyết định... "copy" toàn bộ công thức thành công của người tiền nhiệm ở mùa giải năm trước.
Leicester vẫn vận hành bằng sơ đồ 4-4-2 cùng cặp tiền đạo Vardy - Okazaki (thay vì bản hợp đồng đắt giá Slimani), "cơn lốc" Riyad Mahrez bên hành lang cánh phải cùng bộ tứ vệ quen thuộc. Có chăng, thay đổi duy nhất nằm ở vị trí tiền vệ trung tâm, nơi Ndidi chiếm chỗ của Andy King (người được "cơ cấu" thay thế N'Golo Kante).
Để rồi, với tư duy chiến thuật tưởng chừng đơn giản ấy, Craig Shakespeare đã thành công trong việc tái hiện thứ bóng đá phản công siêu hạng "cộm mác" Ranieri. Những thắng lợi tuyệt đối trước Liverpool, Hull và đặc biệt, Sevilla đêm qua là minh chứng hùng hồn nhất.
Trong khoảng 25 phút đầu tiên, Leicester chủ động nhường thế trận cho Sevilla, để đối thủ thoải mái bắn phá khung thành. Thế nhưng, không chỉ đứng vững qua khoảng thời gian khó khăn nhất, họ còn là đội mở tỉ số trước ở phút 27. Pha lập công của Wes Morgan có phần may mắn (đá phạt, bóng chạm đùi trung vệ này trước khi lăn vào lưới) nhưng là phần thưởng xứng đáng cho sự kiên trì.
Bàn thắng ấn định tỉ số 2-0 xuất phát từ một pha phản công mẫu mực khác. Lần này, Mahrez là người "châm ngòi" để Albrighton lập công.
Đêm qua, CĐV Leciester vẫn mang đến SVĐ King Power những tấm banner tri ân Claudio Ranieri. Còn chiến lược gia người Italia có thể tự hào khi "thân xác" mà ông tạo nên cho Leicester đã được "Shakespeare bóng đá" kế thừa trọn vẹn và thổi vào một tâm hồn lãng mạn!
Sevilla: Đen 1, dở 10
Công bằng mà nói, Sevilla đã trải qua 90 phút "đen đủi" nhất mùa giải 2016/17. Họ là đội nhập cuộc tốt hơn, tạo ra thế trận vượt trội suốt phân nửa thời gian thi đấu hiệp 1. Thậm chí, nếu N'Zonzi thực hiện thành công quả đá phạt đền ở phút thứ 80, cú dứt điểm từ xa tuyệt đẹp của Escudero (phút 48) đưa bóng vào lưới thay vì xà ngang, cục diện có thể xoay chuyển theo hướng khác.
Những khoảnh khắc đen đủi không thể bào chữa cho màn trình diễn tệ hại của Sevilla trên SVĐ King Power
Tuy nhiên, bóng đá không phân định thắng thua bằng tư duy "nếu - thì". Thầy trò Jorge Sampaoli phải tự trách mình vì tâm lí tự mãn, dẫn đến phung phí quá nhiều cơ hội và hớ hênh trong phòng ngự.
Một cầu thủ tâm lí yếu như N'Zonzi không nên được bước lên chấm 11m để đảm nhận trọng trách quá nặng nề. Còn Samir Nasri, "trai hư" làng bóng đá thêm lần chứng minh, cái "tài" luôn đi kèm với cái "tật". Chiếc thẻ đỏ đúng vào thời điểm căng thẳng mà tiền vệ người Pháp nhận ở phút 74 gần như phá hỏng mọi nỗ lực của đồng đội.
Bước vào giai đoạn cuối mùa, Sevilla dần sa sút cả về tinh thần lẫn thể trạng, dường như triết lí "pressing" của Jorge Sampaoli đã bắt đầu bộc lộ những giới hạn tiềm ẩn. Phải chăng, đội bóng xứ Andalucia nên tập trung vào mục tiêu thiết thực hơn ở La Liga, sau bài học thất bại trên đất Anh.