Goal-line: Cách mạng tất yếu cho NHA
Không một giải đấu nào sôi động, hấp dẫn và được yêu thích như giải Ngoại hạng Anh. Những SVĐ đẹp như tranh vẽ; hình ảnh các đội bóng xuất hiện lung linh bởi công nghệ marketing đại tài. Và sắp tới, một cuộc đại cách mạng thực sự có thể sẽ diễn ra, nó càng khiến cho giải đấu này trở nên đáng xem hơn bao giờ hết…
Cuộc cách mạng ấy được mang tên công nghệ Goal-line, nói nôm na đó là một hình thức sử dụng công nghệ máy quay tốc độ cao để xác định những tình huống bóng đã đi qua vạch vôi hay chưa.
Đối với tennis, thì công nghệ này đã chẳng còn xa lạ gì, nhưng với bóng đá thì đây vẫn là câu chuyện được người ta đem ra tranh cãi. Có người nói: bóng đá là một trò chơi mang tính nhân bản, mà đã nhân bản nghĩa là phải chấp nhận cả những rủi ro, sai sót rất “con người”. Nhưng lại có ý kiến: bóng đá hiện đại đang là một cuộc đấu kim tiền thực sự, mà ở đó mọi thứ phải được rạch ròi giữa trắng và đen.
Nước Anh, một quốc gia vốn đặt những giá trị truyền thống lên hàng đầu. Một đất nước mà cái gì thuộc về nó cũng mang tư tưởng của sự bảo thủ, của những quy định hết sức rạch ròi. Cụ thể như trang phục các tay vợt chơi tại Wimbledon bắt buộc phải là màu trắng , hay truyền thống NHA không có kỳ nghỉ đông và thường xuyên lôi nhau ra đá bóng vào những ngày Năm mới và lễ tặng quà.
Ấy vậy mà lần đầu tiên người Anh chịu đi tiên phong trong một cuộc cải cách về bóng đá. Vào ngày hôm nay, 20 vị chủ tịch đại diện cho 20 đội bóng đang chơi tại Premier League sẽ cùng FA nhóm họp lại để đưa ra quyết định có áp dụng Goal-line vào giải đấu này ở mùa giải năm sau hay không. Dư luận trước thềm cuộc họp bàn cấp cao cho thấy, dường như sẽ có một cuộc cách tân thực sự, mang đến một giải Ngoại hạng Anh công bằng hơn, ít tranh cãi hơn.
Sẽ không còn những sai lầm
Không ai khác, người Anh cảm nhận được rõ rệt nhất nỗi đau của việc bị cướp đi một bàn thắng mười mươi. Lục lại ký ức không xa: World Cup 2010, đội tuyển Anh bị từ chối một bàn thắng hợp lệ sau khi Lampard tung cú sút bật xà ngang và rơi sau vạch vôi đến cả mét. Những CĐV của Tam sư khi đó cho rằng nếu bàn thắng được công nhận, cục diện trận đấu giữa họ và người Đức sẽ đi theo một hướng khác.
Nỗi đau ấy vẫn còn hằn nguyên trong tim những người yêu mến ĐT Anh. Và những người trực tiếp điều hành hoạt động của bóng đá Anh cũng sẽ cảm nhận được điều tương tự. Đó là lý do FA quyết định “triệu tập” cuộc họp thượng đỉnh này. Nếu được thông qua thì Ngoại hạng Anh sẽ là giải VĐQG đầu tiên trên thế giới áp dụng công nghệ mang hơi thở thời đại này.
Cũng dễ hiểu thôi, khi mà giải Ngoại hạng giờ đây đã trở thành cuộc chơi của biết bao tỷ phú nổi tiếng thế giới. Họ chấp nhận đổ vào đây hàng tỷ đô la để có được những chiến tích. Sẽ ra sao nếu danh hiệu của cả mùa giải bị tuột khỏi tay chỉ bởi một quyết định sai lầm. Mà rõ ràng, chất lượng của những ông vua sân cỏ tại Anh đang bị quá nhiều điều tiếng. Thực tế đã chứng minh nhiều trận đấu lớn của NHA đã kết thúc luôn kèm theo những điều lăn tăn về công tác trọng tài.
Vậy, sự ra đời của Goal-line là một lẽ tất yếu mà trước sau gì cũng phải được FA phê chuẩn. Thực tế, công nghệ này sẽ được áp dụng lần đầu tiên tại Confederations Cup mùa Hè này và tại World Cup 2014 tại Brazil.
Một khi cuộc họp của đại diện các CLB đi đến thống nhất thì nước Anh sẽ là quốc gia đầu tiên áp dụng công nghệ này cho giải VĐQG của mình. Nguồn tin từ báo Anh đã cho rằng, thực tế việc áp dụng Goal-line cho mùa giải tới đã được thống nhất từ lâu. Chẳng qua hôm nay, những ông chủ của 20 đội bóng được mời đến trụ sở của FA chỉ để chọn ra 1 trong 2 ứng viên tiềm tàng nhất vào lúc này: Hawk-Eye (của Anh) và GoalControl (của Đức, thắng thầu tại Confederations Cup và World Cup 2014). Và theo thông tin mới nhất của báo Anh, Hawk-Eye đã được chọn để cung cấp công nghệ Goal-line cho giải NHA mùa tới.
Trên quan điểm của người hâm mộ, chứng kiến những bàn thắng bị đánh cắp là điều chẳng ai mong muốn. Bóng đá dù chỉ là trò chơi, nhưng nó cũng phải có luật lệ và cách phân biệt người thắng kẻ thua riêng của nó. Mà ở đây, bóng qua vạch vôi, nghĩa là: Vàoooooo!!!