Giúp U19 Việt Nam đi đúng hướng
“Mất bao lâu để lứa Công Phượng hòa nhập với phần còn lại của bóng đá Việt Nam?” là câu hỏi và lời nhắc nhở với lứa U19 Việt Nam vừa giành vé dự World Cup khi sự tung hô thái quá có thể làm hại những người hùng mới.
Dư luận “chín người mười ý” nên khi chứng kiến lứa U19 Việt Nam năm 2016 giành vé dự VCK World Cup U20, sẽ không tránh khỏi việc mang lứa Công Phượng 2014 ra so sánh rồi chế giễu. Tuy nhiên, người tỉnh táo sẽ nhận ra rằng các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn đang đối mặt với hoàn cảnh giống hệt lứa U19 năm 2014.
Cần nhắc lại, thời điểm lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường trình làng bằng một loạt giải đấu tưng bừng cuối năm 2013 đến hết năm 2014, những cầu thủ của lò HAGL Arsenal JMG nhanh chóng trở thành tâm điểm trên khắp mặt báo và mạng xã hội.
Dư luận đem những cầu thủ U19 ra so sánh với các thế hệ đi trước. Dù thiên vị hay không, những thông tin dồn dập về lứa Công Phượng vô hình trung đã tạo ra một khoảng cách trong mối quan hệ đồng nghiệp, dẫn đến thái độ đón nhận không tích cực giữa lứa HAGL với phần còn lại của bóng đá Việt Nam.
Không ít người tự hỏi phải mất bao lâu để Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn hay Xuân Trường... được đón nhận, hay nói chính xác là không bị sự tâng bốc thái quá khiến họ rất khó hòa nhập trở lại với giới cầu thủ khắp cả nước?
Với những đàn anh như Công Vinh (B.Bình Dương), Thành Lương (Hà Nội T&T), hay những cầu thủ trẻ đồng trang lứa như Quế Ngọc Hải (SLNA), Võ Huy Toàn (SHB Đà Nẵng)..., lứa HAGL không tốn nhiều thời gian để kết thân. Nhưng số đông còn lại vẫn chỉ đón nhận dè dặt, họ chỉ hiểu nhau hơn khi được triệu tập lên U23 chuẩn bị cho SEA Games 2015 hay cùng khoác áo đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup.
Cần đánh giá đúng về lứa U19 Việt Nam hiện tại để giúp cả đội tỉnh táo trên bước đường phát triển Ảnh: AFC
Trở lại câu chuyện U19 Việt Nam dưới thời HLV Hoàng Anh Tuấn, giành vé dự World Cup dành cho lứa U20 vào năm 2017 là một kỳ tích của lịch sử bóng đá nước nhà. Các cầu thủ trẻ xứng đáng được tôn vinh vì mồ hôi, công sức và thậm chí là phải chịu đựng sức ép chỉ trích từ dư luận suốt một năm qua, sau thất bại 0-6 trước Thái Lan ở chung kết giải U19 Đông Nam Á 2016.
Tuy nhiên, với tư cách là những người thầy trực tiếp theo sát Trọng Đại, Minh Dĩ, Tiến Dụng hay Quang Hải..., nhiều HLV nhận ra rằng thật sai lầm khi mang lứa U19 của Hoàng Anh Tuấn so sánh với lứa năm 2014. Càng không thể tung hô như thể các cầu thủ trẻ này sẽ sớm “vẽ lại bản đồ bóng đá châu lục và thế giới cho Việt Nam” vì ai cũng biết, chiến tích nhất thời không phản ánh được cả một quá trình dài bóng đá trẻ bị bỏ bê, nhiều lò đào tạo nức tiếng dần lụi tàn do không được đầu tư.
“Bóng đá trẻ Việt Nam mới chỉ được quan tâm đúng mức trong 7-8 năm trở lại đây với sự can thiệp của những doanh nghiệp như HAGL, Viettel, T&T... Tấm vé dự World Cup U20 cũng chỉ là một chút hào quang, còn bóng đá Việt Nam chưa là gì ở châu lục. Tâng bốc các cầu thủ trẻ quá mức chỉ làm hại họ, tạo sự mất đoàn kết giữa những lớp kế cận nhau. Tại sao không xem những lời chúc mừng của Công Vinh, Công Phượng, Xuân Trường dành cho các cầu thủ U19 như một sự động viên đẹp đẽ, mà chỉ chăm chăm lôi họ ra so sánh, kích động lẫn nhau” - một chuyên gia đặt vấn đề.
Đức Chinh vắng trận gặp Nhật Do lãnh 2 thẻ vàng ngay trước trận bán kết nên tiền đạo Đức Chinh là cầu thủ duy nhất của U19 Việt Nam phải vắng mặt khi chạm trán ứng viên Nhật Bản vào lúc 23 giờ 15 phút ngày 27-10. Bảy cầu thủ đã lãnh thẻ của U19 Việt Nam đều được xóa thẻ. Thiếu Đức Chinh nhưng HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn không quá lo lắng khi còn 2 sự lựa chọn cho hàng tiền đạo là Tiến Linh và Trần Thành - người hùng giúp U19 Việt Nam thắng Bahrain. |