"Giáo chủ" Pep Guardiola và thứ tôn giáo bóng đá
Pep Guardiola không còn chỉ đơn thuần là một HLV nữa, ông đã là một biểu tượng sùng bái, một tôn giáo mà tín đồ là các cầu thủ ngôi sao.
Phép thu phục nhân tâm
1/5/2009, đêm muộn ở khu tập huấn Cuitat Esportiva Joan Gamper. HLV trưởng của Barcelona, Pep Guardiola, ngồi trong văn phòng khi một tiếng gõ cửa nhẹ vang lên. Lionel Messi, 21 tuổi, thò đầu qua cửa và được Pep đón vào. Ông đã gọi Messi 30 phút trước để đến gặp ông nói chuyện riêng, tuyệt đối không để ai biết.
Pep đưa Messi ngồi xuống một chiếc ghế hướng về phía màn hình, một đoạn video trận đấu của Real Madrid đang chiếu. Pep chỉ về phía một khoảng trống rộng ở tuyến phòng ngự Real, nói: “Mai tôi muốn cậu xuất phát ở cánh như thường lệ, nhưng khi tôi ra hiệu, hãy tách xa khỏi các tiền vệ và chạy vào khoảng trống tôi vừa chỉ. Khi nào Xavi hoặc Iniesta vượt qua tuyến giữa đối phương, hãy chạy ngay về phía khung thành Casillas”.
Ngày hôm sau, Barcelona hủy diệt Real 6-2 ngay tại Bernabeu, Messi lập cú đúp và kiến tạo 1 bàn cho Thierry Henry.
Messi và Pep Guardiola sau chức vô địch La Liga 2011/12
9 tháng trước trận đấu lịch sử ấy, Pep cùng các cầu thủ Barca tập huấn ở Scotland. Messi vừa trở về từ Olympic Bắc Kinh với huy chương vàng bóng đá nam, nụ cười trên môi vì được dự giải bất chấp ban lãnh đạo Barcelona phản đối vì không muốn mạo hiểm cầu thủ con cưng. Pep Guardiola đã từng đoạt HCV Olympic 1992, do vậy ông gần như nói với Messi rằng “Mặc kệ chủ tịch, hãy đi và đoạt huy chương”.
Trong một buổi tập, Rafael Marquez đốn ngã Messi từ phía sau khiến Leo mất đi sự bình tĩnh vốn có. Các đồng đội lao vào can ngăn cho tới khi Pep xuất hiện. Pep không đả động gì với Marquez, thay vào đó ông lôi Messi ra một bên để nạt nộ. Messi cúi đầu không nói gì trước khi xin lỗi ông và trở lại tập.
Có được một Lionel Messi biết nghe lời là mấu chốt của mọi thành công mà Pep Guardiola gặt hái tại Barcelona. Ở thời điểm Pep Guardiola lên nắm quyền, Messi vẫn mới chỉ ngang với Javier Saviola hay những cầu thủ triển vọng được gọi là “Maradona mới” trước kia. Chỉ có Pep dám tin tưởng vào Messi, cho anh được đi Olympic và trọng dụng anh làm ngôi sao mới của đội bóng, cũng như bán đi Ronaldinho và Deco. Lòng trung thành của Messi đã thuộc về Pep từ đó.
Biểu tượng sùng bái
Có một HLV nào đó từng nói, “80% thành công của nghề huấn luyện là nhờ sở hữu cầu thủ”. Ngay cả Johan Cruyff, người xây nên nền tảng của chiến thuật tiki-taka ở Barcelona, cũng phải nói: “90% thời gian, đội nhiều cầu thủ giỏi hơn thắng trận”.
Pep Guardiola trưởng thành trong bóng đá nhờ Johan Cruyff, và ông hơn ai hết hiểu rõ vai trò của cầu thủ đối với các HLV. Đó là lý do vì sao ông đặt ưu tiên hàng đầu là thu phục Messi khi mới lên dẫn dắt Barcelona, khiến Messi phải nể phục và tuân theo lời ông để thực thi chiến thuật. Ví dụ ấy đã tạo nên một sức hút đặc biệt dành cho Pep Guardiola, một sức hút ít có HLV nào hiện nay sở hữu: Khả năng tuyển mộ và thu phục những tài năng lớn nhất về tay mình.
Kể từ mùa giải ăn ba 2008/09, đã có nhiều cầu thủ giỏi đến thi đấu cho Pep Guardiola. David Villa từ Valencia, Javier Mascherano từ Liverpool, Alexis Sanchez từ Udinese và cả Cesc Fabregas cũng rời bỏ băng đội trưởng của Arsenal để trở về quê nhà. Khi Pep sang Bayern, ông mang theo Thiago Alcantara từ Barca, và ở mùa kế tiếp ông đón Xabi Alonso với Robert Lewandowski.
Pep bên cạnh Franck Ribery
Với khả năng của mình, ông không chỉ biến Messi thành vĩ đại, ông biến Jerome Boateng, Javi Martinez thành cầu thủ xuất phát ở Bayern. Pedro & Sergio Busquets còn đang chơi bóng ở giải hạng 3 năm 2008, và 20 tháng sau họ là cầu thủ đá chính của TBN ở World Cup 2010 nhờ Pep. Các CLB châu Âu do vậy thèm muốn Pep Guardiola, bởi không chỉ họ sẽ được đón một nhà cầm quân giỏi chiến thuật, họ có thể trông cậy ông thu hút người tài về CLB.
Không phải cầu thủ nào cũng ưa Pep. Zlatan Ibrahimovic, Yaya Toure và hiện tại là Mario Gotze đều không được Pep trọng dụng, nhưng lý do vì sao? Thierry Henry có cách giải thích: “Pep giải thích với tôi vì sao tôi phải tin đồng đội, vì đồng đội sẽ tin lại tôi. Có một lần tôi đá 30 phút và không chạm bóng mấy. Tôi tự ý đổi cánh để lấy bóng, ghi 1 bàn và kiến tạo 1 bàn trong 15 phút cuối hiệp. HLV sau đó thay tôi ra, và tôi biết vì sao”.
Đó cũng là lý do vì sao Pep đẩy Ronaldinho và Deco, hai cầu thủ chơi bóng quá tự do, khỏi Barca khi ông mới lên nắm đội. Người ta đã xem đó là một canh bạc, nhưng một canh bạc đại thành công. Điều đó càng củng cố hơn ham muốn của các CLB lớn được sở hữu Pep Guardiola, người có thể củng cố kỷ luật đội bóng rất nhanh nhưng đủ mềm mỏng để thu phục các ngôi sao.
Hơn cả một HLV, Pep Guardiola đã trở thành một biểu tượng sùng bái, một thứ tôn giáo mà các tín đồ nguyện trung thành.