Gian nan cầu thủ nhập tịch lên tuyển
Số cầu thủ nhập tịch từng được triệu tập vào đội tuyển Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu cho các trận đấu giao hữu và bị gạt ra ngoài kế hoạch sử dụng của các HLV khi bước vào giải đấu chính thức.
Trường hợp được nhắc tới nhiều nhất phải kể đến thủ môn Phan Văn Santos (Đồng Tâm Long An). Năm 2008, trong giai đoạn chuẩn bị cho AFF cup, Phan Văn Santos đã từng được HLV H.Calisto gọi vào đội tuyển Việt Nam. Thời điểm trên, Santos được đánh giá là một trong những thủ môn tốt nhất Việt Nam, nổi bật bởi thân hình hộ pháp.
Thủ môn Phan Văn Santos (trái) từng không tận dụng được cơ hội khi được triệu tập vào ĐTVN năm 2008. Ảnh: VSI.
Đáng tiếc, thủ thành gốc Brazil đã không tận dụng được cơ hội ông thầy cũ trao cho. Tại giải giao hữu quốc tế trước thềm AFF cup 2008 diễn ra ở TP HCM, Santos đã mắc nhiều lỗi nghiêm trọng về chuyên môn, buộc lòng HLV Calisto phải loại anh và bổ sung bằng thủ môn Dương Hồng Sơn. Với việc Dương Hồng Sơn thi đấu cực hay ở AFF cup 2008, góp công lớn đưa đội tuyển Việt Nam đoạt chức vô địch, cánh cửa lên tuyển của Santos về sau đã bị khép lại.
Dưới thời HLV H.Calisto, đội tuyển Việt Nam còn nhiều lần triệu tập các cầu thủ nhập tịch khác như Huỳnh Kesley Alves, Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max. Tuy nhiên, tất cả đều không trụ lại được trên tuyển lâu. Các cầu thủ này chỉ tham gia tập luyện, thi đấu ở một vài trận đấu giao hữu rồi bị loại khi tuyển Việt Nam bước vào các giải đấu chính thức. Chia tay ông Calisto, bóng đá Việt Nam gần như quên luôn chuyện triệu tập các cầu thủ nhập tịch lên tuyển, cho đến khi vấn đề này được “xới” lại thời gian vừa qua.
Chuyên môn chỉ là câu chuyện bàn thêm
Ở góc độ chuyên môn, so với các cầu thủ nội thì cầu thủ nhập tịch được đánh giá cao hơn hẳn, đặc biệt ở góc độ thể lực, thể hình. Đối với vấn đề này, thực tế dư luận hiện chia làm 2 luồng quan điểm trái chiều.
Một luồng cho rằng cầu thủ nhập tịch có quốc tịch Việt Nam cần được đảm bảo đầy đủ các quyền công dân, và chuyện được triệu tập vào đội tuyển nếu đáp ứng yêu cầu chuyên môn là hiển nhiên. Việc triệu tập các cầu thủ nhập tịch sẽ giúp nâng cao sức mạnh của đội tuyển. Quan điểm ngược lại thiên về mong muốn các ĐTQG cần thuần chất Việt Nam, không đặt nặng vấn đề thành tích.
Đứng trước vấn đề này, LĐBĐVN (VFF) thường xuyên phải “đẩy” trách nhiệm về phía các HLV trưởng, khi khẳng định HLV có toàn quyền quyết định về chuyên môn. Thực tế chứng minh rằng đây chỉ là cách VFF né đưa ra câu trả lời trực tiếp, khi liên đoàn cũng vướng những vấn đề phía sau.
Một cựu lãnh đạo VFF từng chia sẻ với Tiền Phong rằng, việc triệu tập cầu thủ nhập tịch lên tuyển có thể khiến những người nặng tinh thần dân tộc cảm thấy không thoải mái. Vào thời điểm hiện tại, khi chưa có những khảo sát cụ thể thì rất khó đong đếm được phản ứng của dư luận trong trường hợp vào một ngày nào đấy, đội tuyển Việt Nam bỗng xuất hiện một vài ông Tây, “trông không giống người Việt Nam”.
Ở góc độ chuyên môn có thể tin rằng bất kỳ HLV nào cũng muốn sở hữu trong tay đội hình với những cầu thủ xuất sắc nhất để phục vụ cho mục tiêu thành tích. HLV H.Calisto nổi tiếng là người có tính cách bộc trực và nhiệt thành, điều này có vẻ như cũng giúp ông thầy người Bồ Đào Nha ít nhiều được VFF chịu nhún.
Thế nên mới có chuyện vài cầu thủ nhập tịch được gọi lên tuyển ở dưới thời nhà cầm quân này. Đối với các HLV khác như A.Riedl, Falko Goetz… thì đây là chuyện vô cùng khó khăn. HLV Nguyễn Hữu Thắng hiện nay cũng vậy, cho dù ông Thắng cũng được VFF cho “toàn quyền về chuyên môn”.
Các HLV trong nước thường không đưa ra một ý kiến chính thức nào về việc cầu thủ nhập tịch lên tuyển. Tuy nhiên, các HLV ngoại thì khác. Cả ông Calisto và một người tiền nhiệm khác từng có vài dịp bộc bạch rằng, bị vấp phải những rào cản khi muốn triệu tập cầu thủ nhập tịch vào đội tuyển Việt Nam. |