Giải mã những thói quen sinh hoạt khác biệt của VĐV Việt Nam
Hồi tưởng về quãng thời gian gắn bó cùng các đội tuyển thể thao Việt Nam, nhiều HLV, chuyên gia nước ngoài đều khẳng định ban đầu họ cảm thấy bất ngờ, thậm chí lo lắng cho học trò về những thói quen sinh hoạt thiếu khoa học. Nhưng sau tất cả, những ông thầy ngoại dần chấp nhận bởi đó là thực tế chung tại khu vực Đông Nam Á.
Ăn mì tôm, đi xe máy
Đầu năm 2024, HLV Toshiya Miura đã nhận trả lời phỏng vấn về quãng thời gian làm việc tại đội tuyển bóng đá nam Việt Nam. Ở đó, ông chia sẻ không ít chi tiết thú vị về những điểm được người Việt Nam cho là bình thường, nhưng rất bất thường trong mắt người làm thể thao quốc tế. Một trong những điểm được HLV Miura nhắc lại là việc cầu thủ Việt Nam có thói quen ăn uống thiếu khoa học.
Duy Mạnh từng lỡ lên tuyển vì gặp tai nạn xe máy.
Nhiều người ăn mì tôm ngay trước khi đi ngủ, dù biết điều đó có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, cũng như lịch sinh hoạt những ngày tiếp theo. Ngoài ra, ông thầy Nhật Bản cũng bất ngờ trước cảnh các cầu thủ đi xe máy. "Tại những nơi tôi từng làm việc trước đây như Nhật Bản và Đức, cầu thủ bị cấm đi xe máy. Họ chỉ có thể di chuyển bằng ôtô. Điều này cũng được các đội bóng Thái Lan áp dụng. Nhưng ở Việt Nam, phần lớn các cầu thủ đi xe máy ngoài đường. Điều đó tiềm ẩn không ít nguy cơ gặp chấn thương ngoài sân cỏ", HLV Miura chia sẻ. Trên thực tế, nỗi lo của HLV Miura là có thật. Trước thềm vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á, trung vệ Đỗ Duy Mạnh gặp tai nạn giao thông do bị một người đi xe máy ngược chiều đâm phải. Tai nạn này khiến Duy Mạnh phải nhập viện khâu vết thương và bỏ lỡ cơ hội lên tuyển.
Câu hỏi "tại sao cầu thủ Việt Nam cứ đi xe máy" đã khiến HLV Miura suy nghĩ nhiều ngày. Ông thừa nhận ban đầu mình cảm thấy khó chịu. Nhưng sau tất cả, cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam chấp nhận đó là một phần trong cuộc sống hàng ngày, nơi thu nhập bình quân của một gia đình chưa thể giúp họ sắm ôtô như nhiều quốc gia khác. Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, lương bình quân của người lao động khối doanh nghiệp trong năm 2023 ước tính ở mức 8,5 triệu đồng mỗi tháng. Cầu thủ bóng đá, nhất là tuyển thủ quốc gia không đại diện cho mẫu số chung. Họ là những người hưởng mức thu nhập rất lớn nếu so với các VĐV trong giới thể thao thành tích cao. Trong những ngày đầu năm 2024, Bộ Chính trị đã yêu cầu các cơ quan chức năng hoàn thiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc và đãi ngộ cho HLV, VĐV thể thao thành tích cao. Bởi, với khung chính sách hiện tại, một VĐV đội tuyển quốc gia chỉ có thu nhập trên dưới 8,1 triệu đồng/tháng, thấp hơn một người lao động bình thường thuộc khối doanh nghiệp. Nếu VĐV có thu nhập thấp hơn một lao động bình thường, họ sao có thể sắm ôtô để đi? Một chiếc xe máy cũng là mơ ước với nhiều VĐV, nhất là với những người sinh ra trong cảnh cơ hàn. Họ coi thể thao như chiếc phao cứu sinh thoát khỏi nghèo khó. Nhưng chỉ rất ít người trong số đó có thể hiện thực hóa giấc mơ thoát nghèo.
Câu chuyện VĐV phải ăn mì tôm, nhất là trong những chuyến tập huấn nước ngoài, lại xuất phát từ một phạm trù khác. Sau quãng thời gian làm việc cùng đội tuyển Việt Nam, HLV Miura thừa nhận một sự thật: Ẩm thực Việt Nam quá độc đáo, quá khác biệt so với phần còn lại. Vì thế, cầu thủ Việt Nam khó có thể ăn thực phẩm bản địa khi xuất ngoại thi đấu. Nếu cầu thủ, VĐV không thể ăn thức ăn bản địa, họ buộc phải tìm đến nguồn thực phẩm khác để bổ sung năng lượng. Mì gói được chọn vì dễ mang đi, lại không bị hạn chế nhập cảnh. Chính các đội bóng Nhật Bản cũng có thói quen mang theo mì gói khi thi đấu nước ngoài, nếu kinh phí đội không thể kham phần đãi ngộ cho đầu bếp hay chuyên gia dinh dưỡng.
Phong độ và chấn thương
Trong những giải đấu lớn gần đây như Olympic Tokyo và Á vận hội Hàng Châu, nhiều VĐV hàng đầu của thể thao Việt Nam đã không thể đạt thành tích như kỳ vọng. Bên cạnh việc họ gặp chấn thương, nhiều VĐV bất ngờ thi đấu dưới sức. Thành tích của họ tụt lại rất nhiều so với thời điểm tranh tài ở những giải quốc gia, cũng như SEA Games. Đâu là lý do khiến nhiều VĐV đỉnh cao của Việt Nam có thành tích thụt lùi khi ra sân chơi lớn? Để giải đáp cho thắc mắc này, nhiều VĐV, HLV đã nhắc đến một câu chuyện muôn năm cũ. VĐV phải tập nặng với cường độ cao trong một thời gian dài mà không có chuyên gia trị liệu. Đây là điểm thiếu khoa học, và rất khác so với những quốc gia có nền thể thao tiên tiến.
Thái Lan là một trong những điểm đến quen thuộc của các đội tuyển thể thao Việt Nam khi tập huấn nước ngoài. Bên cạnh thủ tục xuất cảnh dễ dàng, không phải xin visa, cũng như chi phí ăn ở hợp lý, có một nguyên nhân khác để nhiều đội tuyển chọn Thái Lan. Ở đó, đội ngũ bác sĩ, chuyên viên chăm sóc có thể hỗ trợ các VĐV, HLV với chi phí rất rẻ. "Sau mỗi buổi tập nặng, chúng tôi có thể thuê bác sĩ, chuyên viên của đội tuyển Thái Lan giúp xoa bóp, giãn cơ với số tiền vào khoảng 300-400 Baht mỗi người. Đây là chi phí thấp, nhưng vẫn cao so với VĐV vì khoản tiền này mọi người phải tự chi cá nhân. Vì thế, nhiều người tiết kiệm bằng cách chỉ thuê 2 lần mỗi tuần", một VĐV chia sẻ.
Trong bối cảnh đó, thể thao Việt Nam đã đón nhận một tin vui, khi những lãnh đạo ngành đã dần quan tâm đến y học, khoa học thể thao. Công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng, cũng như đào tạo chuyên viên trị liệu cho VĐV bắt đầu được tiến hành một cách bài bản. Đó là bước khởi đầu để hướng đến một nền thể thao hiện đại và toàn diện.
Lợi ích quốc gia được đặt lên hàng đầu
Tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, vận động viên có thể từ chối lên đội tuyển quốc gia. Đây là điều đã xảy ra với đội tuyển bóng đá nam Thái Lan trong năm 2023. Malaysia cũng chứng kiến tình trạng nhiều VĐV cầu lông hàng đầu tuyên bố ly khai khỏi đội tuyển quốc gia, bởi điều này giúp họ tự do ký hợp đồng tài trợ với thu nhập rất lớn.
"Những câu chuyện của bóng đá Thái Lan không bao giờ xuất hiện tại Việt Nam. Ở đó, lợi ích quốc gia được đặt lên hàng đầu. Mọi VĐV, HLV, cũng như câu lạc bộ phải phục vụ cho lợi ích của đội tuyển. Vì thế, công việc của HLV đội tuyển quốc gia có rất nhiều điểm thuận lợi, bởi mọi người đều hướng về một mục tiêu chung", HLV Miura hồi tưởng.
Sự tận tụy của VĐV, HLV Việt Nam còn thể hiện ở việc nhiều người trong số họ chấp nhận gắn bó với thể thao thành tích cao, thay vì bươn chải mưu sinh ngoài xã hội. Nhiều VĐV thẳng thắn thừa nhận, cuộc sống của họ và gia đình đã thay đổi rất nhiều khi theo đuổi thể thao. Do đó, tất cả quyết định gắn bó như một cách "trả nợ" với lựa chọn này.
Nguồn: [Link nguồn]
Đội tuyển Việt Nam chính thức mất ngôi số 1 Đông Nam Á trên bảng xếp hạng FIFA mới nhất khi rơi xuống hạng 105 thế giới.