Giải mã loạt trận thua tối tăm mặt mũi của các "đại gia"
Bóng đá đỉnh cao trong mùa bóng này khác hẳn những mùa vừa qua. Đỉnh điểm khác biệt đã đến, bởi chưa bao giờ trong sự nghiệp huấn luyện của mình, Pep Guardiola thua liền 4 trận. Điều đang xảy ra ngay lúc này?
Video trận Man City thua sốc Sporting Lisbon:
Tỷ số đậm và những chuỗi thất bại rủ nhau xuất hiện
Đây là một hiện tượng lạ, chỉ mới xuất hiện lần đầu tiên ở đấu trường Champions League, khi tỷ số đậm xuất hiện rất nhiều, trong những cặp đấu có chất lượng cao. Cần lưu ý “chất lượng cao” có nghĩa đôi bên đều mạnh, nên mới đáng gọi là “hiện tượng”. Nếu như người ta thắng/thua bằng tỷ số đậm do chênh lệch hẳn về đẳng cấp thì không có gì đáng bàn.
Pep và Man City nhận thất bại kinh hoàng trước Sporting ở cúp C1
Tái ngộ vài tháng sau khi đá trận chung kết Champions League mùa trước, Real Madrid đè bẹp Borussia Dortmund với tỷ số 5-2. Đấy cũng là lúc Barcelona thắng Bayern Munich 4-1. Tiếp đó, Liverpool thắng Leverkusen 4-0. Đức là một trong hai nền bóng đá thành công nhất ở đấu trường 3 cúp châu Âu mùa trước (nên mới được thưởng thêm 1 suất dự Champions League mùa này).
Nhắc lại như thế để thấy khi 3 đại diện tiêu biểu nhất của Bundesliga đều thua đậm thì đấy quả là câu chuyện lạ. Chắc chắn Bayern, Leverkusen, Dortmund đều không quá yếu như sự thể hiện của các tỷ số vừa nêu. “Đỉnh của đỉnh” là chuyện Sporting Lisbon thắng Man City 4-1, cùng lúc với trận AC Milan thắng 3-1 ngay trên sân Real. Vấn đề không khác: làm sao có thể nghĩ rằng Real và Man City yếu hơn đối thủ của họ đến mức độ phải thua đậm như vậy!
Một hiện tượng khác cũng đã diễn ra song song, khi một ông lớn thua trận, kết quả ấy rất dễ kích hoạt cho cả một chuỗi trận thua, chứ không chỉ là cú sẩy chân bất chợt. Chưa bao giờ trong sự nghiệp huấn luyện, Pep Guardiola lừng lẫy thua đến 4 trận liên tiếp (tính chung mọi giải) như chuỗi trận thua hiện thời.
Real thua Milan ở Champions League, sau khi thua đậm Barcelona 0-4 ở trận El Clasico tại La Liga. Arsenal thua Inter, sau khi đã thua Newcastle ở Premier League. Aston Villa thua liên tiếp 4 trận, từ League Cup tới Premier League và Champions League.
Thứ bóng đá khoa học trước đây chưa từng xuất hiện
Thời nay, trí tuệ nhân tạo đã được áp dụng trong mọi ngóc ngách của cuộc sống, không trừ bóng đá đỉnh cao. Và dĩ nhiên, đấy không phải là chi tiết cao cấp duy nhất để phân biệt thứ bóng đá hiện tại với các thời kỳ trước đây.
Nào là siêu máy tính của hãng Opta, nào là vô số luận án được thực hiện ở những trường đại học danh giá nhất thế giới chỉ để phân tích đến từng chi tiết nhỏ, cụ thể nhất trong trò chơi bóng đá. Người ta nghiêm túc huấn luyện và tập miệt mài từ quả ném biên đến tình huống giao bóng. Có cả HLV (hoặc là chuyên gia, gọi sao tùy bạn) chuyên trách… giấc ngủ nữa.
HLV Wenger từng thành công với Petit
Bóng đá đỉnh cao từng có huyền thoại Arsene Wenger, với khả năng tuyệt luân chưa từng có trường hợp nào tương tự, trong suốt lịch sử. Ông biến tiền vệ cánh chuyên chơi tấn công Emmanuel Petit thành tiền vệ trụ. Ông mua về tiền vệ cánh tầm thường Thierry Henry, rồi biến thành một trung phong thượng thặng. Hàng chục cầu thủ khác cũng đã thay đổi như vậy, dưới tay Wenger.
Cặp mắt tinh tường của Wenger phát hiện giá trị ngôi sao trong vỏ bọc rẻ tiền của các cầu thủ chưa có tên tuổi. Ông mua về cho Arsenal các cầu thủ rẻ tiền, sử dụng thành công, rồi bán đi với giá ngôi sao. Triết lý của Wenger còn quan trọng hơn cặp mắt của ông.
Theo Wenger, giữa hàng tỷ con người trên thế giới này, không ai hoàn toàn giống nhau. Mỗi người có sở trường riêng. Khác biệt chỉ là bao nhiêu người được giao việc đúng sở trường. Giống như câu chuyện bắt con cá leo cây vậy.
Thế rồi, ngành thống kê bóng đá phát triển nhảy vọt. Opta nổi tiếng bất quá chỉ vì đi đầu trong lĩnh vực này. Chứ các chuyên viên giỏi giang nhất trong ngành thống kê số liệu chuyên môn bóng đá đều đã được mời về phụ trách bộ phận riêng, làm việc theo những yêu cầu riêng của từng ban huấn luyện. Và Wenger… hết thời.
Đặc điểm của mọi cầu thủ xa lạ nhất bây giờ đều đã nằm gọn trong máy vi tính của các chuyên gia, các HLV tha hồ mổ xẻ, phân tích. Đấy chỉ là một ví dụ nhỏ, cho thấy bóng đá đã thay đổi như thế nào trong thời buổi khoa học kỹ thuật này.
Khi Pep, hoặc Ancelotti... bị lộ tẩy
Phá dễ hơn xây, thực tế luôn như vậy. Pep Guardiola phải tốn bao công sức, thời gian để xây dựng và áp dụng đến mức nhuyễn nhừ hệ thống chiến thuật theo triết lý bóng đá riêng của ông. Nhưng khi mất đi Rodri và vài mắt xích quan trọng khác, cả một hệ thống chiến thuật của Pep sẽ mất đi những gì?
2 chiến lược gia đại tài Ancelotti và Guardiola cũng có lúc phải nếm thất bại
Làm sao để tấn công vào hệ thống đã hỏng hóc ấy? Bộ phận phân tích dữ liệu của các đội bóng đối thủ tha hồ phát huy năng lực. Để rồi, từ Bournemouth, Brighton cho đến Tottenham, Sporting đều dễ dàng quật đổ Man City. May cho Pep, khi bóng đá tầm CLB tạm ngưng để ông và các trợ lý có thêm thời gian để khắc phục các lỗi hệ thống. Đá tiếp, trong hoàn cảnh này, Man City rất dễ… thua nữa.
Đấy chính là câu trả lời vì sao tỷ số đậm, hoặc các chuỗi thất bại liên tiếp, dễ nảy sinh trong bóng đá thời nay. Ngay cả các siêu CLB cũng có thể dễ dàng sụp đổ, một khi đối phương đã tìm ra đúng nhược điểm của họ, nhờ sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật. Và khi mọi chuyện vào guồng, bàn thua cứ thế xuất hiện, trận thua khác sẽ nối tiếp trận thua này. Máy mà. Chỉ cần đội mạnh bị “lộ tẩy” một lần!
Đẳng cấp chỉ là nhất thời
Phong độ là nhất thời, trong khi đẳng cấp là mãi mãi? Đúng, câu này thường được áp dụng cho tình trạng một đội bóng lớn thi thoảng cũng rớt phong độ và thua bất ngờ, sau đó sẽ lại thể hiện đẳng cấp cao. Một mặt, “phong độ nhất thời” có thể mang lại cả một serie thất bại, chứ không chỉ là một trận hoặc 1 bàn thua, trong bóng đá thời nay.
Mặt khác, trong bóng đá thời nay, có khi đẳng cấp cũng chỉ là nhất thời. Vị thế đẳng cấp “hàng đầu thế giới” của Wenger đã tan biến trong nháy mắt, khi máy móc xuất hiện, làm thay công việc “nhìn người” của ông, với sai số gần như bằng 0! Rồi đây, cũng sẽ đến lúc cách huấn luyện theo triết lý của Pep Guardiola, hoặc Jurgen Klopp hết thời.
Ten Hag bị MU sa thải vì kém tài?
Huấn luyện theo triết lý làm cho người ta trở thành cỗ máy chiến thắng, cứ thắng mãi khi mọi chuyện ổn thỏa. Nhưng khi cỗ máy bị vô hiệu hóa, thì sẽ thất bại hàng loạt. Klopp đã “bỏ của chạy lấy người”. Chắc phải có nguyên nhân, ông mới chia tay Liverpool và không huấn luyện đội nào khác.
Tất nhiên, các đội mạnh như Arsenal, Real Madrid, Man City luôn có khả năng chiến thắng trở lại, sau khi khắc phục vấn đề riêng của họ. Chúng ta chỉ đang mổ xẻ vì sao các đội mạnh có thể thua liên tiếp, hoặc thua với tỷ số đậm trong thời buổi này. Không ai đặt ra vấn đề sa thải HLV khi các đội vừa nêu liên tục thất bại.
Còn chuyện Erik Ten Hag đáng bị MU sa thải thì khác hoàn toàn. Ten Hag là trường hợp mất việc vì kém tài thuần túy, vì lộ rõ thực tế ông không làm được gì.
Fabian Hurzeler mới 31 tuổi nhưng đang đưa Brighton tranh top 4 Premier League, và đã đánh bại được Pep Guardiola lẫn Ten Hag
Nguồn: [Link nguồn]