Giải mã hiện tượng SLNA
Chuyên gia Tanabe đi khắp sân cỏ Việt Nam và có hai CLB khiến ông quan tâm nhất là Sông Lam Nghệ An (SLNA) và Đồng Nai. Đáng chú ý là cả hai CLB trên đều không thuộc hàng đại gia rủng rỉnh tiền bạc. Ngược lại thì họ có sức mạnh từ đội ngũ cổ động viên, từ yếu tố tinh thần và khát khao khi ra sân của các cầu thủ và nhất là hình thành được tính địa phương, tính truyền thống có sẵn trong chất “cây nhà lá vườn”.
Nếu Đồng Nai là một tân binh đi sân nhà hay đá sân khách cũng đều mang tư tưởng kèo dưới và chơi rặt một kiểu phòng ngự phản công thì SLNA đi đâu cũng thể hiện mình là kèo trên. Đặc biệt hơn là rất nhiều sân khách mà SLNA đi đá cũng sôi động, cuồng nhiệt trên khán đài không thua gì sân nhà.
Từ Đoàn bóng đá SLNA…
Những năm 1990, khi bóng đá SLNA bắt đầu có chỗ đứng trên bản đồ bóng đá Việt Nam thì mô hình Đoàn Bóng đá SLNA ra đời. Việc hình thành mô hình Đoàn Bóng đá hồi đấy là cả bước đột phá lớn khiến các CLB trên cả nước đổ xô đến Nghệ An tìm hiểu về cách hình thành mô hình Đoàn Bóng đá có con đấu riêng, tài khoản riêng chứ không “ăn nhờ, ở đậu” Sở TDTT.
Cha đẻ của mô hình đấy là ông Nguyễn Hồng Thanh. Ông Thanh được ví là “Khổng Minh xứ Nghệ”, dù Nghệ An chỉ là quê hương thứ hai của ông. Ông rời đất Huế về Nghệ An sống và làm việc rồi gắn với nghiệp bóng đá từ thời trai trẻ, dù có em trai làm cán bộ rồi làm HLV đội Huế và một người nữa dạy học ở Đại học TDTT TP.HCM.
SLNA nổi tiếng với lò đào tạo cầu thủ trẻ
Trong khi nhiều đội bóng thở bằng lỗ mũi của Sở TDTT địa phương và cứ ngửa tay chờ bầu sữa từ Sở rót xuống cho bóng đá thì Đoàn Bóng đá SLNA với con dấu và tài khoản riêng đã chủ động được nhiều thứ mà đặc biệt là cân đối, tính toán được chế độ đầu tư cho tuyến trẻ mà họ luôn chú trọng.
Với Đoàn Bóng đá đấy, SLNA thoát được cảnh ngồi chờ cầu thủ năng khiếu đến xin ghi danh như nhiều địa phương mà họ chi tiền cho đội ngũ giáo viên, các bộ đi các vùng sâu, vùng xa và thậm chí là lên tận những vùng núi xa xôi để tìm kiếm tài năng. Hồi đấy, gặp tôi trong đợt tuyển sinh rầm rộ tại Nghệ An, ông Nguyễn Hồng Thanh khi đấy là Trưởng đoàn bóng đá đã hồ hởi khoe: “Nghệ An nhiều nhân tài lắm và cách tuyển sinh tận vùng sâu vùng xa, chủ động tìm đến các em hy vọng sẽ không bỏ sót nhân tài. Nếu các địa phương khác có vài chục em đến đăng ký là mừng thầm thì SLNA chọn lọc thành phần năng khiếu từ vài nghìn em ở cả tỉnh qua cách làm riêng của mình”.
Kết quả là trong nhiều lứa cầu thủ thành danh, có những em ở rất xa cách TP Vinh trăm cây số. Có em ở tận miền núi nơi tưởng chừng bóng đá không thể đến được… Và họ đã tập trung dưới một mái nhà chung là Đoàn Bóng đá và được dạy dỗ bóng đá để phát triển tố chất… Thêm một đặc điểm là ở Nghệ An câu chuyện về các cầu thủ đá bóng đã trở thành mục tiêu của rất nhiều trẻ em ở vùng quê nghèo mong có cơ hội đổi đời…
Đến hiện tượng SLNA vượt qua tất cả các đại gia
Khi bóng đá Việt Nam bắt đầu lên chuyên nghiệp thì ông Nguyễn Hồng Thanh xác định ngay: “Ở các địa phương có thể hình thành đội bóng từ nguồn quỹ rất lớn và mua cầu thủ từ mọi nơi về nhưng với cái nôi bóng đá Nghệ An thì dứt khoát phải là cầu thủ địa phương. Bởi chúng tôi xác định đấy là một phần của bóng đá chuyên nghiệp và là tài sản vô giá thể hiện được tính truyền thống của bóng đá Nghệ An…”.
Lên chuyên nghiệp nếu nhiều CLB xây bóng đá bằng tiền của doanh nghiệp bù lại họ đổi quỹ đất, đổi dự án cho doanh nghiệp thì bóng đá Nghệ An lại vẫn làm chuyên nghiệp từ cái gốc của Đoàn Bóng đá. Họ xác định sự hiện của doanh nghiệp chỉ là phần hợp tác chứ không thể thay phần hồn làm nên chất Nghệ trong bóng đá. Bằng chứng là từ thời Dầu khi sang đến Ngân hàng… gắn với bóng đá Nghệ An thì phần chủ động vẫn là những người có chuyên môn xác định tính truyền thống địa phương “làm chủ” đội bóng. Họ xác định được giới hạn của doanh nghiệp khi tham gia vào đội bóng chứ không như nhiều đội vẫn có tư tưởng ai bỏ tiền ra thì người đó làm chủ.
Tại V-League, SLNA đang vững vàng ở ngôi đầu BXH
Chính vì thế mà bóng đá SLNA dù trải qua nhiều thời kỳ khó khăn, dù bị chia cắt bởi “nội chiến”, hay đấu đá… thì họ vẫn giữ được phần gốc là nền tảng từ tính địa phương và xây chân móng thật chắc từ các thế hệ cầu thủ trẻ của lò đào tạo nổi tiếng này.
Cũng từ tính địa phương đấy mà lực lượng cổ động viên SL Nghệ An luôn lớn mạnh trên khắp mọi miền đất nước. Những cổ động viên theo dõi bước chân của đội bóng xứ Nghệ luôn tự hào vì con em của mình, làng xóm mình và hơn hết là người Nghệ An hiện diện trong đội bóng SLNA. Điều đấy những đội bóng đại gia đổ rất nhiều tiền vào bóng đá như XMXT Sài Gòn, Hà Nội T&T, B. Bình Dương, V. Hải Phòng, V. Ninh Bình… không thể có được.
Và bóng đá Nghệ An đang sống, đang thở với bước đi rất riêng nhưng phù hợp với đặc điểm của bóng đá Nghệ An mà vẫn giữ được tính chuyên nghiệp khi gắn kết giữa đội bóng và đội ngũ cổ động viên mà không phải đội nào cũng có được. Họ đang có một thu hoạch rất sáng qua 6 trận liên tục bất bại, bất kể đá sân nhà hay sân khách và đi đâu cũng mang đến sức sống như một ngày hội bởi đội ngũ cổ động viên trải dài trên cả nước luôn biến các sân thành ngày hội của riêng bóng đá xứ Nghệ.
Tâm sự của HLV Hữu Thắng: "Trước khi bước vào trận đấu với ĐT Long An, tôi đã nhắn nhủ với các em là các em phải biết rằng sau lưng mình là biết bao người hâm mộ quê hương không quản ngải đường xá xa xôi. Thậm chí là có rất nhiều người rong ruổi với xe máy xuống tận Long An để cổ vũ chúng ta. Vì thế nên các em phải chiến đấu vì tấm lòng người hâm mộ, để đáp ứng lại tấm lòng và tình cảm cao quý đấy. Trước tấm lòng và tình yêu bóng đá xuất phát từ cái tình của quê hương như thế, chúng tôi thật xúc động và sức mạnh đội bóng được nhân lên rất rất nhiều…". |