Giải Euro có một không hai: Nhà vô địch nâng cúp nhờ... tung đồng xu
Lịch sử bóng đá đã chứng kiến một giải đấu hy hữu mà nhà vô địch chỉ có thể nâng cúp nhờ một màn tung đồng xu may rủi.
Loạt sút luân lưu là một phần không thể thiếu của bóng đá ngày nay khi cần phân định thắng thua trong các trận đấu knock-out, và sự căng thẳng tột độ trong loạt “đấu súng” khiến các trận đấu thêm phần đặc biệt. Nhưng có một thời người ta đã dùng tới một cách hoàn toàn khác lạ & kỳ quặc để chọn đội thắng sau khi hai bên cầm hòa nhau trong 2 hiệp phụ.
Loạt luân lưu Pháp - Italia 2006, lần gần nhất chức vô địch World Cup được phân định trên chấm 11m
Ý tưởng về một loạt luân lưu đã xuất hiện sớm nhất từ đầu những năm 1950, nhưng khi đó ít liên đoàn bóng đá nào học tập ý tưởng của nhau cho tới khi những trường hợp bất phân thắng bại xảy ra ở các giải đấu quốc tế. Một số giải đấu quốc nội như Coppa Italia, Cúp quốc gia Nam Tư và Cúp giải trẻ Thụy Sĩ là những giải đầu tiên áp dụng, nhưng phải tới năm 1965 loạt luân lưu mới lần đầu xuất hiện ở một giải quốc tế, và lại là ở Nam Mỹ.
Ở những giải đấu không có luật đá luân lưu, các đội sau khi hòa nhau trong 120 phút sẽ phải tổ chức đá lại. Riêng với những giải đấu quốc tế cấp đội tuyển, tung đồng xu sẽ được sử dụng để phân thắng bại trong đa số các trận ngoại trừ chung kết, bởi khung thời gian hạn hẹp không cho phép đá lại vào một ngày khác. Và sự may rủi của luật này đã trở nên đáng chú ý bởi một ví dụ vào năm 1968.
Giải vô địch châu Âu Euro lúc này đã tổ chức sang kỳ thứ 3 và vẫn chưa có được nhiều đội tham dự như bây giờ do UEFA mới thành lập được 14 năm. “Vòng chung kết” Euro 1968 chỉ có 4 đội tham dự trong khoảng thời gian vỏn vẹn 3 ngày, 4 đội được chọn ra từ một vòng loại có 31 đội tham dự chia làm 8 bảng, 8 đội đầu bảng đá tứ kết để lấy 4 đội vào vòng chung kết.
Italia đối đầu Liên Xô ở bán kết Euro 1968
Lá thăm đã đặt Italia đối đầu với nhà cựu vô địch Liên Xô, một trong những thế lực lớn nhất của bóng đá châu Âu khi đó, trong khi Anh đối đầu một đội mạnh khác là Nam Tư ở trận còn lại. Nam Tư đã đánh bại Anh với tỷ số tối thiểu 1-0 nhờ bàn thắng muộn Dragan Dzajic, nhưng trận đấu còn lại giữa Italia và Liên Xô đã phải vào hiệp phụ.
Đây là một trận đấu mà Italia đã phải chống đỡ suốt toàn trận bởi đội hình hùng mạnh của Liên Xô. Bất cứ khi nào Italia tiến vào 40m cuối phần sân Liên Xô, họ lập tức bị đám đông cầu thủ đối phương bao vây và cướp lại bóng. Liên Xô ít nhất 2 lần bị từ chối penalty khi cầu thủ Italia để bóng chạm tay lẫn tiền đạo Byshovets bị kéo ngã, và thủ môn Dino Zoff có liên tiếp các pha cứu thua xuất thần để giữ tỷ số.
120 phút trôi qua mà không bàn thắng nào được ghi, và do chung kết sẽ diễn ra trong 3 ngày nữa, trọng tài quyết định tung đồng xu để phân thắng bại. Hai bên bắt tay nhau trước khi trở về phòng thay đồ, và đội trưởng mỗi bên tới phòng của các trọng tài để chuẩn bị cho màn phân định trận đấu một cách may rủi.
Giacinto Facchetti, đội trưởng của tuyển Italia, đã chọn đúng mặt đồng xu và ông vui mừng chạy ra khỏi phòng để thông báo cho khán giả biết Italia đã thắng và sẽ vào chung kết gặp Nam Tư. Đó là một cái kết hết sức phi cao trào và phía Liên Xô cũng tỏ ra không hài lòng, nhưng không có giải pháp nào khác thỏa đáng hơn cho mọi phía.
Facchetti nâng cúp vô địch Euro 1968, sau khi tuyển Italia thắng bằng tung đồng xu lẫn đá lại trận chung kết
Trong trận chung kết, Dzajic tiếp tục tỏa sáng với bàn mở tỷ số cho Nam Tư nhưng phút 80 Angelo Domenghini đã gỡ hòa cho Italia từ một quả đá phạt. Một lần nữa Italia vào hiệp phụ và họ tiếp tục bảo toàn tỷ số 1-1, nhưng không có màn tung đồng xu do ban tổ chức đã báo trước chung kết sẽ đá lại sau đó 2 ngày nếu hòa.
Italia ở trận đá lại tung ra một đội hình khác với sự trở lại của trung phong chủ lực Gigi Riva, người ở trận chung kết đầu tiên đã vắng mặt do chấn thương. Và Riva đã mở tỷ số sau chỉ 12 phút trước khi Pietro Anastasi ấn định 2-0 phút 31, và Italia tử thủ chặt chẽ trong thời gian còn lại. Trước những khán đài đã tụt giảm hơn một nửa số khán giả so với trận trước, Italia trở thành nhà vô địch châu Âu.
UEFA sau giải đấu đã nghiên cứu các giải pháp trước khi luật đá luân lưu chính thức ban hành năm 1970, và sau đó luật này xuất hiện ở cả Cúp C1 & Cúp C2. Dù vậy trận chung kết Cúp C1 năm 1974 vẫn áp dụng luật đá lại, và phải tới Euro 1976 sút luân lưu mới hoàn toàn trở thành phương pháp phân định thắng thua sau hiệp phụ. Đó là giải đấu mà CH Czech vô địch với loạt “đấu súng” nổi tiếng bởi cú sút của Antonin Panenka.
Nguồn: [Link nguồn]
Đã phải dời hoãn lại 1 năm do đại dịch Covid-19 bùng phát, EURO 2021 nhiều khả năng sẽ phải thay đổi luôn phương án tổ...