“Ghế” Phó Chủ tịch tài chính VFF và tấm bằng đại học
Ứng viên Phó Chủ tịch tài chính của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) không bắt buộc phải có bằng phổ thông hay đại học.
Ngày 4-7, VFF công bố tiêu chí bầu Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ. Trong đó quy định: “Là công dân Việt Nam từ 25 tuổi trở lên, có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, tâm huyết với sự phát triển bóng đá Việt Nam; tự nguyện và có khả năng bố trí thời gian để tham gia các hoạt động bóng đá; hiểu biết và có kinh nghiệm trong hoạt động bóng đá hoặc hoạt động thể thao chuyên nghiệp; hoạt động tài chính, thương mại.
Bên cạnh đó, phải có năng lực, khả năng hoạch định, xây dựng, chỉ đạo và triển khai kế hoạch nhằm huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển bóng đá Việt Nam; có khả năng tập hợp, huy động nguồn lực tham gia tài trợ, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong hoạt động bóng đá; được các tổ chức thành viên tín nhiệm giới thiệu; không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành kỷ luật”.
Điều đáng chú ý nhất là việc các tiêu chí dành cho ứng viên Phó Chủ tịch tài chính VFF đã không còn bắt buộc phải có bằng tốt nghiệp phổ thông hay đại học. Câu chuyện này khiến nhiều người nhớ đến bản tiêu chí có phần hớ của VFF trước thềm Đại hội VFF khóa 8 hồi cuối năm 2018. Thời điểm đó, Tiểu ban nhân sự đại hội 8 của VFF cũng đưa ra các tiêu chí lựa chọn ứng viên tham gia tranh cử các chức danh chủ chốt của VFF nhiệm kỳ 8 là phải có bằng đại học.
Trên thực tế, VFF đưa ra tiêu chí ứng cử là điều hết sức bình thường. Mỗi tổ chức đều có quy định, quy chế riêng, chính vì vậy tiêu chí “bằng cử nhân” mà VFF ban hành hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, bộ tiêu chí đó lại có phần nhạy cảm. Bởi nếu căn cứ vào tiêu chí này thì bầu Đức - Phó Chủ tịch VFF đương nhiệm khóa 7 lại không đủ tiêu chuẩn tham gia tranh cử ở Đại hội VFF khoá 8.
Các gương mặt ứng viên Phó Chủ tịch tài chính VFF chưa thật triển vọng. Ảnh: VFF.
Câu chuyện bằng cấp được đem ra tranh cãi với nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa tiêu chí bằng đại học cho các ứng viên tham gia tranh cử không hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh thực tế của tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan trực tiếp đến bóng đá. Và nếu đặt tiêu chí này vào bối cảnh hiện tại, VFF có thể sẽ bỏ qua nhiều những nhân tố có “nghề” về bóng đá.
Cũng bởi tiêu chí này mà bầu Đức đã tự ái, ông cho rằng đã có âm mưu muốn loại ông khỏi VFF. Bầu Đức thậm chí từ chối cuộc họp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với lý do: “Tôi biết các thành viên của VFF được mời họp, trong đó duy nhất có tôi là người không có bằng đại học. Tôi cảm thấy xấu hổ nên không đi”. Chuyện “bằng cấp” đã khiến cho nhiều chuyện lùm xùm xuất hiện trước thềm đại hội VFF khóa 8.
Sau đó, VFF cũng đã bỏ qua tiêu chí này. Thế nhưng, bầu Đức cũng đã không tham gia tranh cử. Thực chất, ông đã xin rút lui khỏi VFF từ sau khi U22 Việt Nam thất bại ở SEA Games 2017. Đại hội VFF khóa 8 sau khi kiện toàn nhân sự được 6 tháng thì ông Cấn Văn Nghĩa bất ngờ xin từ chức Phó Chủ tịch tài chính. Sau đó, Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải đã chỉ định Phó Chủ tịch Thường trực VFF Trần Quốc Tuấn phụ trách chuyên môn tạm thời phụ trách công việc của ông Nghĩa.
Tại Hội nghị Ban chấp hành VFF lần thứ 6 diễn ra hồi tháng 5 đã đi đến thống nhất sẽ tổ chức Đại hội thường niên vào tháng 8-2020. Tại đại hội sẽ bầu bổ sung vị trí Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF.
Trước đó, có 3 gương mặt là ứng viên cho vị trí Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính, gồm: Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch kiêm Tổng GĐ VPF, Ủy viên Thường trực VFF; ông Lê Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Công ty CP thể thao Động Lực; ông Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch Than Quảng Ninh. Tuy nhiên, mới đây ông Trần Anh Tú đã xin rút lui.
Lý do được ông Tú đưa ra là: “Do nhiều ý kiến trái chiều lúc đó nên việc tôi không ra ứng cử nữa thì tốt cho VFF. Như đã nói, năm nay là một năm khó khăn do dịch COVID-19 nên tôi phải dành rất nhiều thời gian cho công việc hiện tại, do vậy tôi sẽ không ra tranh cử chức danh Phó Chủ tịch phụ trách tài trợ VFF vào tháng 8-2020”.
Chuyện lùm xùm giữa bầu Đức và ông Trần Anh Tú trước thềm đại hội khoá 8 từng khiến báo chí tốn nhiều giấy mực. Ông Tú từng phải rút lui trong nước mắt vì những công kích đến từ bầu Đức. Mà mọi nguyên do cũng đến từ bộ tiêu chí có “bằng đại học” mà bầu Đức đã hiểu lầm thành có âm mưu chống lại mình. Vị trí Phó Chủ tịch tài chính đang cần đến một cái tên “có giá”, cả về giá trị tiền bạc kiếm về cho VFF và giá trị thương hiệu bản thân. Thế nhưng, kể cả khi VFF bỏ đi tiêu chí “bằng đại học” thì vẫn không có những ứng viên sáng giá.
Phó Chủ tịch tài chính VFF kiếm bao nhiêu tiền? Năm 2019, doanh thu của VFF là 240 tỉ đồng trong khi chỉ tiêu đề ra là 165 tỉ đồng, lãi đến 747%. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, VFF đã thông báo có thể sụt giảm nguồn thu xuống 6% trong năm 2020. Trước đó, VFF đặt mục tiêu năm 2020 sẽ thu được 256 tỉ đồng. Cũng vì thế mà Đại hội thường niên của VFF sẽ được diễn ra ngay trong tháng 8 thay vì chờ đến cuối năm như thường niên. Năm 2014, khi trúng cử chức Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 7, ông Lê Hùng Dũng từng tuyên bố sẽ kiếm về cho VFF 383 tỉ đồng. Ông Dũng trước đó là Phó Chủ tịch tài chính VFF đã phần nào thể hiện được khả năng kiếm tiền với cách làm việc, tư duy của doanh nhân. Tuy nhiên, khi lên nắm quyền thì ông lại thất bại và rồi vì lý do sức khoẻ đã sớm rút lui với một kế hoạch kiếm tiền dang dở. Đến năm 2018, khi ông Cấn Văn Nghĩa trúng cử chức Phó Chủ tịch tài chính VFF nhiệm kỳ 8 đã hứa sẽ kiếm về 400 tỉ đồng trong nhiệm kỳ. Tuy nhiên, ông Nghĩa mới chỉ tại vị 6 tháng đã xin từ chức vì những vấn đề liên quan đến cá nhân, trong đó có những bê bối tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình. Bầu Đức từng tiến cử doanh nhân Nguyễn Hoài Nam - Tổng GĐ Tập đoàn Berjaya Việt Nam thay ông Cấn Văn Nghĩa. Tất nhiên, bầu Đức cũng đưa ra “cái giá” khá cao cho doanh nhân này, với tuyên bố: “Nếu mọi việc không sáng sủa, ông Phó Chủ tịch VFF phụ trách vận động tài trợ nên rút lui, nhường chỗ cho người khác. Tôi cam đoan rằng chỉ 10 phút sau khi ông ấy rút lui, sẽ có người khác điền vào chỗ trống kèm theo cam đoan sẽ mang về cho VFF không ít hơn 200 tỉ đồng/năm. Tôi chịu trách nhiệm về phát biểu này và sẽ đứng ra bảo hộ cho người được tiến cử. Đó là doanh nhân Nguyễn Hoài Nam”. |
Nguồn: [Link nguồn]
Trận cầu tâm điểm ở vòng 8 V-League sẽ là cuộc đối đầu giữa Viettel vs Hà Nội FC. Trong khi đó, Công Phượng hứa hẹn...